Các Bộ trưởng hứa sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề nóng

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XVI đã tiến hành chất vấn 4 thành viên Chính phủ về những vấn đề quản lý Nhà nước của ngành gồm: Bộ tưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Bộ Trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Tại phiên chất vấn, các vấn đề 'nóng' của ngành cũng là những vấn đề được dư luận, cử tri đặc biệt quan tâm đã được các đại biểu đề cập và các thành viên Chính phủ hứa sẽ tiếp tục giải quyết thấu đáo.

Không khoan nhượng, tiếp tục loại bỏ tín dụng đen

Một trong những nội dung được cử tri và đông đảo công nhân lao động quan tâm mà các đại biểu nêu ra với Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm là vấn nạn tín dụng đen. Về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Bản chất tín dụng đen là quan hệ dân sự, kinh tế, vượt qua giới hạn đó là hình sự.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn

Giải pháp sắp tới là, tiếp tục duy trì khí thế tấn công tội phạm tín dụng đen, không chủ quan, chùng xuống. Chúng tôi đã được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Chúng tôi đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 phân công trách nhiệm cụ thể giữa các ngành trong giải quyết tín dụng đen. Đề xuất khẩn trương, có hướng dẫn giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan xử lý tội phạm tín dụng đen, vi phạm pháp luật.

Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Tô Lâm cũng chỉ rõ, ranh giới giữa dân sự, hành chính hình sự còn tương đối, một số quy định của luật pháp liên quan đến xử lý tội phạm này còn có sự lợi dụng kẽ hở gây khó khăn trong xử lý. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần đa dạng hóa hình thức cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn lành mạnh, không để tín dụng đen có đất phát triển.

Sẽ phải quản lý chặt quy hoạch để không phát triển nóng đô thị

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ của ngành, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay dù bất luận hoàn cảnh nào, vượt qua khó khăn thách thức lực lượng Công an nhân dân luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kiên quyết bảo vệ an ninh quốc gia và sự bình yên của nhân dân.

Chấn chỉnh công tác quy hoạch tránh phát triển đô thị nóng

Liên quan đến chất vấn quản lý đô thị còn nhiều hạn chế, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, nguyên nhân của tình trạng này trước hết do chất lượng quy hoạch còn hạn chế. Cụ thể gồm chất lượng thấp, trong một số quy hoạch dự báo chưa đúng tốc độ, khả năng tăng trưởng dân số, dẫn đến tính toán sai về cấu trúc không gian, cũng như chỉ tiêu về hạ tầng, các chỉ tiêu khác.

Ảnh: Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ quản lý Nhà nước các trạm thu phí giao thông

Điều này dẫn đến dự án đầu tư thiếu căn cứ thực hiện. Cạnh đó, theo Bộ trưởng, chất lượng quy hoạch còn thấp, dẫn đến còn thiếu một số điều kiện cụ thể để thực hiện quy hoạch. Ví dụ như nguồn lực để thực hiện hạ tầng đồng bộ với các công trình khác, nguồn lực để giải phóng mặt bằng vốn rất phức tạp.

Ngoài ra, chất lượng quy hoạch thấp cũng do hệ thống định mức, quy chuẩn, đơn giá, định mức kỹ thuật xây dựng còn thiếu nên trong tính toán xây dựng quy hoạch có thiếu sót. Không những thế, trong tổ chức thực hiện cũng còn yếu, thể hiện qua chậm xây dựng, kế hoạch thực hiện các quy hoạch còn sơ sài; vấn đề công khai quy hoạch, quản lý thực hiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc… còn hạn chế.

Tham gia giải trình liên quan đến lĩnh vực quy hoạch và quản lý quy hoạch, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội đang rất bức xúc về tình trạng điều chỉnh quy hoạch chạy theo nhà đầu tư, điều chỉnh tùy tiện, nâng tầng cao, nâng mật độ xây dựng làm gia tăng dân số, giảm không gian công cộng…gây quá tải lên hệ thống hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Vì vậy, yêu cầu Bộ Xây dựng, các địa phương cho thanh tra, kiểm tra rà soát lại các quy hoạch điều chỉnh, xem xét xử lý nghiêm với các quy hoạch điều chỉnh tùy tiện, không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch và không đảm bảo cảnh quan kiến trúc theo đúng quy định pháp luật. Cho dừng thực hiện với các quy hoạch điều chỉnh vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn đang thực hiện hoặc chưa thực hiện, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương tuy có rất cố gắng nhưng còn hạn chế trong kiểm soát trật tự xây dựng đô thị. Do vậy, có tình trạng xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, xây dựng một số khu đô thị không đi kèm quy hoạch hạ tầng và hạ tầng xã hội. Khi giải phóng mặt bằng không triệt để thực hiện quy định về điều kiện xây dựng với những nhà còn lại nên để tồn tại tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo ngay các đô thị.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng nêu rõ, Bộ Xây dựng có trách nhiệm tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, quy định pháp luật có lúc chưa kịp thời. Việc đánh giá thực thi pháp luật ở địa phương chưa nghiêm túc, có những nội dung thực tế đã có nhưng chưa kịp thời phát hiện, kịp thời bổ sung quy định xử lý. Bộ Xây dựng có trách nhiệm trong việc chưa thực sự phối hợp quản lý; đôn đốc, hướng dẫn cho địa phương.

