Các chuyên gia dự đoán về tình hình đại dịch Covid-19

RIA đưa tin, mới đây các chuyên gia đến từ Đại học Minnesota (Mỹ) đã đưa ra đánh giá về đại dịch Covid-19. Đến nay, 214 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.

Đại dịch Covid-19 có thể kéo dài hai năm. Ảnh: RIA.

Đại dịch Covid-19 có thể kéo dài hai năm. Ảnh: RIA.

Cụ thể, các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu và chính sách về các bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Minnesota cho hay, đại dịch Covid-19 có thể kéo dài 2 năm, đồng thời sự lây lan của nó có thể sẽ không dừng lại cho đến khi nào 60% đến 70% dân số thế giới có được miễn dịch.

“Dựa trên kinh nghiệm từ các đại dịch gần đây, đợt bùng phát này có thể kéo dài từ 18 đến 24 tháng. Nó có thể sẽ không dừng lại cho đến khi 60% đến 70% dân số có được miễn dịch”, báo cáo của trung tâm cho biết.

Ngoài ra, các chuyên gia lưu ý rằng, do thời gian ủ bệnh dài hơn, cũng như quá trình phát bệnh không có triệu chứng cụ thể và chỉ số lây nhiễm virus cao, khiến Covid-19 dường như “dễ lây lan hơn bệnh cúm”.

“Các quan chức chính phủ nên đưa ra thông tin tuyên truyền về khái niệm rằng đại dịch này sẽ không kết thúc sớm và mọi người cần phải chuẩn bị cho sự bùng phát định kỳ trong 2 năm tới”, các chuyên gia nhấn mạnh.

Trong một diễn biến khác, chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, ông Lothar Wieler không loại trừ rằng có thể có 3 đợt lây lan trong đại dịch Covid-19.

“Hầu hết các nhà khoa học cho rằng sẽ có một làn sóng thứ hai, và thậm chí có thể là một đợt thứ ba nữa. Cũng có nhiều nhà khoa học tin rằng mùa thu sẽ là thời điểm điều này xảy ra. Rõ ràng, virus này sẽ xuất hiện ở Đức trong nhiều tháng. Chúng ta sẽ phải sống hàng tháng trời trong thực tế mới này”, ông Wieler nói.

Vào tháng 3, ông Wieler cũng đã dự báo rằng “một đại dịch đang phát triển theo những đợt sóng”. Các nhà dịch tễ học ở nhiều nước trên thế giới đang cảnh báo về làn sóng thứ hai của đại dịch.

Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, đại dịch Covid-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu và bày tỏ lo ngại về tác động của dịch với các nước có hệ thống y tế yếu.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, dịch bắt đầu gia tăng tại những nước có hệ thống y tế yếu hơn, đồng thời bày tỏ lo ngại về các bệnh dịch khác có thể bùng phát do sự lơ là vì Covid-19.

“Dịch Covid-19 cho thấy có thể đánh gục một hệ thống y tế hiện đại nhất. WHO lo ngại các nước có hệ thống y tế yếu hơn. Ngoài ra, dịch sốt rét đã giảm hơn 1 nửa kể từ năm 2000. Tuy nhiên các bước tiến bị đình trệ trong những năm gần đây và thậm chí có thể đảo ngược nếu đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến các chương trình phòng chống sốt rét”, WHO thông báo.

WHO cho biết đang tiếp tục hợp tác với các quốc gia và đối tác để đảm bảo hoạt động đi lại cần thiết nhằm phản ứng với đại dịch, các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và vận chuyển hàng hóa, dần dần nối lại hoạt động đi lại.

Trước đó, WHO hôm 11/3 tại Geneva đã chính thức công bố dịch Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) là đại dịch trên toàn cầu. Về cơ bản, có 3 tiêu chuẩn chính để kết luận một căn bệnh là đại dịch: một chủng virus có thể gây bệnh hoặc gây tử vong; liên tục lây lan từ người sang người; và có bằng chứng cho thấy nó lan khắp toàn cầu.

Theo số liệu thống kê trên trang Worldometers cho thấy, tính đến ngày 2/5, trên thế giới đã có 3.400.090 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), bao gồm 239.566 ca tử vong. Đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện ở 214 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/cac-chuyen-gia-du-doan-ve-tinh-hinh-dai-dich-covid-19-61961.html