Các bộ trưởng bị tín nhiệm thấp cần cố gắng hơn

Chiều 25-10, sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, các ĐBQH đã chia sẻ quan điểm về kết quả này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An): Kết quả như vậy đã phản ánh đúng với tình hình thực hiện nhiệm vụ của các vị tư lệnh ngành. Riêng với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, số phiếu “tín nhiệm thấp” và “tín nhiệm cao” gần ngang nhau, điều này cũng thể hiện rõ quan điểm, nhìn nhận của ĐBQH đối với Bộ trưởng. Rõ ràng đây là ngành nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng cách giải quyết của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của cử tri, ĐBQH.

Thời gian qua, ngành giáo dục có quá nhiều tồn tại như kỳ thi 2 trong một với kỳ vọng cải cách toàn diện thi cử đã không thành công; thi cử hai năm vừa qua có quá nhiều vấn đề, năm 2017 thì mưa điểm 10, năm nay thì hàng loạt sai phạm; những vấn đề về sách giáo khoa như độc quyền, lãng phí, trích dẫn tư liệu không phù hợp còn nhiều; câu chuyện lạm thu là chuyện dài kỳ không có hồi kết… Đó không phải những vấn đề không thể giải quyết được nếu ngành giáo dục quyết liệt.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Về cơ bản kết quả phản ánh phần nào dúng tình hình hiện nay, thể hiện đúng nguyện vọng của người dân. Tôi cho rằng các lãnh đạo thuộc các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn không nên suy nghĩ nao núng nhiều về kết quả này, mà cần lấy kết quả này như một điều kiện để xem xét lại việc thực hiện các nhiệm vụ của mình, để tiếp tục quá trình thực hiện nhiệm vụ và hoàn thiện chức trách của mình, đáp ứng kỳ vọng của cử tri của cả nước.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được tín nhiệm cao. Ảnh: quochoi.vn

Tôi rất chia sẻ với các Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, GT-VT khi có kết quả tín nhiệm thấp, do đó đều là các vị trí nóng, có thể họ không tạo ra hậu quả nhưng là người kế tục giải quyết những hậu quả từ những năm trước để lại. Điều đó đòi hỏi sự cố gắng gấp đôi, bởi khi Quốc hội bầu các bộ trưởng vào các vị trí đó cũng mong muốn những người này phải phấn đấu gấp nhiều lần so với các vị trí khác. Tôi cho rằng không đạt được số phiếu tín nhiệm cao không có nghĩa là người đó không đủ phẩm chất làm bộ trưởng. Mà nên hiểu đó là người dân và đại biểu Quốc hội mong muốn tư lệnh ngành đó phải thực sự chèo lái con thuyền vượt qua được sóng gió, càng vượt qua sóng gió sẽ càng được đánh giá càng cao. Mặc dù số phiếu tín nhiệm cao không cao, nhưng số phiếu tín nhiệm vẫn còn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi: Không nên đánh giá quá mức việc lấy phiếu tín nhiệm, nhưng cũng không nên xem nhẹ. Nó là vấn đề rất đáng quan tâm để thúc đẩy xã hội. Tôi cho rằng đây là một hình thức giám sát rất có tác dụng. Các bộ trưởng có phiếu thấp hơn với người này người kia có thể thấy buồn. Tôi rất chia sẻ với các vị bộ trưởng. Cần coi đây là một trọng trách mà Quốc hội giao, bộ trưởng phải cố gắng hơn nữa để khắc phục cái này. Nếu những chuyển biến này thay đổi đến cuối nhiệm kỳ, các tư lệnh ngành này cũng sẽ được đánh giá tốt hơn.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cac-bo-truong-bi-tin-nhiem-thap-can-co-gang-hon-554878.html