Các bước sơ cứu quan trọng khi bị rắn độc cắn

Bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn là anh P.V.T (38 tuổi, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, H.Tân Châu, Tây Ninh). Bệnh viện đã phải truyền 15 lọ huyết thanh kháng nọc đặc hiệu để cấp cứu. Hiện bệnh nhân đã hồi tỉnh.

12h45 ngày 19/8, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một bệnh nhân được chuyển lên từ Bệnh viện Tây Ninh. Bệnh nhân nam 38 tuổi vào viện trong tình trạng liệt hoàn toàn cơ tuyến chi, cơ hô hấp, đồng tử giãn, bệnh nhân phải bóp bóng giúp thở qua nội khí quản.

Bác sĩ nhanh chóng đưa bệnh nhân vào cấp cứu mở nội khí quản và hội chẩn với đơn vị chống độc của bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân được đưa lên khoa Bệnh nhiệt đới để cấp cứu. Con rắn cắn bệnh nhân là rắn hổ mang chúa.

Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân được hồi sức tích cực, cho thở máy, cho sử dụng các huyết thanh kháng rắn hổ chúa đặc hiệu. Sau đó bệnh nhân có phản xạ ở đầu ngón tay, chân, mi mắt. 1h sau, sức cơ cải thiện, đồng tử co lại có phản xạ ánh sáng.

Các bác sĩ tiếp tục cho sử dụng huyết thanh kháng độc, bệnh nhân đã hồi tỉnh.

Đối với trường hợp bị rắn hổ mang chúa cắn, ngoài nhiễm độc thần kinh, người bị rắn cắn còn có khả năng nhiễm độc đến cơ tim nên bệnh nhân vẫn đang được theo dõi sát sao, theo dõi biến chứng tim mạch, hồi sức tích cực.

Bác sĩ CK I Nguyễn Ngọc Sang - Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, rắn độc có rất nhiều loại khác nhau, nhưng đối với người dân, bác sĩ Sang khuyến cáo người dân không nên đi vào khu vực rừng rậm, nhiều cây cối. Nếu phải vào rừng thì đi ủng cao su cao đến gối.

Khi đến khu vực cảm giác không an toàn, nên dùng cây báo hiệu để các động vật khác bỏ đi. Rắn bỏ chạy thì thôi, còn rắn tiếp tục tấn công cần tìm cách ra khỏi chỗ có rắn.

Khi bị rắn cắn thì hạn chế cử động. Bệnh nhân nên được vận chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để có thể có các bước sơ cứu như nẹp vết thương. Bệnh nhân có sốc nhiễm độc thì có thể xử trí theo phác đồ của Bộ Y tế.

Nếu bệnh nhân bị suy hô hấp thì cần được hỗ trợ đặt ống nội khí quản, bóp bóng hoặc thở máy.

Hiện các cơ sở y tế đều có hướng dẫn điều trị về rắn. Bác sĩ có thể chuyển bệnh nhân lên cơ sở y tế có huyết thanh chống độc để được cấp cứu các bước tiếp theo.

Bác sĩ Sang thông tin thêm, trên mạng xã hội có những bài biểu diễn các kỹ thuật bắt rắn nhưng đó là người có huấn luyện chuyên nghiệp, có dụng cụ chuyên dụng hoặc họ có tìm hiểu sâu sắc về rắn độc để biết đặc tính tấn công, di chuyển của nó để thuần phục và bắt nó. Người bình thường để bắt rắn thì rất nguy hiểm nên không nên lại gần rắn độc.

Theo thông tin từ Khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm khoa tiếp nhận khoảng 1.000 ca bệnh bị rắn cắn, trong đó có rắn hổ chúa; đa số các bệnh nhân nhập viện do bị cắn vào mùa hè.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/cac-buoc-so-cuu-khi-bi-ran-doc-can-262084.html