Các câu lạc bộ sách trở thành một trào lưu

Thành lập và phát triển câu lạc bộ đọc sách là một xu hướng xây dựng cộng đồng hiệu quả được các thương hiệu hướng đến.

 Hình ảnh trong bộ phim Book Club. Nguồn: IMDB.

Hình ảnh trong bộ phim Book Club. Nguồn: IMDB.

Sau đại dịch, các doanh nghiệp, không nhất thiết phải làm trong lĩnh vực xuất bản, cũng bắt đầu mở những câu lạc bộ sách. MUD/WTR (công ty chuyên bán các sản phẩm từ cà phê), Chico's (Công ty bán quần áo)... cũng tham gia vào thế giới người yêu sách.

Trước đó, độc giả đã thấy sự xuất hiện của câu lạc bộ yêu sách do các "đế chế" Netflix, Apple lập ra. Đây là một xu hướng xây dựng cộng đồng hiệu quả được các thương hiệu hướng đến. Chúng đem đến khả năng tương tác và mở ra nhiều cơ hội tìm hiểu khách hàng tiềm năng.

Các câu lạc bộ sách nở rộ

Sự nở rộ của các câu lạc bộ sách bắt nguồn từ thời điểm dịch bệnh bùng phát. Chúng đã được thành lập như cách để kết nối cộng đồng, cùng nhau vượt qua khó khăn. Nhiều câu lạc bộ sách dù chỉ hoạt động online và đạt được các kết quả đáng trông đợi. Vì vậy, chúng dần trở thành một xu hướng marketing mà các nhãn hàng đang tận dụng.

Britney Haddad, người quản lý câu lạc bộ sách của MUD/WTR cho biết: "Chúng tôi nảy ra ý tưởng thành lập câu lạc bộ sách khi lập kế hoạch cho một chiến dịch lớn vào quý I. Thông điệp của chiến dịch là 'thói quen lành mạnh tạo nên tâm trí lành mạnh'. Không chỉ dừng lại ở việc thảo luận về sách, chúng tôi muốn xây dựng một phong cách sống hiện đại cho mọi thành viên tham gia câu lạc bộ mà điểm khởi đầu là rèn luyện thói quen đọc".

Những buổi giao lưu câu lạc bộ sách của Haddad được tổ chức online. Mỗi tháng, mọi người sẽ thảo luận về một cuốn sách. Dù chưa thành lập quá lâu nhưng câu lạc bộ đã có tới 1.500 thành viên tích cực phản hồi với các chủ đề người điều phối đưa ra. Hình thức tương tự câu lạc bộ sách của công ty thời trang Chico's. Thêm vào đó, mỗi buổi thảo luận, thành viên tham gia sẽ đọc thêm những bài viết, tiểu luận từ các nhà hoạt động xã hội hoặc KOL trong ngành thời trang.

Nữ diễn viên Uzo Aduba là gương mặt đại diện cho Netflix Book Club. Ảnh: Netflix.

Apple, TikTok, Netflix cũng thành lập câu lạc bộ sách của riêng mình vào năm 2021. Tuy nhiên, khác với TikTok, Apple và Netflix đều có tuyển chọn đầu vào cho các cuốn sách họ muốn đem đến cho các thành viên. Chẳng hạn Netflix đã sử dụng câu lạc bộ của mình như một kênh thu nhận ý kiến về việc cuốn sách nào độc giả muốn được chuyển thể lên màn ảnh rộng. Có lẽ đây là lý do chính khiến cho "đế chế" cung cấp dịch vụ phát trực tuyến này luôn khai thác được những kịch bản phim hợp với thị hiếu công chúng.

Tại Anh, quán cà phê tên là Leaf Café đã thành lập câu lạc bộ văn học cho các khách hàng thường xuyên lui tới quán. Bốn đến sáu tuần một lần, những thành viên gặp nhau lúc 8 giờ tối. Khoản phí tham dự là 5 bảng Anh, bao gồm đồ uống, bánh ngọt và đồ ăn nhẹ. Họ cùng nhau thảo luận về một cuốn sách được bình chọn làm chủ đề trước đó. Các thành viên cũng được giảm giá khi mua các cuốn sách nổi bật của tháng.

Một quán cà phê khác tại Anh có tên Café Murano cũng thực hiện các hoạt động tương tự. Giá vé tham dự là 85 bảng Anh, bao gồm một bữa ăn và ly cocktail. Mọi người trò chuyện với nhau về cuộc sống, mua bán các cuốn sách có chữ ký của tác giả.

Nhãn hàng được gì từ các câu lạc bộ sách

Nếu các câu lạc bộ sách của người nổi tiếng như Oprah Winfrey, Reese Witherspoon, Gwyneth Paltrow... giới thiệu sách dựa trên sở thích cá nhân của người đứng đầu thì câu lạc bộ của doanh nghiệp, nhãn hàng lại dựa trên bình chọn của thành viên tham gia. Điều này tạo nên sự tương tác có ý nghĩa hơn giữa nhãn hàng và người tiêu dùng. Thay cho các cách truyền thống trước đó là minigame, đổi quà trúng thưởng...

Câu lạc bộ sách trở thành một kênh tiếp thị sản phẩm của các doanh nghiệp đảm bảo yếu tố tương tác cá nhân hóa. Mỗi người tham gia đều có cơ hội nêu lên tiếng nói của mình trong cộng đồng. Chẳng hạn với hai trường hợp quán cà phê tại Anh, đối tượng khách hàng thích tiểu thuyết cũng có thể trở thành khách hàng tiềm năng đến quán vì nơi đây có câu lạc bộ văn học.

Tuy nhiên, kiểu câu lạc bộ được tổ chức bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh thường khó mở rộng so với các câu lạc bộ sách lâu năm. Những câu lạc bộ này đã xây dựng nền tảng ứng dụng chăm sóc thành viên, hệ thống tư vấn, thư viện đầy đủ. Vì vậy câu lạc bộ sách do doanh nghiệp lập nên sẽ chỉ duy trì với một mức kinh phí thấp, thậm chí là huy động từ nguồn vốn xã hội. Một thời điểm nào đó, khi kết thúc chiến dịch marketing, các câu lạc bộ sách sẽ ngừng hoạt động.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNBC.

Dave Conway, người đồng sáng lập tại Roowaad.com (trang web cung cấp dịch vụ marketing kỹ thuật số), cho biết: "Các câu lạc bộ sách cung cấp một môi trường để khách hàng tương tác với nhau, chia sẻ suy nghĩ và ý kiến cũng như thảo luận về những cuốn sách họ đang đọc. Điều này mang đến cho các thương hiệu cơ hội hiểu rõ hơn về mối quan tâm và sở thích của khách hàng, cũng như xây dựng mối quan hệ với họ".

Emile, người quản lý Search Ranker (đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ SEO) nhận thấy rằng các câu lạc bộ sách là một cách để xây dựng lòng trung thành và sự tin tưởng đối với thương hiệu. "Hãy nhớ rằng, giá trị thương hiệu phải dựa trên đánh giá của khách hàng", Emile chia sẻ.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-cau-lac-bo-sach-tro-thanh-mot-trao-luu-post1435125.html