Các Bộ trưởng Thương mại Lào, Indonesia đánh giá về RCEP

'Việc Hiệp định RCEP được ký kết sẽ gửi tín hiệu tích cực tới tất cả các nước rằng ASEAN và các đối tác của khối coi trọng việc mở cửa thị trường cho thương mại và đầu tư nhằm tăng cường khả năng phục hồi và sự bền vững của các chuỗi cung ứng khu vực, điều sẽ giúp phục hồi kinh tế của ASEAN'.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Công Thương Lào Khemmani Pholsena trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn sau khi Hiệp định RECP được ký ngày 15/11 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 37.

Bộ trưởng Công Thương Lào Khemmani Pholsena trả lời phỏng vấn. Ảnh: Thu Phương/PV TTXVN tại Lào

Bộ trưởng Công Thương Lào Khemmani Pholsena trả lời phỏng vấn. Ảnh: Thu Phương/PV TTXVN tại Lào

Theo bà Khemmani, sau 8 năm đàm phán không mệt mỏi, Hiệp định RCEP đã được ký kết. Sự kiện này không chỉ đánh dấu sự ra đời của một hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, mà còn là một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Mặc dù đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng mạnh đối với kinh tế của khu vực và trên toàn thế giới, việc Hiệp định RCEP được ký kết đã gửi tín hiệu tích cực tới tất cả các nước rằng ASEAN và các đối tác của khối coi trọng việc duy trì mở cửa thị trường cho thương mại và đầu tư trong khu vực RCEP nhằm tăng cường khả năng phục hồi và sự bền vững của các chuỗi cung ứng khu vực, qua đó sẽ giúp phục hồi nền kinh tế của ASEAN.

Bà Khemmani khẳng định việc duy trì dòng chảy của hàng hóa và dịch vụ thiết yếu sẽ là trọng tâm của Hiệp định RCEP, theo đó sẽ không chỉ tạo thuận lợi cho việc mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực mà còn góp phần vào tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Khemmani, là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới cả về quy mô dân số, GDP và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, RCEP sẽ mở ra các cơ hội lớn cho xuất khẩu của Lào. Để chuẩn bị nắm bắt các cơ hội mà RCEP mang lại, Lào hiện đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kinh doanh thông qua việc rà soát, sửa đổi và xây dựng một số luật mới. Tất cả đều nhằm thu hút đầu tư và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn để Lào có thể trở thành một phần của chuỗi cung ứng giá trị gia tăng của khu vực RCEP.

Cùng ngày, đánh giá về việc RCEP được ký kết, Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Agus Suparmanto cho rằng việc ký kết hiệp định này mang lại “hy vọng mới” trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Agus cho biết: “Việc ký kết RCEP ngày hôm nay là một thành tựu đối với Indonesia trong lĩnh vực thương mại quốc tế”, đồng thời bày tỏ tự hào vì RCEP ra đời dựa trên ý tưởng của Indonesia năm 2011.

Bộ trưởng Agus nêu rõ RCEP là hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trên thế giới và được kỳ vọng giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới khỏi cuộc suy thoái toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Theo ông Agus, RCEP được dự báo giúp xuất khẩu của Indonesia tăng 7,2% và được kỳ vọng giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế quốc gia hậu đại dịch. Tuy nhiên, để khai thác tối đa lợi ích của RCEP, Indonesia cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như giá trị các sản phẩm của nước này trong chuỗi thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama cho biết RCEP sẽ tạo ra các cơ hội mới cho các nhà sản xuất và người nông dân Nhật Bản, và “sẽ đóng góp lớn cho sự gia tăng của kim ngạch xuất khẩu (của Nhật Bản) sang châu Á”.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu với các phóng viên sau khi ký kết RCEP, ông Kajiyama cho rằng hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công và nông nghiệp của Nhật Bản sang các quốc gia châu Á khác, đồng thời thiết lập các quy tắc kinh tế tự do và công bằng trong khu vực này. Bộ trưởng Kajiyama cho biết 15 quốc gia sẽ nỗ lực hoàn tất các thủ tục trong nước và đưa hiệp định này đi vào hiệu lực “càng sớm càng tốt”.

Liên quan Ấn Độ, Bộ trưởng Kajiyama bày tỏ vẫn muốn Ấn Độ tham gia RCEP vì tầm quan trọng về địa - chính trị cũng như quy mô nền kinh tế của nước này. Ông cho biết Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để Ấn Độ tham gia hiệp định này càng sớm càng tốt.

Phạm Kiên - Thu Phương - Hữu Chiến - Đào Thanh Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-bo-truong-thuong-mai-lao-indonesia-danh-gia-ve-rcep-20201115191958374.htm