Bộ Xây dựng cũng có trách nhiệm với tình trạng chậm thực hiện một số nội dung giao cho Bộ Xây dựng như thẩm định dự án, xây dựng quy chuẩn, tiểu chuẩn đánh giá. Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay: Thứ nhất, nâng cao chất lượng quy hoạch bảo đảm tính khả thi của quy hoạch. Thứ hai, kiểm soát thực hiện dự án đầu tư đúng quy hoạch. Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, công bố về quy định pháp luật, quy hoạch để người dân biết và tiến hành giám sát. Thứ tư, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực này.

Liên quan đến việc quản lý Nhà nước dẫn đến vi phạm xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, về trật tự xây dựng, pháp luật đã tương đối đầy đủ. Về quản lý trật tự xây dựng, chúng ta có nhiều cố gắng để giám sát, quản lý, hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, tuy nhiên đã có chuyển biến theo chiều hướng vi phạm giảm dần, nhất là hành vi xây dựng sai phép, không phép.

Tuy nhiên, vẫn còn ở mức cao, gây lệch lạc trong hoạt động xây dựng, và bức xúc của cử tri. “Tồn tại là quy định quản lý “tuy rằng cơ bản đủ, nhưng một số nội dung còn bất cập, quy trình còn phức tạp, thiếu khả thi, chưa đồng bộ”. Số lượng vi phạm trật tự xây dựng đã giảm qua từng năm.

Nguyên nhân do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, mô hình thanh tra xây dựng chưa hợp lý. Một bộ phận thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực, nhiều bộ phận đã chậm phát hiện nhưng xử lý chưa kịp thời, chưa kiên quyết, triệt để… Ý thức chấp hành pháp luật một số tổ chức, doanh nghiệp người dân chưa tốt. Nhiều trường hợp nhắc nhở nhưng cố tình vi phạm”- Bộ trưởng cho hay.

Về giải pháp xử lý vi phạm hành chính, vi phạm trật tự xây dựng, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ tổ chức mô hình thanh tra đô thị phù hợp hơn trong thực hiện, hiện có hai cấp thanh tra ở đô thị của bộ và sở, hiện nay đang thí điểm mô hình quản lý trật tự xây dựng ở các quận, từ đó có đánh giá và rút ra kinh nghiệm. Liên quan đến bất cập quỹ bảo trì nhà chung cư gây phản ứng của người dân sống tại một số khung chung cư thời gian qua, Bộ trưởng cho biết sẽ sớm ban hành Thông tư để giải quyết triệt để vấn đề này.

Làm rõ quản lý Nhà nước các trạm thu phí giao thông

Sớm vận hành đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông

Liên quan đến các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay: Dự án đường sắt Hà Nội liên quan tới tổng thầu: Tổng thầu nước ngoài nằm trong Hiệp định, khi ký Hiệp định vay nước ngoài thì phía bạn đã chỉ đạo nhà thầu thực hiện dự án này.

Khi thực hiện, thấy rằng, tổng thầu xây dựng đường sắt tốt nhưng vận hành đường sắt thiếu kinh nghiêm bởi khi thi công vận hành đường sắt đô thị khác nhau. Đánh giá tổng thầu thiếu kinh nghiệm nên chúng ta đã trao đổi để cải thiện tình hình để dự án sớm đưa vào thực hiện.

Nguyên nhân chậm, thiết bị đã cung cấp 99%, còn 1% còn lại là một số hạng mục nhỏ, công tác xây lắp, đặc biệt phải chứng minh an toàn hệ thống. Riêng Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng tổng mức từ 8.679 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng. Dự án này được phê duyệt 2009, và từ 2010 đến 2012, do trượt giá, biến động lớn về ổn định kinh tế vĩ mô.

Chúng tôi thống kê trượt giá 49%, rồi thêm công nghệ, trong quá trình vận hành, phát sinh giải phóng mặt bằng, linh kiện... Tôi nghĩ con số này thì sắp tới cơ quan thanh tra, kiểm toán sẽ vào cuộc. Khi phát sinh, nếu đơn vị làm sai, chủ quan thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt cùng cơ quan liên quan sớm vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau khi vận hành sẽ tiến hành thủ tục quyết toán kiểm toán.

