Các chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump sắp tới sẽ biến động ra sao?

Tổng thống Trump được cho là sẽ gặp không ít trở ngại khi đưa ra các quyết sách về Triều Tiên, Trung Quốc, Nga hay Iran sau khi đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Với chiến thắng ở Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ, đảng Dân chủ sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc hoạch định các chính sách và làm luật.

Dân biểu Eliot Engel tới tử Đảng dân chủ cho biết ông và các nghị sỹ trong đảng mình đang lên kế hoạch thúc đẩy Quốc hội cân nhắc việc điều động quân tới những nơi như Syria hay Iraq. Nhưng với một số khu vực đang "nóng bỏng tay" như Trung Quốc và Iran, Engel thừa nhận khó có thể làm gì để thay đổi thực trạng hiện tại.

"Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên thách thức một cái gì đó chỉ vì nó được chính quyền đưa ra, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi phải có nghĩa vụ xem xét các chính sách và giám sát", ông Engel, ứng viên sáng giá cho vị trí Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Reuters hôm 7/11.

Do vẫn phải phối hợp với đảng Cộng hòa để thông qua bất cứ dự luật nào, ảnh hưởng lớn nhất của đảng Dân chủ sẽ nằm ở các hoạt động giám sát, mở các cuộc điều trần và gửi đi các trát hầu tòa.

Nga

Đảng Dân chủ từ lâu đã được biết đến với chính sách không thân thiện với Nga nên Matxcơva nhiều khả năng khó có thể cải thiện quan hệ với Mỹ trong 2 năm còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, đảng Dân chủ sẽ tập trung vào cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử cũng như các mối liên hệ có thể có giữa Tổng thống Trump và Matxcơva.

Về mặt chính sách, Hạ viện do đảng Dân chủ nắm quyền sẽ thúc đẩy trừng phạt Matxcơva với cáo buộc can thiệp bầu cử, vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine và nội chiến ở Syria.

Hạ viện sẽ gây áp lực lên Tổng thống Trump buộc ông phải ban hành tất cả các biện pháp trừng phạt Nga trong một dự luật sâu rộng. Các nghị sỹ đảng Dân chủ cũng có thể sẽ sử dụng trát hầu tòa nếu cần để có được thông tin về cuộc họp kín giữa lãnh đạo Nga-Mỹ hồi tháng 7 ở Helsiki.

"Thật lố bịch khi tất cả thông tin của một cuộc gặp cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo lại bị nhấn chìm trong bóng tối", ông Engel nói.

Ả rập Xê út

Cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi đang ngày càng khiến các nhà lập pháp Mỹ nóng mắt với một Ả rập Xê út vốn đã bị lên án rất nhiều vì cuộc chiến ở Yemen và các vấn đề nhân quyền.

Theo Reuters, khi nắm quyền kiểm soát Hạ viện, đảng Dân chủ sẽ ngăn chặn các thỏa thuận vũ khí của Washington với Riyadh và xem xét các biện pháp ngăn chặn việc Mỹ hỗ trợ chiến dịch của đồng minh này ở Yemen.

Ông Engel cho rằng mặc dù Mỹ vẫn nhìn nhận Ả rập Xê út như là một đối trọng với Iran ở Trung Đông, nhưng Washington cần đòi hỏi nhiều hơn từ Riyadh.

RT nhận định một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay của đảng Dân chủ trong vấn đề Triều Tiên là thu thập thông tin về các cuộc gặp giữa ông Trump cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un.

Ông Engel và các nghị sỹ đảng Dân chủ đang lên kế hoạch buộc một số quan chức phải cung cấp các thông tin về tình trạng đàm phán. Nhưng họ cũng sẽ duy trì tình trạng quan hệ hai nước vốn đã được cải thiện đáng kể sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền vì không muốn bị coi là can thiệp vào ngoại giao.

"Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu có một cuộc đối thoại với họ. Nhưng không nên bị lừa rằng họ sẽ đưa ra những thay đổi lớn lao nào", ông Engel cho hay.

Trung Quốc

Ông Engel dự đoán chiến thắng của đảng Dân chủ sẽ không làm thay đổi quá nhiều chính sách của Mỹ với Trung Quốc bởi bản thân nhiều đại diện của đảng này cũng từng công khai ủng hộ cách đối phó của Tổng thống Trump với Bắc Kinh. Có hay chăng, Hạ viện sẽ mở nhiều phiên điều trần và các cuộc họp giao ban hơn.

Chính sách cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc sẽ không có nhiều thay đổi ngay cả khi đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện. (Ảnh: CGTN)

Mặc dù vậy, ông Engel thừa nhận Mỹ vẫn cần Trung Quốc như một đối tác, đặc biệt là trong vấn đề Triều Tiên.

Giống như đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ cũng bị chia rẽ khi nói về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Một số đảng viên nhìn nhận tự do thương mại như động lực tạo ra thêm nhiều việc làm, trong khi những người khác phản đối các mức thuế quan Mỹ áp lên Trung Quốc để bảo vệ người lao động trong các ngành thép và sản xuất tiêu dùng.

Iran

Các nghị sỹ đảng Dân chủ từng phản đối gay gắt khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nhưng việc không giữ đa số ghế ở Hạ viện khi đó khiến tiếng nói của họ gần như không có trọng lượng.

Ông Engel là một trong số những đảng viên Dân chủ chống lại thỏa thuận Iran, nhưng ông tin rằng Tổng thống Trump nên làm việc chặt chẽ hơn với các đồng minh quan trọng, như các nước EU trong vấn đề Iran và nhiều vấn đề khác thay vì đưa ra quyết định "một mình một ngựa" như vậy.

"Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta nên làm là cố gắng sửa chữa những rạn nứt với các đồng mình xuất phát từ quyết định mà chúng ta đưa ra", ông Engel cho hay.

(Nguồn: Reuters)

Song Hy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cac-chinh-sach-doi-ngoai-cua-tong-thong-trump-sap-toi-se-bien-dong-ra-sao-d437594.html