Các chủ nợ từ chối nới lỏng điều kiện ngân sách cho Hy Lạp

Chủ tịch EuroGroup khẳng định 'cam kết là cam kết, và nếu chúng tôi phá vỡ chúng, điều đầu tiên mất đi là sự tín nhiệm. Điều đó sẽ gây ra sự thiếu hụt lòng tin và đầu tư.'

Một khu chợ ở Athens, Hy Lạp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một khu chợ ở Athens, Hy Lạp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các chủ nợ của Hy Lạp ngày 8/7 đã từ chối thẳng thừng lời kêu gọi từ chính phủ mới của nước này trong việc nới lỏng các điều kiện ngân sách hà khắc đã được nhất trí như một phần trong chương trình cứu trợ tài chính dành cho Athens.

Ngày 8/7, lãnh đạo đảng Dân chủ mới (ND) Kyriakos Mitsotakis đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp sau khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử trước đó một ngày nhờ các cam kết cắt giảm thuế và đàm phán những điều khoản mới với các chủ nợ quốc tế.

Cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (EuroGroup) vài giờ sau đó tại Brussels cho biết những mục tiêu chủ chốt đã được nhất trí trước đó với Athens sẽ không có gì thay đổi.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, ông Mario Centeno, Chủ tịch EuroGroup, khẳng định “cam kết là cam kết, và nếu chúng tôi phá vỡ chúng, điều đầu tiên mất đi là sự tín nhiệm. Điều đó sẽ gây ra sự thiếu hụt lòng tin và đầu tư."

Hy Lạp đã kết thúc chương trình cứu trợ tài chính quốc tế thứ ba liên tiếp vào mùa Hè năm ngoái. Các chương trình này đã giải cứu Hy Lạp và giúp nước này tránh kịch bản vỡ nợ, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng đói nghèo và thất nghiệp khi các chính phủ liên tiếp ở Athens buộc phải cắt giảm chi tiêu để đổi lấy các khoản cho vay.

Theo những thỏa thuận này, Hy Lạp cam kết đạt thặng dư ngân sách ở mức 3,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong những năm tiếp theo. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng điều kiện này đã ngăn cản chính phủ chi tiêu và kìm hãm sự phục hồi kinh tế của nước này.

Ông Klaus Regling, người đứng đầu Cơ chế bình ổn châu Âu, cơ quan phụ trách giải ngân các khoản cứu trợ cho Hy Lạp, cho biết mục tiêu thặng dư 3,5% GDP nói trên là nền tảng của chương trình cứu trợ tài chính ngay từ đầu, và nợ công của Hy Lạp rất khó có thể đạt được tính bền vững nếu không có mục tiêu này.

Ông Mitsotakis đã cam kết sẽ khiến cho môi trường kinh doanh ở Hy Lạp “thân thiện” hơn bằng cách giảm thuế và hệ thống thủ tục hành chính rườm rà. Nhưng chính phủ mới của ông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn.

Nợ công của Hy Lạp trong năm ngoái là 335 tỷ euro (376 tỷ USD), tương đương 180% GDP và trong năm nay được dự báo sẽ giảm xuống 168% GDP, nếu các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà đảng Syriza của người tiền nhiệm Alexis Tsipras đưa ra được thực hiện, điều mà đảng Dân chủ Mới của ông Mitsotakis cho là sẽ hạn chế đà tăng trưởng.

Ông Mitsotakis có thể phải bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ khó khăn là thuyết phục các chủ nợ quốc tế tiếp tục hỗ trợ Hy Lạp, trong khi giảm bớt những khó khăn của người dân thông qua giảm thuế và thương lượng lại về các mục tiêu tài khóa.

Trong tuần trước, ông Mitsotakis nói nhiệm vụ của ông là hồi sinh nền kinh tế với nhịp độ tăng trưởng tham vọng, nhờ đầu tư tư nhân, xuất khẩu và đổi mới. Ông cho rằng ông có thể thuyết phục được các chủ nợ chấp nhận nới lỏng các mục tiêu tài khóa, nếu gói các cải cách toàn diện được đưa ra.

Trong khi đó, ông Tsipras đã cảnh báo ông Mitsotakis sẽ dừng các khoản chi cho an sinh xã hội mà ông đã thực hiện nhằm hỗ trợ các nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội./.

Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-chu-no-tu-choi-noi-long-dieu-kien-ngan-sach-cho-hy-lap/581282.vnp