Các chuyên gia kỳ vọng gì vào tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo?

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn trở thành tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều chuyên gia chia sẻ kỳ vọng vào tân Bộ trưởng sẽ đưa nền giáo dục Việt Nam có nhiều bước tiến.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: Internet

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: Internet

Ngày 8/4/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết bầu PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Việc PGS.TS Nguyễn Kim Sơn trở thành tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hơn nữa, các chuyên gia kỳ vọng PGS.TS Nguyễn Kim Sơn với những quyết sách mạnh mẽ sẽ đưa giáo dục Việt Nam ổn định, phát triển trong thời gian tới.

GS.TS Phạm Tất Dong.

Nhiều khó khăn, thách thức

Trả lời VTC News, GS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, giáo dục là vấn đề khó nên Bộ trưởng GD&ĐT nào ngồi "ghế nóng" này cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Giáo dục đang đứng giai đoạn chuyển đổi, đặc biệt là chuyển đổi số nên tân Bộ trưởng phải đương đầu với việc đổi mới, nếu không nhạy bén và quyết liệt sẽ khó đạt được. Nhiều vấn đề như thi cử, sách giáo khoa, học trực tuyến…, một số chính sách mới cần phải ban hành để đưa giáo dục vào quỹ đạo, tất cả đều cần nỗ lực rất lớn ở tân Bộ trưởng mới đáp ứng hết kỳ vọng của nhân dân.

Đối với giáo dục phổ thông, trước hết chương trình và sách giáo khoa phải ổn định. Chỉ cần trục trặc một chút về chương trình, một bộ sách giáo khoa, hàng trăm trường phổ thông bị đổ theo vì phổ thông học chung một vấn đề.

Theo quan điểm của GS Dong, cần có bộ sách giáo khoa quốc gia, không nên thả lỏng như hiện nay, nếu không sẽ loạn. Sau đó, các đơn vị khác nếu muốn đổi mới thì cứ viết sách, để sử dụng sách tham khảo, bổ sung cho bộ sách giáo khoa Quốc gia.

Giáo sư Dong cho rằng, về vấn đề thi cử không nên quá khắt khe, không nên làm quá tốn kém. Hiện nay việc dạy, học trực tuyến đã khá tốt, do vậy cần nghiên cứu sớm đưa thi cử vào trực tuyến sẽ tốt hơn.

TS Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cho rằng, bản thân ngành giáo dục rất cố gắng nỗ lực trong điều kiện nền kinh tế của chúng ta rất thấp. Chúng ta phải tự hào vì chất lượng giáo dục phổ thông đã được quốc tế ghi nhận; tốc độ chuyển biến của các trường đại học đã thay đổi gắn với nền kinh tế thị trường.

Ông hy vọng tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ đưa ra chiến lược làm thế nào phát huy nội lực ngành giáo dục và đưa ra những chính sách tác động đến các gia đình, phụ huynh cũng phải thay đổi cách giáo dục giới trẻ, chứ nỗ lực của mỗi nhà trường là không đủ.

“Ngành giáo dục nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, nhiều vấn đề sẽ chịu sức ép của dư luận xã hội. Bộ trưởng cần lắng nghe sự đóng góp của nhân dân nhưng vẫn nên kiên định để đưa ra quyết định đúng đắn nhất” - TS Đàm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Phú Xuân chia sẻ với Pháp luật TP Hồ Chí Minh.

Theo TS Minh, nhiệm vụ Bộ trưởng GD&ĐT hiện nay là vị trí đầy khó khăn và thách thức. Ông kỳ vọng tân Bộ trưởng cần cố gắng cho vấn đề tự chủ đại học và kiểm định chất lượng giáo dục, đảm bảo chất lượng.

Trước hàng loạt những thách thức đặt ra với tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất cho rằng, điều quan trọng nhất là Bộ trưởng cần tạo được sự đồng lòng, đồng thuận của đội ngũ nhà giáo

TS Hoàng Ngọc Vinh.

