Các bộ trưởng nói gì về đô thị thông minh?

Phát triển đô thị thông minh, thành phố thông minh là việc cấp thiết và thời gian tới sẽ có nền tảng pháp lý để phát triển.

Phát triển đô thị thông minh gắn với công nghệ, con người...

Phát triển đô thị thông minh gắn với công nghệ, con người...

Tại Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, phát triển đô thị thông minh sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện cuộc sống của người dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo ông Hà, Việt Nam đã chủ động tiếp cận và định hướng phát triển đô thị thông minh từ khá sớm, nhờ vậy bắt nhịp với các quốc gia trên thế giới. Để phát triển loại đô thị này, Việt Nam đang có một số điểm thuận lợi như hạ tầng thông tin cơ bản được phủ sóng 4G, khả năng tiếp cận các dịch vụ về công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng thiết bị di động ở mức khá cao so với thế giới.

Tháng 8/2018, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo Bộ trưởng xây dựng, đây là văn kiện quan trọng vì lần đầu tiên Chính phủ đưa ra hệ thống quan điểm, mục tiêu, nhóm nhiệm vụ để định hướng quá trình phát triển đô thị thông minh.

Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam có ít nhất 6 đô thị đại diện cho 6 vùng kinh tế. Đến năm 2030, hình thành được mạng lưới đô thị thông minh trên cả nước.

Tuy nhiên, ông Hà cho biết, dù xuất hiện nhiều trong một số văn kiện của Đảng, các dự thảo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, vấn đề liên quan đến đô thị thông minh chưa được thể chế hóa trong văn bản pháp luật.

Do vậy, ông nhấn mạnh, thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng nền tảng pháp lý, cơ sở đánh giá cho loại hình đô thị này. Bộ dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua Luật về quản lý phát triển đô thị trong năm 2022; hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia liên quan. Ngoài ra, Bộ sẽ bổ sung nội dung thẩm định, quy hoạch dự án, thiết kế kỹ thuật của các dự án xây dựng khu đô thị trong năm 2021-2022.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng hoàn thiện các công cụ đánh giá quá trình phát triển đô thị thông minh như: khung đánh giá chung về phát triển đô thị thông minh cho các loại đô thị; khung tham chiếu ICT; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chuyên ngành về đô thị thông minh, các công trình xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên.

Bên cạnh đó, ông Hà cho biết trong năm nay, Bộ dự kiến hoàn thành chính sách về huy động, phân bổ nguồn lực cho đô thị thông minh. Thông qua đó, xác định rõ những nội dung nào được sử dụng ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, nội dung nào sử dụng các nguồn lực xã hội.

Còn Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng Quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các đô thị.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhất là đối với các quốc gia có biển dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Thông tin Truyền thông có đưa ra khung tham chiếu ICT cho thành phố thông minh, mục tiêu để thống nhất những vấn đề nền tảng, các nguyên tắc triển khai. Thế nhưng chọn ứng dụng gì để ưu tiên trước, thì tùy thành phố.

"Bây giờ nên chọn cái gì? Nên chọn vấn đề nổi cộm nhất của địa phương mình để giản lược đi. Có thể là ô nhiễm môi trường, có thể là an ninh trật tự, có thể là y tế..." - Bộ trưởng nói. "Chúng ta hãy có niềm tin là công nghệ nói chung và công nghệ số nói riêng có thể giải quyết được hầu hết các vấn đề chúng ta đang đối mặt".

Ví dụ, Huế là một thành phố du lịch, họ muốn đường phố xanh, sạch đẹp, nên họ chọn vấn đề này để giải quyết trước. Họ có một sáng tạo rất độc đáo. Họ có một ứng dụng gọi là "phản ánh thị trường", để người dân chụp ảnh những vấn đề còn tồn tại trên đường phố báo chính quyền, chính quyền sẽ xử lý nhanh. Biến mỗi một người dân thành một cảm biến môi trường thông minh. Và sau chỉ hơn 3 tháng, đường phố Huế sạch như chưa bao giờ được như thế.

Rất có thể, TP.HCM lại là vấn đề khác, về giao thông, tắc nghẽn và ngập lụt. Thành phố đã có dự án dùng công nghệ số để giải quyết những vấn đề này.

"Hãy bắt đầu từ nỗi đau lớn nhất của chính mình, xem vấn đề này đã được giải quyết ở thành phố nào khác hay chưa ở Việt Nam, đã được giải quyết hiệu quả chưa ở một thành phố nào đó trên thế giới. Nếu đã có rồi thì tìm cách học hỏi, nếu chưa thì tìm cách tự làm" - Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/cac-bo-truong-noi-gi-ve-do-thi-thong-minh-1739665.tpo