Các căn cứ quân sự lớn của Mỹ không còn khả năng tự vệ?

Các nhà phân tích tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) tuyên bố các căn cứ quân sự Mỹ nằm ở nước ngoài không có khả năng phòng thủ.

RIA dẫn lời các chuyên gia cho hay, về cơ bản Mỹ cần một hệ thống vũ khí mới, vì hiện nay khả năng phòng thủ của nước này có thể dễ dàng bị Nga và Trung Quốc xâm nhập.

Được biết, hiện nay Mỹ có hơn 800 căn cứ quân sự. Hơn nữa, các hệ thống phòng không và tên lửa hiện có đều được trang bị từ thời Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, các đối thủ của nước này “đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc hiện đại hóa khả năng tấn công”.

Các căn cứ quân sự lớn của Mỹ không có khả năng tự vệ? (Ảnh: AP)

Các căn cứ quân sự lớn của Mỹ không có khả năng tự vệ? (Ảnh: AP)

Chẳng hạn như Moscow và Bắc Kinh sẽ có thể tấn công hệ thống phòng thủ của các căn cứ này với sự trợ giúp của một số lượng lớn tên lửa hoặc máy bay không người lái.

Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc có 1.200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Ngoài ra, Bắc Kinh có 1.000 tên lửa hành trình đối đất với tầm bắn ít nhất 1.500 km.

Cuối cùng, một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các căn cứ của Mỹ được đặt ra bởi phi đội máy bay ném bom chiến lược H-6 và máy bay tàng hình H-20 sẽ có thể tấn công vào lãnh thổ Mỹ.

Mặt khác, Moscow là mối đe dọa đối với các cơ sở quân sự của Mỹ ở châu Âu. Moscow có một kho vũ khí hạt nhân chiến thuật lớn, cũng như các hệ thống đạn đạo tầm ngắn Iskander-M và tên lửa hành trình đối đất, trên biển cũng như trên không. Mối quan tâm đặc biệt ở Washington là các hệ thống tấn công siêu thanh mới nhất của Nga.

Để đối đầu thành công với các đối thủ mạnh, các chuyên gia khuyến nghị quân đội Mỹ nên phát triển khái niệm phòng thủ tên lửa nhiều lớp sử dụng các công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, các chuyên gia đề xuất tạo ra một mạng lưới các phương tiện bay không người lái với các cảm biến mạnh để theo dõi các tuyến đường tên lửa hành trình.

Tuyến phòng thủ tiếp theo là máy bay chiến đấu và máy bay không người lái với tên lửa đánh chặn không đối không tầm xa. Nhiệm vụ của chúng là đánh chặn các mục tiêu đạn đạo và tiêu diệt các tên lửa hành trình ở những khoảng cách tiếp cận căn cứ. Một số máy bay không người lái sẽ được trang bị laser nhiên liệu rắn hứa hẹn có công suất từ 100 đến 150 kilowatt, có thể bắn hạ máy bay và đạn dược trong khoảng cách nhất định.

Mới đây, nhà báo Mỹ David Axe dự đoán những vấn đề lớn đối với Mỹ do tên lửa của Nga. Theo ông Axe, hàng thập kỷ “ném bom liên tục quân nổi dậy từ những căn cứ rộng lớn và thuận tiện” đã làm suy yếu lực lượng Không quân Mỹ đến mức khiến họ không sẵn sàng đối mặt với xung đột công khai với các đối thủ ngang sức.

“Nếu các lực lượng của Trung Quốc hoặc Nga đang di chuyển và tên lửa đã bay, các phi đội Mỹ có lẽ không thể trông chờ vào những căn cứ lớn, thoải mái được chuẩn bị đặc biệt cho họ”, ông Axe giải thích.

Ông Axe lưu ý rằng các phi công Mỹ rơi vào tình trạng “nguy cấp” do họ đã quen với các trận chiến cường độ thấp ở Trung Đông. Ngoài ra, theo ông, người Mỹ không sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện cần phản ứng nhanh.

“Washington đang có kế hoạch tái cơ cấu lực lượng không quân, nhưng kế hoạch này sẽ thực hiện trong điều kiện ngân sách hạn chế”, nhà báo Mỹ cho biết.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/cac-can-cu-quan-su-lon-cua-my-khong-co-kha-nang-tu-ve-286126.html