Các chuyên gia tìm giải pháp xử lý sự cố công trình chứa nước

Tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tổng cục Thủy lợi tổ chức hội thảo khoa học nghiên cứu giải pháp xử lý hồ đập...

Hội thảo tìm giải pháp xử lý sự cố 2 công trình thủy lợi không đảm bảo an toàn tại Quảng Trị

Hội thảo tìm giải pháp xử lý sự cố 2 công trình thủy lợi không đảm bảo an toàn tại Quảng Trị

Tại Hội thảo, sau khi lắng nghe báo cáo kết quả kiểm định, đánh giá nguyên nhân sự cố, biện pháp thiết kế khắc phục công trình tràn xả lũ Nam Thạch Hãn và báo cáo kết quả khoan phụt thử nghiệm xả lũ tràn xả lũ Nam Thạch Hãn, các chuyên gia đầu ngành về thủy lợi và các đại biểu đã thảo luận, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục sự cố một cách triệt để, đảm bảo ổn định lâu dài cho công trình.

Cụ thể, công trình Tràn xả lũ Nam Thạch Hãn tập trung vào các giải pháp như: khoan phụt tạo màn chống thấm cho nền tràn và thân tràn; gia cố bề mặt dốc nước và chống thấm hai bên vai tràn; xử lý hố xói sân tiêu năng. Tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 84 tỷ đồng. Đối với công trình Hồ Triệu Thượng 2, các đại biểu bổ sung, góp ý đối với những phương án mà Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị phối hợp với đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan đề xuất.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, giải pháp của các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra về khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn cho các hồ đập

Ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục Thủy lợi cho biết: Để đảm bảo an toàn công trình trong mùa lũ 2018, ngoài giải pháp tổng thể thì trước mắt phải có các biện pháp tránh phát sinh thêm các sự cố, nếu không sẽ khiến mức độ xử lý cũng như kinh phí tăng lên. Hội thảo được tổ chức lần này, có mời các chuyên gia đầu ngành về thủy lợi nhằm tập trung vào các nhóm giải pháp như: ngăn chặn phát sinh thêm sự cố, các giải pháp sửa chữa để đảm bảo an toàn công trình lâu dài.

Về nguồn vốn năm 2018, UBND tỉnh Quảng Trị bố trí được hơn 10 tỷ; Bộ NN&PTNT cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ dành một khoản tiền tập trung xử lý cho công trình Tràn xả lũ Nam Thạch Hãn với số tiền khoảng 30 tỷ, cố gắng gấp rút tập trung xử lý sớm vào cuối năm. Đối với công trình trên, để đảm bảo an toàn về lâu về dài phải tập trung xử lý tổng thể chứ không phân kỳ được nữa.

Công trình tràn xả lũ Nam Thạch Hãn đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn hậu họa khôn lường nếu không được sửa chữa kịp thời

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, giải pháp của các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra. Đồng thời, giao Sở NN&PTNT tổng hợp các ý kiến đóng góp để tham mưu UBND tỉnh về tính khả thi của các phương án xử lý sự cố của hai công trình, nhằm đưa vào thi công đạt hiệu quả cao. Các đơn vị liên quan cần nhanh chóng rà soát, kiểm tra lại hiện trường, đề xuất các giải pháp, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét thẩm định và phê duyệt; trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí sớm sửa chữa hoàn thiện công trình Nam Thạch Hãn, đảm bảo an toàn bền vững, phục vụ sản xuất và đời sống cho nhân dân.

Trước đó, tại công trình Tràn xả lũ Nam Thạch Hãn, lũ từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn đã gây vỡ phần kết cấu bê tông sân tiêu năng phía bờ nam tràn xả lũ bị vỡ với diện tích gần 1.000 m2. Nhiều vị trí khác bị phồng rộp và nguy cơ lún sập, kèm theo phần cát, đá dưới nền bị cuối trôi tạo thành nhiều hang rỗng phía dưới nền công trình.

Các chuyên gia đầu ngành thủy lợi thị sát tình hình, tìm giải pháp xử lý sự cố công trình chứa nước hồ đập

Sau khi sự cố xảy ra, các ngành chức năng Quảng Trị đã tổ chức khắc phục khẩn cấp bằng giải pháp đổ tường bê tông trọng lực vây quanh để hạn chế hố xói phát triển thêm nhằm đảm bảo an toàn công trình, hạn chế thiệt hại trong các đợt lũ tiếp theo. Tuy nhiên, hiện tượng xâm thực tại công trình lại có xu hướng ăn sâu xuống và tạo ra các hàm ếch dưới các tấm bê tông sân tiêu năng còn lại, có nguy cơ lún sập rất cao.

Đối với công trình hồ Triệu Thượng 2, mưa lớn kéo dài khiến hồ xảy ra sự cố trượt mái hạ lưu đập chính, phạm vi vùng trượt dài khoảng 75m, lên đến cách đỉnh đập 1,8m. Sở NN&PTNT chỉ đạo Công ty Thủy nông thực hiện các biện pháp xử lý khẩn cấp như đóng cọc tre, đắp đất tạo tầng phản áp dọc theo chân hạ lưu đập, bố trí tầng lọc sỏi sạn thoát nước thấm ra hạ lưu. Tuy nhiên, hiện công trình vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao, đặc biệt khi mùa mưa lũ 2018 hiện đang đến gần.

Đông Hiền

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/cac-chuyen-gia-tim-giai-phap-xu-ly-su-co-cong-trinh-chua-nuoc-d262986.html