'Các cơ quan phải nỗ lực cải cách gấp đôi, gấp ba'

Ý kiến chuyên gia cho rằng, xét từ phía các cơ quan chịu trách nhiệm thực thi Nghị quyết 19, không còn cách nào khác là phải nỗ lực mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần so với trước đây.

Ông Phan Đức Hiếu.

Sau 5 năm thực hiện các Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Việt Nam liên tục được cải thiện.

Song theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB) và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), thứ hạng của Việt Nam về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh lại giảm so với năm 2017 dù điểm số trên bảng xếp hạng có tăng.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục thực trạng nhiều chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh xếp hạng thấp và nguy cơ tụt hậu.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu xét theo từng chỉ số, có những chỉ số có những sự cải thiện rất tốt như chỉ số tiếp cận điện năng từ vị trí khoảng 150-160 thì nay đã lên Top 30, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư trước đây xếp cuối bảng xếp hạng thì nay đang đứng ở vị trí ngoài 80…

Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả rất tốt nhưng có một điểm chưa đạt được mục tiêu của Chính phủ đặt ra, đó là chất lượng môi trường kinh doanh phải đạt ngang bằng ASEAN 4.

Trả lời phỏng vấn TTXVN, ông Hiếu cho rằng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, có hai bài học được rút ra.

Về phía Chính phủ, sự quyết tâm, nỗ lực đóng vai trò hết sức quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết tâm thúc đẩy cải cách. Đây là điều kiện tiên quyết và nền tảng khi Việt Nam thực hiện Nghị quyết 19.

Điều thứ hai là về việc thiết kế chương trình cải cách, đây có thể coi là bài học rất có ý nghĩa trong hoàn cảnh của Việt Nam. Trước kia, Việt Nam cải cách nhưng sử dụng phương pháp, tiêu chí do chính Việt Nam đặt ra, sau đó dùng các bộ, ngành và các cơ quan tự đánh giá nên trong suốt quá trình cải cách, về cơ bản đều thấy là tốt, đạt được kết quả nhưng thực tế có tác động và chuyển biến hay không thì câu hỏi này luôn được đặt ra.

Ngay từ khi thực hiện Nghị quyết 19, nhiều ý kiến cũng cho rằng không nên sử dụng phương pháp đánh giá của WB và đã đề nghị Chính phủ nên sử dụng một phương pháp đo lường riêng. Tuy nhiên, Chính phủ đã rất quyết đoán khi không đưa ra một chương trình cải cách với những tiêu chí, nội dung, cách thức đánh giá riêng mà sử dụng phương pháp đánh giá của WB vì có hai điểm lợi.

Điểm lợi thứ nhất khi đo lường kết quả cải cách Việt Nam không can thiệp được, thứ hai là tiêu chí đánh giá rất cụ thể, sát với doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, không phải là sửa bao nhiêu luật mà doanh nghiệp chỉ quan tâm sau khi cải cách, thời gian tuân thủ luật pháp có được rút ngắn không, chi phí để tuân thủ có giảm không… Vì vậy, cách thức tiếp cận và triển khai trong thực hiện Nghị quyết 19 là bài học hết sức có ý nghĩa.

Một bài học nữa đó là nỗ lực của các bộ, ngành đóng vai trò quan trọng, một chương trình cải cách tốt nếu thiếu sự phối hợp, hợp tác, nỗ lực thì cải cách cũng sẽ rất khó để đạt được kết quả tốt. Các bộ, ngành khi mới bắt đầu cho rằng cải cách lần này khó nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại.

Cũng theo ông Hiếu, việc Việt Nam tuy tăng điểm nhưng tụt hạng vừa qua cho thấy Việt Nam không còn con đường nào khác là năm nay đã nỗ lực cải cách thì sang năm phải gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với chính chúng ta và phải nỗ lực hơn các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…

Việt Nam có rất nhiều dư địa để cải cách, có nhiều chỉ số ở xếp hạng thấp, chất lượng chưa cao thì dư địa để cải cách là lớn. Những chỉ số hiện đang ở Top 20, 30, dư địa cải cách tiếp là khó.

“Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng lần này, nếu xét từ phía các cơ quan chịu trách nhiệm thực thi Nghị quyết 19, không còn cách nào khác là phải nỗ lực mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần so với trước đây”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tư duy thực thi cũng cần thay đổi. Các bộ, ngành liên quan phải thực hiện Nghị quyết này, không chỉ vì tuân thủ yêu cầu của Chính phủ mà phải coi đây là trách nhiệm với xã hội, với đất nước, đối với sự phát triển kinh tế.

Song song đó, nếu bộ, ngành nào không đạt mục tiêu đề ra cũng cần xem xét về mặt kỷ luật hành chính như trong các Nghị quyết 19 đã đề ra, đó là xác định trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu như không đủ năng lực thì phải tính đến việc luân chuyển sang công việc khác.

Theo ông Hiếu, tại thời điểm hiện nay, việc thực hiện cải cách về thể chế, cải cách về nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh đang thuận lợi hơn so với 10 năm trước đây.

Trước đây, nếu muốn cải thiện chỉ số gia nhập thị trường sẽ rất loay hoay khi không biết các nước làm như thế nào là tốt thì với môi trường thông tin dễ dàng như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có đủ thông tin để biết mô hình tốt.

“Để bắt kịp các nước, không thể gọi là cải thiện môi trường kinh doanh mà ở đây phải là sự cải cách, đặt ra mục tiêu đột phá. Nếu như lần này cơ hội bị mất đi thì tác động của việc mất cơ hội còn lớn hơn nhiều so với việc không cải cách. Bởi để quay lại một chương trình cải cách có thể mất 5 đến 10 năm và như vậy cơ hội kinh doanh cũng như cơ hội phát triển kinh tế sẽ mất đi”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tại cuộc họp mới đây về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết 19 cho năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, Nghị quyết cần sớm ban hành ngay từ đầu năm, cùng thời điểm với Nghị quyết 01, với quan điểm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cần tính toán kỹ các mục tiêu, chỉ tiêu với quyết tâm phấn đấu cao nhất, rõ ràng, minh bạch hơn và dễ giám sát, đánh giá. Thủ tướng nhất trí, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu cụ thể và cho rằng, cần có đánh giá nghiêm túc, khách quan việc thực hiện với chế tài xử lý cương quyết, nghiêm minh như công khai các bộ, ngành, địa phương không thực hiện tốt, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Thành Đạt

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/cac-co-quan-phai-no-luc-cai-cach-gap-doi-gap-ba/353477.vgp