Các chuyên gia nói gì về 'tương lai' CPTPP?

Theo các chuyên gia, với TPP hay CPTPP, cơ hội và thách thức luôn song hành. CPTPP cũng là một hiệp định thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi phải thực hiện cải cách, đổi mới trong quan điểm cũng như pháp lý, thể chế, hành chính.

Dưới đây là chia sẻ của các chuyên gia về “tương lai” của CPTPP:

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (Nguồn: Internet)

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế): Các bên đã tiến rất gần tới việc ký kết hiệp định CPTPP. Với hiệp định mới, 20 điều của thỏa thuận TPP ban đầu sẽ được treo lại, trong đó có 10 điều liên quan tới sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, 4 điểm được để riêng cho các bên đàm phán thống nhất. Các điều này sẽ được nêu trong phụ lục kèm theo tuyên bố chung. Tuy nhiên, hiện chưa thể thông báo chính thức về các điều khoản treo này.

Về nội dung cơ bản của CPTPP, hiệp định vẫn giữ nguyên những đòi hỏi với các tiêu chuẩn ở mức cao như TPP gồm 12 nước trước đây. CPTTP chỉ khác ở một số điều khoản được điều chỉnh tạm hoãn thực thi.

Với CPTPP, cơ hội và thách thức luôn song hành. CPTPP là một hiệp định thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi phải thực hiện cải cách, đổi mới trong quan điểm cũng như pháp lý, thể chế, hành chính.

Các quá trình đàm phán CPTTP đều bảo đảm mục tiêu hiệu quả cho các quốc gia tham gia. Vì vậy, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều nghiên cứu, đánh giá rất cụ thể về việc cải cách mở cửa, hội nhập trong các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để đưa ra được quan điểm cân bằng về lợi ích của mình khi tham gia hiệp định.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (Nguồn: Dân trí)

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Việt Nam ủng hộ CPTPP vì đây là hiệp định thương mại tự do đa phương, bao gồm nhiều cam kết mới. CPTPP có thể được xem như hiệp định kiểu mẫu cho những hiệp định khác.

Ví như chúng ta có thể thấy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu cũng có những quy định tương tự, như về: mua sắm nhà nước, người lao động… Tất cả những quy định đó rất tiến bộ, bởi muốn thương mại phát triển thì không chỉ giảm thuế mà phải thống nhất cả những quy định của Chính phủ, những hành vi của Chính phủ. Ví như quy định về công khai minh bạch, chống tham nhũng….

Trong CPTPP, các quốc gia thành viên như Nhật Bản Canada, Chile, Australia, New Zealand…thì về kinh tế cũng có nhiều mặt bổ sung cho nhau. Những sản phẩm chúng ta sản xuất ra có chất lượng đều được các quốc gia trên ủng hộ.

Hiện còn 20 điều trong CPTPP để tiếp tục thỏa thuận thêm. Phải kết thúc thỏa thuận 20 điểm này mới có thể biết chính xác nó tác động thế nào đối với Việt Nam. Dù vậy, tôi cho rằng, 10 thị trường của CPTPP rất tiềm năng nếu doanh nghiệp Việt Nam chịu khó khai thác.

Về sự rút khỏi hiệp định của Mỹ, quốc gia này hiện chiếm đến 22,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nên Mỹ rút khỏi hiệp định sẽ là một thiệt thòi cho chúng ta. Dù vậy, 11 nước CPTPP vẫn hy vọng Mỹ sẽ quay lại tham gia hiệp định trong một thời gian nào đó.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh (Nguồn: Vneconomy)

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Khi Mỹ đã rút khỏi hiệp định thì tính chất của hiệp định cũng khác đi. Như vậy nghĩa là CPTPP sẽ phải khởi động lại. Mà thông thường, một hiệp định thương mại tự do đa phương khởi động lại tự đầu sẽ phải mất nhiều thời gian.

Do đây chỉ mới là bước khởi động nên các thành viên tham gia vào hiệp định hiện nay cũng chưa rõ ràng khi để ngỏ khả năng sự tham gia của các thành viên khác nữa trong tương lai. Nếu các thành viên mới khác mà tham gia ngay từ đầu, hoặc trong quá trình đàm phán thì cũng sẽ thay đổi điều kiện của đàm phán rất nhiều. Chưa kể bản thân các thành viên trong 11 nước hiện tại cũng có thể thay đổi quan điểm của mình. Nói chung, theo quan điểm của tôi, quá trình đàm phán CPTPP sẽ còn mất rất nhiều thời gian để đi đến một thỏa thuận rõ ràng./.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/cac-chuyen-gia-noi-gi-ve-tuong-lai-cptpp-263115.html