Các căn bệnh châu Âu đã để lại dấu vết trong hệ gien của người da đỏ Bắc Mỹ

Một nhóm nhà nghiên cứu do nhà nhân chủng học Ripan Malhi lãnh đạo, đã được phép của những người đại điện cho người Tsimshian khi tiến hành những nghiên cứu di truyền đối với hài cốt của tổ tiên họ cũng như thu mẫu di truyền của người Tsimshian hiện đại.

Theo một công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, các nhà khoa học ở Đại học Illinois, Mỹ, nhắc lại rằng những căn bệnh mà người châu Âu mang đến châu Mỹ, trước hết là bệnh đậu mùa và bệnh sởi, chỉ trong một thời gian ngắn đã giết chết một số lớn cư dân thuộc các dân tộc bản địa Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Các nhà khoa học cũng xác định được rằng những căn bệnh đó cũng đã để lại dấu vết trong hệ gien của những đại diện hiện đại của các dân tộc bản địa châu Mỹ. Những căn bệnh đó đã tác động đến sự hình thành hệ miễn dịch, tới cả cấp độ di truyền của những thế hệ con cháu sau này của họ.

Một nhóm nhà nghiên cứu do nhà nhân chủng học Ripan Malhi lãnh đạo, đã được phép của những người đại điện cho người Tsimshian khi tiến hành những nghiên cứu di truyền đối với hài cốt của tổ tiên họ cũng như thu mẫu di truyền của người Tsimshian hiện đại. Người Tsimshian sống ở ven bờ Thái Bình Dương tại British Columbia của Canada cũng như trên đảo Annette thuộc Mỹ. Hiện nay, chỉ còn lại trên 10.000 người Tsimshian. Lần đầu tiên họ gặp những người châu Âu là vào những năm 1700.

Nhà nhân chủng học Ripan Malhi cùng các cộng sự đã trích xuất các mẫu ADN từ hài cốt của 25 người, sống trong thời kỳ từ 500 đến 6.000 năm trước trên bờ Vịnh Prince Rupert, đồng thời, họ cũng phân tích các mẫu ADN lấy của 25 người Tsimshian hiện đại cư trú ở đó.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu các gien liên quan đến hệ miễn dịch và đã phát hiện ra một vài biến thể rất hiếm trong số những người Tsimshian hiện đại, tuy những biến thể gien đó từng tồn tại ở tổ tiên trước đây của họ. Chẳng hạn, một biến thể gien có tên HLA-DQA1 mã hóa các protein bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khỏi sự thâm nhập của vi rút và vi khuẩn, đã được tìm thấy ở hầu như 100% người cổ đại nhưng chỉ có 36% người Tsimshian hiện đại sở hữu biến thể gien này.

Các nhà khoa học cho rằng các gien của người Tsimshian cổ đại thích ứng đối với việc chống chọi những căn bệnh địa phương nhưng lại không đương đầu nổi với những căn bệnh mới như đậu mùa và sởi. Sau khi bị nhiễm những căn bệnh của người châu Âu thì những người Tsimshian sống sót hiếm khi sở hữu những biến thể gien đó.

Các nhà nhân chủng học giải thích rằng sau khi tiếp xúc với người châu Âu thì những biến thể gien từng thích ứng trước kia không còn phát huy tác dụng nữa. Sau khi so sánh sự khác nhau giữa ADN cổ đại và ADN hiện đại, các nhà khoa học đã đi đến kết luận rằng sự chuyển dịch về di truyền đã diễn ra gần 170 năm trước. Vào thời gian đó dịch đậu mùa đã bùng phát trong các bộ tộc da đỏ, kể cả các bộ tộc sống ở ven bờ Vịnh Prince Rupert và đã cướp đi gần 80% dân số.

Trong tương lai, nhà nhân chủng học Ripan Malhi dự tính tiến hành các công trình nghiên cứu về hậu quả xảy ra khi các bộ tộc da đỏ khác tiếp xúc với người châu Âu.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/cau-chuyen-kham-pha-c-106/cac-can-benh-chau-au-da-de-lai-dau-vet-trong-he-gien-cua-nguoi-da-do-bac-my-48682.html