Các chương trình đào tạo liên kết cần minh bạch thông tin

Ngày 21/7, tại Trường đại học (ĐH) VinUni (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam. Tham gia hội nghị có đại diện Đại sứ quán các nước cóhợp tác quốc tế về GD&ĐT với Việt Nam và hơn 40 hiệu trưởng/giám đốc các cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu tại Việt Nam.

Thận trọng khi chọn các chương trình liên kết quốc tế

Tại Việt Nam, hiện có 5 trường ĐH có vốn đầu tư nước ngoài và có khoảng 400 chương trình liên kết đào tạo với hơn 30 quốc gia trên thế giới. Các chương trình liên kết đào tạo chủ yếu đào tạo về kinh tế, quản lý, vì vậy, dư địa để Việt Nam mở các ngành liên kết đào tạo nhiều lĩnh vực khác như CNTT, công nghệ sinh học, phần mềm, du lịch… còn rất lớn.

Ngoài ra, các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng còn nhiều tiềm năng để mở rộng liên kết đào tạo theo tín chỉ hoặc nhóm tín chỉ, từ đó mở rộng cơ hội trải nghiệm cho sinh viên quốc tế tại Việt Nam.

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Lãnh đạo các trường ĐH đã kiến nghị nhiều giải pháp để các chương trình liên kết đạt kết quả đào tạo thực chất. PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, với các chính sách mở như hiện nay, chương trình đào tạo liên kết rất thuận lợi.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là trình độ ngoại ngữ của sinh viên. Do đó, nhà trường phải dành 1 năm để đào tạo, nâng trình độ tiếng Anh cho sinh viên học các chương trình quốc tế.

“Việc liên kết đào tạo quốc tế giúp chúng tôi học hỏi được nhiều, từ phương pháp đánh giá, đến kiểm định chất lượng, và giúp chúng ta tiết kiệm được một lượng lớn ngoại tệ, trong khi chỉ sau 3 tháng sau khi tốt nghiệp, sinh viên học chương trình liên kết có thể xin được việc ngay. Nguyên nhân là do các chương trình liên kết không dạy kiến thức hàn lâm mà đề cao khả năng tự học nên sinh viên sau khi tốt nghiệp có kỹ năng làm việc rất tốt ”, PGS Đỗ Văn Dũng cho biết.

Theo bà Dương Hồng Loan, Giám đốc Chiến lược của ĐH RMIT tại Việt Nam, với chi phí không rẻ, phụ huynh cần tỉnh táo khi chọn các chương trình liên kết quốc tế. Mặt khác, các cơ quan chức năng, các trường ĐH phải tạo ra môi trường công khai, minh bạch, cung cấp thông tin minh bạch cho người học.

Đồng quan điểm, đại diện Trường ĐH Anh Quốc tại Việt Nam kiến nghị, các trường ĐH Việt Nam cần chọn đúng đối tác, phải là những cơ sở có thương hiệu và uy tín, minh bạch về chương trình. Các trường nước ngoài sẽ không đầu tư hợp tác nếu thông tin không minh bạch.

Nhiều sinh viên bị “kẹt” vì visa

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH ở nước ngoài bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều cơ sở giáo dục ĐH ở các nước phải chuyển sang học trực tuyến. Môi trường xã hội ở nhiều nước phải thực hiện cách ly. Những yếu tố đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến người học ở các nước, trong đó có lưu học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài.

Sinh viên cần được cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch để chọn đúng trường học tập

Nói về đại dịch COVID – 19, bà Dương Hồng Loan thông tin, ròng rã 1 tháng trời, 10 cán bộ của ĐH RMIT làm việc liên tục với các bộ, ngành mới đưa được 1 chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Hiện ĐH RMIT có 600 sinh viên quốc tế không thể vào Việt Namvì các em chưa được cấp visa. Nhiều sinh viên quốc tế đã kết thúc học ĐH RMIT tại Việt Nam cũng chưa thể về nước…

Chia sẻ khó khăn với ĐH RMIT, ông Đinh Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho hay, ĐH Đà Nẵng cũng có tới 900 sinh viên quốc tế nhưng mới đưa được 300 sinh viên Lào sang học.

Việc cấp visa cho sinh viên quốc tế rất khó khăn, “nên Bộ GD & ĐT có cách nào đẩy nhanh việc nhập cảnh cho sinh viên quốc tế không?”, là đề xuất của ông Đinh Quang Sơn. Tại hội nghị, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho biết, năm nay, do đại dịch mà Đại sứ quán Nhật Bản không thể tổ chức hội chợ giáo dục tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hạn chế này đã khiến cho số lượng sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản du học cũng bị ảnh hưởng…

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạđánh giá, khi đại dịch COVID – 19 xảy ra, trong khi nhiều du học sinh Việt Nam đang lúng túng chưa biết nếu về Việt Nam sẽ học ở đâu, thì sứ mạng của các trường ĐH là tạo điều kiện cho du học sinh trở về được học ở môi trường tốt nhất. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các trường trong và ngoài nước kết nối với nhau, đưa ra các chương trình đào tạo tốt nhất.

“Nếu chỉ nghĩ đến việc giữ chân học sinh, sinh viên Việt Nam ở lại Việt Nam sẽ quá hẹp. Một mặt chúng ta vẫn khuyến khích học sinh đi du học nhưng mặt khác phải tạo ra những chương trình liên kết đào tạo tốt để học sinh ở Việt Nam được học tập trong điều kiện và chương trình tốt nhất - đây còn là cách để giữ nguồn chi phí dành cho du học sinh ở lại Việt Nam. Các trường cần dành thời gian nghiên cứu để chọn đúng đối tác, không vội vàng nhưng cũng không do dự, không để vì thiếu thông tin mà gặp rủi ro.

Bộ GD & ĐT sẽ thực hiện minh bạch các chương trình đào tạo để người học được cung cấp thông tin tốt nhất, đồng thời làm việc với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an để đẩy nhanh tiến độ cấp visa và nhập cảnh cho sinh viên quốc tế”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Tại hội nghị, Trường ĐHVinUni và TrườngĐHCornell (ĐH xếp hạng 14 trên thế giới theo bảng xếp hạng QS, thuộc nhóm các trường Ivy League của Mỹ) đã có sáng kiến ký kết hợp tác chương trình “Study Away”. Đây là chương trình “du học đặc biệt” dành riêng cho các sinh viên quốc tế của ĐHCornell gặp khó khăn trong việc quay trở lại Mỹ. Các sinh viên này sẽ được ĐH VinUni tiếp nhận đến Việt Nam, tiếp tục học chương trình của Cornell cùng với các giáo sư Cornell trên nền tảng trực tuyến, và được học chương trình “Khám phá Việt Nam” tạiĐHVinUni.

Thu Phương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/cac-chuong-trinh-dao-tao-lien-ket-can-minh-bach-thong-tin-603704/