Liên quan đến việc quản lý các trạm thu phí giao thông, đại biểu (ĐB) Bùi Văn Phương (Ninh Bình) hỏi: “Sau khi kiểm toán 61 dự án BOT (xây dựng- hợp tác- chuyển giao -PV) giao thông, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí. Nhưng trước đó Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Kế hoạch - Đầu tư với nhiều lập luận cho rằng: Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán dự án BOT giao thông do đây là dự án của nhà đầu tư tư nhân. Vậy vì sao 2 Bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu Kiểm toán không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm thu phí của 61 dự án BOT không? Và có lợi ích nhóm ở đây không?".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời: Bộ GTVT rất trân trọng sự giúp đỡ của Kiểm toán Nhà nước. Khi dự án BOT triển khai, Bộ và chủ đầu tư đã mời Kiểm toán vào chứ không phải như thông tin cho rằng, Bộ GTVT không đồng ý cho Kiểm toán Nhà nước vào. Chúng tôi chủ động mời, thậm chí mời cả công an vào nhờ đó đến nay các dự án BOT được kiểm toán gần 100%.

Liên quan đến số liệu giảm thu phí đối với 61 trạm BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: "Theo quy định của pháp luật, khi dự án được phê, Bộ sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư và nhà đầu tư triển khai xong sẽ tiến hành quyết toán. Căn cứ vào quyết toán thực tế doanh nghiệp làm, chúng ta điều chỉnh hợp đồng và hợp đồng này mới được thu phí. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, số liệu 222 năm này là đúng. Song chỉ đúng với dự án được duyệt, còn số liệu thực tế quyết toán, cho thu phí thì giảm chứ không như số liệu Kiểm toán.

Tuy nhiên, ĐB Bùi Văn Phương cho rằng, giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là chưa thỏa đáng. ĐB Phương lập luận: Bộ trưởng trả lời rằng Bộ GTVT không né tránh mà chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán các dự án BOT.

Tuy nhiên trả lời của Bộ trưởng không chính xác, vì tôi đang ngồi cạnh đồng chí Tổng Kiểm toán Nhà nước đây! Dẫn chứng thêm, ĐB Phương cho hay, Bộ GTVT chỉ có mời kiểm toán 3 dự án là hầm Đèo Cả, Trung Lương – Mỹ Thuận và Bắc Giang – Lạng Sơn. Còn trước đó, Bộ GTVT đồng ý với ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đó là "không kiểm toán các dự án BOT".

Trả lời thêm phản biện của ĐB Phương, Bộ trưởng Thể cho hay: Trong quá trình làm, Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà đầu tư phải chủ động mời Kiểm toán Nhà nước ngay từ đầu. Và thực tế có khoảng 50- 60 dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước đã vào, cùng nhà đầu tư làm từng dự án.

Việc này đến từ sự chỉ đạo của Bộ GTVT, ý thức của từng nhà đầu tư. Vì vậy, chúng tôi nói ngay từ đầu đã chủ động, còn sau này hậu kiểm những vấn đề lớn, nếu dự án nào có vấn đề, có dư luận thì chúng ta sẽ kết hợp làm rõ hơn.

Chấn chỉnh biến tướng tâm linh

Nhóm vấn đề mà các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Quản lý hoạt động tôn giáo tín ngưỡng và mê tín dị đoan; đầu tư xây dựng và quản lý các công trình tâm linh. Trong các nội dung ĐB gửi đến Bộ trưởng nhiều đại biểu nêu hai vấn đề nổi cộm: Hiến pháp nước ta quy định bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, đồng thời mọi tôn giáo hoạt động theo đúng tôn chỉ và đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, thời gian qua không ít nơi lợi dụng tôn giáo để thực hiện các hành vi mê tín, dị đoan thậm chí trục lợi như Thỉnh vong ở Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh). Đặc biệt, thời gian qua đang xuất hiện có một số đơn vị tiến hành đầu tư xây dựng các công trình tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đã và đang hình thành, chiếm cả ngàn hecta đất.

Tuy nhiên, vẫn chưa rạch ròi giữa khu đất dành cho tâm linh và đất thương mại dịch vụ, sau này có thể biến tướng do điều chỉnh quy hoạch. Điều đáng nói, trong khi rất nhiều ngôi chùa, ngôi đình tại các địa phương đang xuống cấp vẫn rất khó khăn khi tìm nguồn kinh phí cho việc duy tu, trung tu, đại tu thì doanh nghiệp sẵn sàng bỏ hàng nghìn tỷ đồng xây mới những ngôi chùa hoành tráng trên một diện tích đất rất lớn.

Vì vậy, để tín ngưỡng không bị biến tướng, lợi dụng đã đến lúc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần tham mưu với Chính phủ chấn chỉnh kịp thời các hiện tượng này.

H.Lê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cac-bo-truong-hua-se-tiep-tuc-giai-quyet-cac-van-de-nong-92181.html