Quan tâm tới đội ngũ giáo viên

Chia sẻ với VOV, TS. Lê Thống Nhất cũng kỳ vọng, tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ quản lý giáo dục. Phải tạo được đội ngũ các hiệu trưởng giỏi. “Giáo dục Việt Nam sẽ tiến lên nếu như Hiệu trưởng các trường phổ thông là những người giỏi. Hiệu trưởng giỏi sẽ tạo ra sự bứt phá ở mỗi ngôi trường phổ thông", TS. Lê Thống Nhất chia sẻ.

“Bộ trưởng cần quan tâm đặc biệt đến cuộc sống của giáo viên. Ở đây không chỉ là câu chuyện lương, thưởng mà cả những áp lực mà giáo viên đang phải đối mặt. Áp lực sổ sách đã thực sự đã được giảm chưa? Những quy định hiện nay đã thực sự gỡ khó cho giáo viên chưa? Mong một Bộ trưởng gỡ khó cho giáo viên”, TS Lê Thống Nhất nhấn mạnh.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, một trong những bất cập của giáo dục hiện nay là vấn đề liêm chính trong học thuật từ bậc phổ thông đến sau đại học.

Bệnh thành tích, thiếu trung thực trong giáo dục vẫn nhức nhối. Bằng giả, bằng thật, mua bán điểm vẫn xảy ra. Điều đáng tiếc theo TS. Hoàng Ngọc Vinh nếu chúng ta quyết liệt, làm triệt để phong trào “2 không” trong giáo dục được khởi xướng từ những năm 2006-2007: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích thì giáo dục Việt Nam đã tiến rất mạnh.

“Chúng ta cần kiên quyết lập lại trật tự liêm chính trong học thuật từ phổ thông đến bậc sau đại học. Dù việc làm này có thể rất đau, đụng chạm lợi ích nhưng phải làm. Bởi nếu giáo dục không dạy người ta sự trung thực, liêm chính thì ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ và đất nước sau này”, TS. Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Trên Pháp luật TP Hồ Chí Minh, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội cho biết, mong muốn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong nhiệm kỳ tới kế thừa và phát huy chính sách xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục tư thục phát triển hơn. Theo thầy Khang, cần cơ chế tự chủ về tổ chức và hoạt động thông thoáng hơn nữa trong khuôn khổ Luật Giáo dục 2019.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (SN 1966, Hải Phòng)

- Chức vụ:

+ Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XIII

+ Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN)

Năm 1990: Tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHQGHN), khoa Ngữ văn, ngành Văn học, chuyên ngành Hán Nôm.

Từ 4/1991 - 2/1999: Giảng viên khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, thuộc ĐHQGHN.

Từ 3/1999 - 3/2002: Cán bộ giảng dạy khoa Văn học, Bí thư Đoàn trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQGHN; Phó Bí thư Đoàn TNCS HCM ĐHQGHN.

Từ 4/2002 - 3/2003: Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Giảng viên khoa Văn học, Bí thư Đoàn TNCS HCM trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN; Phó Bí thư Đoàn TNCS HCM ĐHQGHN.

Từ 4/2003 - 4/2006: Trưởng Phòng Đào tạo, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, giảng viên khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQGHN; Bí thư Đoàn TNCS HCM trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, Phó Bí thư Đoàn TNCS HCM - ĐHQGHN (đến 12/2003).

Từ 5/2006 - 05/2007: Trưởng Phòng Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Giảng viên khoa Văn học, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQGHN.

Từ 6/2007 - 5/2008: Học giả nghiên cứu tại Học viện Harvard Yenching, Hoa Kỳ.

Từ 6/2008 - 10/2009: Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Giảng viên khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Từ 11/2009 - 7/2010: Phó Hiệu trưởng, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc; Phó Bí thư Đảng ủy trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQGHN (từ 6/2010).

Từ 8/2010 - 12/2011: Đảng ủy viên Đảng ủy ĐHQGHN; Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Từ 1/2012 - 2/2016: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQGHN.

Từ 2/2016 - 6/2016: Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQGHN.

Từ 6/2016 - 9/2016: Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN.

Từ 9/2016 - 1/2019: Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN; Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông (từ 2/2017), ĐHQGHN.

Từ 1/2019 - 1/2021: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHQGHN; Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN.

Từ 1/2021: Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHQGHN; Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN.

Ngày 8/4/2021: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Hùng Tâm (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/cac-chuyen-gia-ky-vong-gi-vao-tan-bo-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-d152985.html