Các chân trời văn hóa: Cuộc sống của phụ nữ Đan Mạch

Nước Đan Mạch ở tít phương trời Bắc Âu, có thể được gọi là đất nước kỳ diệu hoặc đất nước nhỏ mà to lớn. Nói theo kiểu Việt Nam, có nghĩa là 'đất nước bé hạt tiêu', nhỏ mà tinh khôn, tuyệt vời.

Diện tích Đan Mạch đứng hàng thứ 130 so với các nước trên thế giới, dân số, thuộc loại quốc gia ít người nhất, hơn 5 triệu người. Vậy mà Đan Mạch đã vươn lên thành một trong những nước giàu có nhất thế giới, có một nền dân chủ trên cơ sở tôn trọng nhân quyền, nhà nước phúc lợi đảm bảo một đời sống cao, chú trọng đến phân phối thu nhập cho mọi công dân, nhà ở, việc làm, giáo dục trẻ em và người già; mọi tầng lớp nhân dân đều chú trọng văn hóa và môi trường, giúp đỡ nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Có một đặc điểm khá lý thú: Các nước đều tự đề cao bằng những anh hùng, vĩ nhân trong những lĩnh vực chính trị, quân sự. Đan Mạch lại tự hào nhất là đất nước của một nhà văn - Andersen. Trong những bảng sắp xếp các quốc gia có hạnh phúc, thường thì Đan Mạch cùng vài nước Bắc Âu khác được xếp vào top đầu.

Đan Mạch - đất nước của những con người hạnh phúc.

Đan Mạch - đất nước của những con người hạnh phúc.

Riêng về mặt nam nữ bình quyền, có thể xác nhận là phụ nữ Đan Mạch đã tiến một bước quyết định: Hiện nay ở Đan Mạch, phụ nữ hoàn toàn bình đẳng với nam giới về mọi mặt.

Trong khi đó, trên phạm vi thế giới, phụ nữ đa số vẫn “lép vế” so với nam giới. Ngay ở các nước tiên tiến, ở một số mặt chưa được bình đẳng, thí dụ về lương bổng hay một số nghề nghiệp.

“Đau đớn thay phận đàn bà”. Cách đây gần 200 năm, cụ Nguyễn Du đã than thở như vậy (lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung). Ở Đan Mạch, có lẽ phải thay đổi câu đó bằng “sung sướng thay phận đàn bà”.

Ngay từ năm 1915, phụ nữ để được quyền bầu cử, đã tham gia lao động ngày càng nhiều: cứ 100 nam lao động thì có đến 91 nữ lao động. Khuynh hướng này đặc biệt mạnh ở Đan Mạch và các nước Bắc Âu khác. Đó là vì, việc trông trẻ trong giờ làm việc được đảm bảo tốt. Năm 1994, 80% trẻ từ 3-6 tuổi được gửi.

Năm 1976, nhà nước chính thức thực hiện chế độ tiền lương bình đẳng cho nam nữ cùng làm công việc như nhau. Nhưng khoảng cách thu nhập giữa hai giới vẫn tăng, vì phụ nữ thu nhập kém. Có đến một nửa số phụ nữ làm việc trong khu vực công cộng chăm sóc xã hội, làm các nghề phụ như: giúp việc gia đình, hộ lý, giáo viên.

Trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước, Chính phủ cắt giảm biên chế trong khu công cộng, số lớn phụ nữ mất việc hoặc thu nhập kém nam giới chiếm thị trường lao động tư nhân. Phụ nữ tuy được đào tạo tử tế, vẫn phải co cụm vào các nghề hợp phụ nữ nhưng lương lại thấp. Một nửa số bác sĩ ra trường là nữ, nhưng ngay cả ở y tế, cũng có xu hướng giảm lương. Mặc dù được nghỉ phép sinh con dài, phụ nữ vẫn phải xin làm việc nửa ngày khi con còn nhỏ. Nhiều ông bố sẵn sàng chăm sóc con cái nhiều hơn, nhưng gia đình sẽ gặp khó khăn nếu bố có lương cao nghỉ. Nhiều chị em đã quay lưng với danh vọng do có con, nên tỷ lệ nữ ở các nghề cao cấp còn tương đối thấp.

Nhà nước phúc lợi đã tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia lao động, nên tình trạng trên đã được giải quyết nhiều. Phụ nữ ở vị trí lãnh đạo trong khu vực tư nhân là 5%. 1/3 đại biểu Quốc hội là nữ. Khi sinh đẻ, mẹ được nghỉ 14 tuần đầu, sau đó bố hoặc mẹ có thể nghỉ thêm 10 tuần để trông con. Có 2 tuần bố mẹ được nghỉ cùng. Khoảng 3% ông bố nghỉ để trông con, số con trung bình một nữ là 1,8. Sinh đẻ bùng nổ vào năm 1994: 69.684 trẻ ra đời, tăng đột suất so với 12 năm trước. Quyền ly dị và phá thai được tôn trọng: năm 1995, có 18.684 nữ phá thai, hàng năm giảm nhẹ. Năm 1997, có 34.163 cặp cưới, 12.848 cặp ly dị. Hơn một nửa người lớn sống độc thân, nam nữ bằng nhau. Số bà mẹ sống với con gấp 7 lần số ông bố với con. 14 % trẻ em sống một mình với mẹ, chỉ có 1,5% với bố. Bố mẹ ở riêng hoặc chung sống không cưới xin, nuôi 40 % trẻ em.

Trong cuộc đấu tranh vì nam nữ bình quyền, phụ nữ Đan Mạch có thể tự hào là hoàn toàn thắng lợi, như H.V.Holst đã nhận định: “Phụ nữ chúng ta đã đạt được mục đích: nào là được đi làm, được trả lương công bằng và phân công trách nhiệm ngang với nam giới, được tự do nạo thai, con cái có nhà trẻ trông nom, các ông chồng cũng được nghỉ phép trông con. Chúng ta đào tạo ra những người đàn ông biết nấu ăn, trông con. Tự coi mình là những người chủ trương nam nữ bình quyền kiểu mới, người phụ nữ Đan Mạch có thể ngẩng cao đầu đi dạo bờ biển, bơi thuyền lướt ván, cưỡi xe máy, hút thuốc lá, uống rượu Whisky, lấy chồng và có con tùy theo ý thích”.

Nhưng số lượng các bà mẹ bỏ sự nghiệp về khói bếp lửa gia đình và làm mẹ lên tới hàng nghìn người, thuộc đủ mọi ngành: hộ lý, bà đỡ, giáo viên, phóng viên, luật sư, bác sĩ, thợ may. Các bệnh viện trở nên trống vắng. Các trường mẫu giáo hoạt động nhờ vào đội ngũ giáo viên tạm thời... Phụ nữ Đan Mạch đã cho thấy thông điệp của họ: đủ rồi, phụ nữ chúng tôi có thể trở thành y hệt đàn ông, đạt được đỉnh cao nghề nghiệp trong chính trị, kinh doanh, có thể làm việc 70 tiếng 1 tuần, thành công suất sắc trong truyền thông và lĩnh vực xã hội, nhưng chúng tôi không muốn nữa!”.

Sau khi đạt được nam nữ bình quyền, theo H.V.Holst, phụ nữ Đan Mạch lại phải giải quyết một vấn đề khác nảy ra: bình quyền, bình đẳng không có nghĩa là phụ nữ rập khuôn nam giới. “Bản chất nữ là gì”? Việc tìm kiếm “bản sắc phụ nữ” vẫn đang tiếp diễn.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-chan-troi-van-hoa-cuoc-song-cua-phu-nu-dan-mach-n170689.html