Các chuyên gia quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Bộ Tài chính thống nhất hệ thống tự động hóa toàn Ngành

Chiều ngày 17/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có cuộc tiếp và làm việc với Phái đoàn các chuyên gia về Ứng dụng thông minh đến từ nhiều thành phố hàng đầu về công nghệ trên thế giới để cùng bàn về việc hợp tác xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam, trong đó có hiện đại hóa ngành Tài chính thời gian tới.

Toàn cảnh cảnh buổi làm việc.

Nồng nhiệt tiếp đón, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ với các chuyên gia về những thành công ấn tượng của kinh tế Việt Nam cũng như nhiệm vụ tài chính – NSNN 3 năm qua.

Bộ trưởng cho biết: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngày càng ổn định, bền vững; tăng trưởng GDP liên tục tăng từ 2016 đến nay và đạt mức khá cao 7,08% năm 2018; lạm phát được kiểm soát dưới 4% theo đúng mục tiêu đề ra. Cùng với đó, tình hình tài chính – NSNN cũng phát triển tốt với 3 năm liên tục số thu NSNN đều vượt dự toán; môi trương đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể.

Với những thành quả đó, nền kinh tế Việt Nam liên tục được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nâng hạng trong 3 năm liên tiếp.

Chia sẻ về công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa ngành Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay: Đây là công tác trọng tâm của toàn Ngành trong nhiều năm qua. Tới nay, các đơn vị trọng điểm của Ngành như Thuế, Hải quan, Kho bạc, Chứng khoán,…đã được tự động hóa trong hầu hết các khâu.

Tuy có nhiều nỗ lực, song, theo Bộ trưởng, có một thực trạng cần phải giải quyết ngay là mỗi đơn vị trong ngành Tài chính đều có hệ thống tự động hóa riêng và đang vận hành tốt nhưng chưa có sự gắn kết, chia sẻ với nhau để tạo nên sự đồng bộ, thống nhất.

“Cần tích hợp toàn diện từ trên xuống, từ dưới lên thì các hệ thống mới có ý nghĩa. Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã bắt tay vào xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính với các mục tiêu, tiến độ rất cụ thể từ việc chuyển đổi phần mềm, hệ thống công nghệ đến chuyển đổi nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu hay chuyển đổi hạ tầng và bảo mật. Tuy nhiên, để thành công vẫn cần một khoảng thời gian nữa” – Bộ trưởng nói.

Vì lẽ đó, ngành Tài chính rất cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia, các doanh nghiệp có kinh nghiệm, đáng tin cậy về lĩnh vực công nghệ, ứng dụng thông minh trên thế giới.

Bày tỏ ấn tượng trước những thành quả về hiện đại hóa của ngành Tài chính, người dẫn đầu Phái đoàn - ông Frans-Anton Vermast, Đại sứ Thành phố thông minh quốc tế, Amsterdam, Hà Lan cho biết: Các thành viên của Phái đoàn là các chuyên gia đến từ nhiều thành phố khác nhau thuộc các lĩnh vực khác nhau có chung mong muốn là được có cơ hội giúp đỡ Bộ Tài chính tự động hóa cao hơn và tích hợp toàn bộ hệ thống của toàn Ngành như Bộ trưởng chia sẻ ở trên.

Ông Frans-Anto Vermast có một lưu ý dành cho phía Việt Nam là khi tích hợp các hệ thống lại với nhau, vấn đề dữ liệu cần phải được quan tâm hàng đầu vì khối lượng dữ liệu lớn đó cần có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng không chỉ từ phía cơ quan quản lý mà cả các DN sử dụng dịch vụ.

Đại diện Phái đoàn tin tưởng rằng sẽ giúp đỡ Việt Nam tìm được một mô hình ứng dụng hợp lý, thông minh, đáp ứng yêu cầu đề ra. Phái đoàn cũng cam kết sẽ giúp Việt Nam tìm kiếm những DN phù hợp nhất trên thị trường thế giới để có thể triển khai được công việc này hiệu quả nhất.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã có buổi tiếp bà Zoubida Allaoua, Giám đốc Ban Tài chính, cạnh tranh và đổi mới toàn cầu (FCI) và các chuyên gia cấp cao của Ngân hàng thế giới (WB). Tại đây, hai bên đã cùng thảo luận về vấn đề bảo hiểm rủi ro thiên tai.

Hai bên trao đổi về vấn đề bảo hiểm rủi ro thiên tai.

Theo bà Zoubida Allaoua, WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển các công cụ bảo hiểm rủi ro thiên tai trên thị trường; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược phòng vệ của Chính phủ trước rủi ro thiên tai, kể cả đối với tài sản công. Với tinh thân đó, WB mong muốn Chính phủ Việt Nam chủ động phòng vệ trước vấn đề này thay vì để thiên tai xảy ra mới bỏ chi tiêu công để khắc phục thiệt hại.

Thời gian trước, WB đã phối hợp với các bộ, ngành Việt Nam xây dựng bản đồ rủi ro thiên tại khá cụ thể. Bộ Tài chính mong muốn WB sớm chia sẻ bản đồ này để cơ quan quản lý bảo hiểm có căn cứ để xây dựng các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai cho phù hợp.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cac-chuyen-gia-quoc-te-san-sang-ho-tro-bo-tai-chinh-thong-nhat-he-thong-tu-dong-hoa-toan-nganh.aspx