Các chân trời văn hóa: Người Nhật nghĩ gì?

Có nhiều thuyết giải thích tính độc đáo Nhật Bản bằng những yếu tố kinh tế, xã hội, địa lý, lịch sử, chủng tộc, văn hóa...

nhưng trong lĩnh vực khoa học nhân văn, thật khó khẳng định chân lý tuyệt đối, phần suy luận chủ quan rất khó tránh.

Kỳ II (tiếp theo số 143)

Có những thuyết căn cứ vào địa lý được coi là nhân tố quyết định. Vị trí đảo (quần đảo) xưa kia cô lập tít rìa lục địa khiến cho Nhật ít bị ngoại xâm, thuận lợi cho việc hình thành một dân tộc có tính cách thuần nhất nhưng lại ngăn cản ảnh hưởng văn hóa bên ngoài nhập vào dần dần. Khí hậu ôn đới thuận lợi cho hoạt động “văn minh hóa” con người hơn là ở các nơi quá lạnh hay quá nóng. Đồng thời, thiên nhiên khắc nghiệt (núi lửa, động đất, sóng thần, bão lụt) và sự hiếm đất cấy lúa cũng gieo vào tiềm thức cộng đồng những ấn tượng “dữ dội” về thiếu an toàn; do đó, dân quen sống giản dị, khắc khổ và đề cao tập thể từ gia đình, xóm làng đến quốc gia để tồn tại. Nhưng mặt khác, thiên nhiên hùng vĩ hoặc xinh tươi đi vào đời sống hằng ngày (nhà ở, hội hè, cắm hoa, cây cảnh, trà đạo) nuôi dưỡng thẩm mỹ (kiến trúc, hội họa) và tín ngưỡng vật linh (Đạo Sinto, Nhật Hoàng được coi là dòng dõi thần Mặt Trời).

Người dân Nhật Bản luôn giữ vững “tinh thần Nhật Bản”, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn. Hình ảnh không bao giờ mất ở Nhật Bản - đó là những dòng người xếp hàng ngay ngắn, trật tự để nhận đồ cứu trợ.

Người dân Nhật Bản luôn giữ vững “tinh thần Nhật Bản”, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn. Hình ảnh không bao giờ mất ở Nhật Bản - đó là những dòng người xếp hàng ngay ngắn, trật tự để nhận đồ cứu trợ.

Địa lý tác động đến lịch sử Nhật Bản khiến cho lịch sử này mang tính chất “đóng và mở”. Do vị trí là đảo xa, khác với nước Anh là đảo quá gần lục địa, ở Nhật có những thời ảnh hưởng từ phương Tây ào ạt vào. Phía Tây xưa kia là Trung Quốc (lúc đầu qua Triều Tiên), sau là phương Tây qua Mỹ - Âu; rồi có những thời đóng cửa 300 năm đối với Trung Quốc, trên 200 năm đối với châu Âu... để tiêu hóa cái ngoại lai và tạo ra cái độc đáo của bản sắc.

Có thuyết tìm trong hệ tư tưởng cổ truyền bí quyết thành công và chiếc chìa khóa văn hóa Nhật. Ngoài những yếu tố Thần Đạo, là một tín ngưỡng bản địa làm gốc cho tình thiết tha với thiên nhiên, với người chết, Nhật hoàng, gia tộc làng xã và quốc gia, những hệ tư tưởng lớn Phật - Khổng - Lão đều gốc từ Trung Quốc và kết nối với Thần Đạo để phục vụ những lý tưởng trên. Nền văn hóa Phật giáo từ thế kỷ 6 mở đầu thời kỳ lịch sử sau khi dân tộc Nhật hình thành. Kiến trúc, tranh vẽ, tượng, lối sống cho đến nay vẫn chịu ảnh hưởng Phật giáo sâu sắc. Đặc biệt, Thiền tông chủ yếu tham thiền nhập định để chứng ngộ phật tính; nó tự khẳng định vào thế kỷ 14-16, nó là một yếu tố quan trọng của văn hóa đẳng cấp “võ sĩ”, tu luyện bản thân, khép mình vào kỷ luật, nhập vào thiên nhiên, lấy nghệ thuật tự nguyện (vườn Thiền, trà Đạo). Tông phái tịnh độ niệm Phật A-di-đà phổ biến trong nhân dân hơn. Nói chung, đạo Phật bảo thủ cũng như Khổng học. Mang dấu ấn Tống Nho và đặc biệt Chu Hi, Khổng học Nhật Bản cực đoan hóa chữ “trung” và quan niệm “nghĩa” (giri) rất khe khắt, nó trở thành nền tảng của xã hội phong kiến và hậu thuẫn cho lý tưởng võ sĩ đạo (Bushido). Có thuyết cho là Nhật thành công trong việc tiêu hóa và tự vượt lên được sau Thế chiến II là do biết chuyển hóa các cơ sở truyền thống, tư tưởng - tôn giáo, đặc biệt là Khổng học (tinh thần cộng đồng khái niệm “hòa” thuận trong tôn ti trật tự trời - đất - người và trong xã hội con người). Hiện đại hóa thời Minh Trị (1868) được thực hiện với một nền kinh tế chỉ huy rất chặt chẽ, trên cơ sở truyền thống phong kiến.

Sau hơn 1 thế kỷ, nhất là từ khi ra khỏi tình trạng thua trận bi đát, Nhật Bản có một nền văn hóa ngày càng mang sắc thái công nghiệp - kỹ thuật, sắc thái “xã hội tiêu thụ” phương Tây và sắc thái “quốc tế hóa”. Trong một cộng đồng quốc tế mà cách mạng công nghiệp lần thứ 3 ở giai đoạn “viễn thông tin học” mang lại những nét sống tương tự cho mọi dân tộc, vượt qua “quốc tế hóa”, chuyển sang toàn cầu hóa. Liệu tính độc đáo của văn hóa Nhật sẽ đi vào chặng đường mới như thế nào? Đó là câu hỏi mà thế kỷ 21 sẽ trả lời.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-chan-troi-van-hoa-nguoi-nhat-nghi-gi-n171442.html