Các Bộ trưởng Tài chính G20 tập trung thảo luận về bất đồng thương mại

Ngày 9-6, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các Ngân hàng Trung ương của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bước vào ngày đàm phán thứ hai tại thành phố Fukuoka, miền Tây Nhật Bản.

Đàm phán tập trung vào việc liệu các đại biểu tham dự hội nghị có thể chấp nhận lập trường chung về việc kêu gọi nới lỏng tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hay không.

Theo các nguồn tin trong G20, trong ngày họp thứ 2, lãnh đạo các nước G20 tái khẳng định đánh giá về tình hình thương mại toàn cầu đưa ra tại Hội nghị G20 hồi tháng 12-2018 tại Buenos Aires (Argentina).

Bộ trưởng Tài chính Mỹ (phải) trong phiên họp của G-20 tại Fukuoka, Nhật Bản.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ (phải) trong phiên họp của G-20 tại Fukuoka, Nhật Bản.

Nội dung dự thảo tuyên bố sẽ đề cập đến cam kết của lãnh đạo tài chính G20 về việc sẽ tiếp tục giải quyết những nguy cơ và sẵn sàng có thêm những hành động để giảm thiểu những mối đe dọa đối với thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, dự thảo tuyên bố chung của hội nghị lần này xóa bỏ nội dung về việc “công nhận cần phải giải quyết tranh chấp thương mại” - một nội dung thảo luận gay gắt trong ngày họp đầu tiên. Các nguồn tin trên cho biết việc xóa bỏ nội dung nói trên, bắt nguồn từ sức ép của Mỹ, cho thấy Washington muốn né tránh những rào cản từ chính việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu.

Dự thảo tuyên bố chung cũng không bao gồm nội dung thừa nhận tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm tổn hại tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước cảnh báo căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính đang chứng kiến sự tuột dốc.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 8-6 tuyên bố ông không thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng bởi tranh chấp thương mại hai nước và Chính phủ Mỹ sẽ có hành động để bảo vệ người tiêu dùng nước này trước hàng rào thuế quan tăng cao.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 hồi tháng 12-2018 tại Buenos Aires, lãnh đạo các nước G20 đã mô tả hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế là những “động lực” quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất, cải tổ, tạo thêm việc làm và phát triển. Các nhã lãnh đạo cũng đã nhất trí thừa nhận sự đóng góp của hệ thống thương mại đa phương trong bộ máy đó.

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí ngừng tranh chấp thương mại trong 5 tháng để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, cho đến nay, hai nước không chỉ không đạt được thỏa thuận nào, Mỹ và Trung Quốc bổ sung hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của 2 nước.

Ngoài vấn đề tranh chấp thương mại, dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị G20 lần này còn kêu gọi sửa đổi các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trước đó, trong ngày đàm phán đầu tiên, các đại biểu đã thảo luận về tình trạng hiện tại cũng như triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại gia tăng rủi ro do leo thang cọ xát thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Với tư cách là nước chủ trì hội nghị, Nhật Bản nhấn mạnh, vấn đề thương mại và sự mất cân bằng cần sớm được giải quyết thông qua các khuôn khổ đa phương.

Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso vừa khẳng định trước báo giới rằng, niềm tin vào thị trường có thể bị hủy hoại trừ khi xung đột thương mại Mỹ-Trung được giải quyết. Tuy nhiên phía Mỹ hiện vẫn giữ lập trường cứng rắn, khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại song phương bằng cách sử dụng đòn tăng thuế như một công cụ để đàm phán.

Cũng trong ngày đàm phán đầu tiên, các Hội nghị G20 đã nhất trí về tầm quan trọng của việc thiết lập hệ thống toàn cầu nhằm đánh thuế các “gã khổng lồ công nghệ”, như Google hay Facebook, vốn tạo ra lợi nhuận khổng lồ thông qua hoạt động chuyển dữ liệu xuyên biên giới.

G20 đã trao cho Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhiệm vụ nâng cấp hệ thống thuế toàn cầu, vốn đang tạo điều kiện cho các hãng công nghệ lớn hưởng lợi từ mức thuế thấp tại một số nơi như Ireland, trong khi không phải trả đồng thuế nào tại những nước mà họ thu nhiều lợi nhuận.

Tổng Thư ký OECD Angel Gurria đã trình lên Hội nghị G20 một “lộ trình”, hiện đã được 129 nước ký kết, trong nỗ lực nhằm đạt được giải pháp lâu dài vào năm 2020.

Tối cùng ngày, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế, kĩ thuật số và thương mại G20 đã ra tuyên bố chung thống nhất hợp tác “ứng dụng có trách nhiệm trí tuệ nhân tạo (AI)”. Đây là lần đầu tiên G20 thống nhất về quy tắc dành cho AI.

Các Bộ trưởng cũng thống nhất nhận thức rằng bên cạnh lợi ích to lớn mà AI mang lại cho xã hội, cần thiết phải tránh những rủi ro và xác nhận sẽ thúc đẩy lưu thông dữ liệu một cách tự do xuyên biên giới quốc gia; đồng thời trên cơ sở đề xuất của Nhật Bản, cùng đề xướng một quy tắc về truyền tải dữ liệu, trong đó dữ liệu phải được “lưu thông tự do với sự tin cậy” theo thuật ngữ “Data Free Flow with Trust” (DFFT).

Tuyên bố chung nêu rõ hội nghị “chia sẻ về lợi ích to lớn của AI, đồng thời giảm tới mức thấp nhất quan ngại về những rủi ro” mà công nghệ này tác động. Đây là lần đầu tiên G20 thống nhất về một quy tắc dành cho AI. Những mặt tiêu cực của AI đã được chỉ ra như xâm hại quyền riêng tư, lấy đi việc làm của người lao động… Vì vậy, các nước G20 sẽ thực hiện xây dựng “một xã hội tương lai mà trọng tâm là con người”.

Trong bối cảnh những khối lượng dữ liệu khổng lồ đang hằng ngày được tích lũy, lưu trữ như dữ liệu kinh doanh, sản xuất..., việc tận dụng hợp lý nguồn tài nguyên này có thể tạo ra một cuộc cách mạng kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu thông tin bị lộ lọt sẽ dẫn tới những rủi ro về an ninh. Đây là vấn đề mà hội nghị nhất trí cần phải được xây dựng thành quy định về giao dịch điện tử để bổ sung vào các quy tắc của WTO.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/cac-bo-truong-tai-chinh-g20-tap-trung-thao-luan-ve-bat-dong-thuong-mai-548532/