Các ca nhiễm COVID-19 gia tăng, kinh tế châu Âu phục hồi chậm chạp

Sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm mới trên khắp khu vực đang khiến doanh nghiệp, người tiêu dùng và du khách thận trọng hơn.

Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Potsdam, Đức ngày 4/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Potsdam, Đức ngày 4/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đà phục hồi của các nền kinh tế châu Âu dường như bị chậm lại trong tháng Tám.

Sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm mới trên khắp khu vực đang khiến doanh nghiệp, người tiêu dùng và du khách thận trọng hơn.

Số liệu do công ty nghiên cứu IHS Markit công bố ngày 21/8 cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), dựa trên khảo sát 5.000 công ty tại 19 quốc gia Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), chỉ đạt 51,6 điểm trong tháng 8/2020 - giảm từ mức 54,9 điểm ghi nhận trong tháng Bảy. Mốc 50 điểm đánh dấu sự suy giảm hay tăng trưởng.

Cuộc khảo sát cho thấy các công ty đang cắt giảm việc làm trong tháng thứ sáu liên tiếp, mặc dù không nhiều như trong tháng Tư, với số lượng lao động sa thải lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất.

Số liệu này cũng là chỉ dấu thể hiện việc các nền kinh tế hầu như không tăng trưởng sau khi chứng kiến giai đoạn phát triển tương đối mạnh trong tháng Bảy.

Đó là thời điểm nhiều quốc gia dỡ bỏ dần những hạn chế đối với đời sống và hoạt động kinh tế được áp dụng vào mùa Xuân nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Đến nay, các ca lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng ở nhiều nước châu Âu, ngay cả khi tỷ lệ tử vong vẫn ở mức tương đối thấp. Điều này đã ảnh hưởng đến lĩnh vực tiêu dùng.

Hãng hàng không châu Âu Ryanair trong tuần này cho biết họ đã cắt giảm thêm số lượng chuyến bay do nhu cầu vẫn còn yếu.

Thực trạng này cho thấy các nền kinh tế châu Âu, vốn được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại sau suy thoái mạnh hơn Mỹ, có thể mất nhiều thời gian hơn để vượt qua những khó khăn mà dịch COVID-19 gây ra.

Theo ông Andrew Harker, Giám đốc phụ trách mảng kinh tế của IHS Markit, con đường phục hồi của châu Âu có thể sẽ phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực kiểm soát dịch như thế nào và liệu các công ty và khách hàng của họ có thể có được sự tự tin cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng hay không.

Kinh tế Eurozone suy giảm 12,1% trong quý 2/2020, nhưng các chỉ số khác cho thấy sự phục hồi trở lại trong nhiều lĩnh vực, từ doanh số bán lẻ đến sản xuất.

Tỷ lệ thất nghiệp đã được duy trì ổn định nhờ vào các khoản tài chính trợ lớn của chính phủ để tránh tình trạng sa thải lao động hàng loạt.

Một số khoản tài trợ đó sẽ bị loại bỏ dần hoặc bị cắt giảm trong những tháng tới, điều này có nghĩa là nguy cơ ngày càng nhiều người mất việc đang cận kề.

Florian Hense, nhà kinh tế học tại Ngân hàng Berenberg, hy vọng sẽ không có sự lặp lại của làn sóng lây nhiễm và tình trạng hạn chế kinh doanh như các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt như đợt đầu tiên.

Nhưng nền kinh tế sẽ cần nhiều thời gian để lấy lại sức mạnh và sẽ không nhanh chóng trở lại trạng thái như trước đại dịch.

Du lịch Tây Ban Nha điêu đứng do COVID-19. (Nguồn: NY Times)

Chính phủ các nước nên xem xét nghiêm túc việc kéo dài, hoặc ít nhất là từ từ loại bỏ các kế hoạch hỗ trợ kinh tế sẽ hết hạn vào mùa Thu này.

Những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến việc làm và thu nhập có thể kích hoạt một cuộc suy thoái kép.

Các quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng để ngỏ khả năng đưa ra các biện pháp bổ sung để hỗ trợ các nước châu Âu trong thời gian tới.

ECB đã có hành động chưa từng có nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với nền kinh tế khu vực khi triển khai kế hoạch mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 1.300 tỷ euro nhằm kích thích kinh tế và duy trì phí vay mượn thấp.

Ngoài ra, ECB cũng khởi động một chu kỳ cho vay lãi suất siêu thấp mới dành cho các ngân hàng thành viên và nới lỏng các quy định về vốn dự phòng nhằm duy trì tính lưu thông của tín dụng trong Eurozone ECB thông báo sẽ xem xét lại các đề nghị này trong quý 4/2020./.

Mai Ly (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-ca-nhiem-covid19-gia-tang-kinh-te-chau-au-phuc-hoi-cham-chap/658868.vnp