Các bộ, ngành sai phạm đến đâu?

Báo Công an tiếp tục gửi tới bạn đọc những thông tin về sai phạm, khuyết điểm của Bộ Công nghiệp (trước đây), Bộ Công thương và các bộ, ngành khác có liên quan tại dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao

Theo Kết luận thanh tra số 199/TB-TTCP ngày 20-2-2019 của Thanh tra Chính phủ về Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên (dự án), Bộ Công nghiệp (trước đây), Bộ Công thương chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, Bộ Công nghiệp (trước đây) đã không yêu cầu Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco), Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) lập thiết kế cơ sở (TKCS) để thẩm định theo quy định, thiếu kiểm tra, giám sát Tisco, VNS trong việc thẩm định báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ khi chưa đảm bảo các điều kiện để triển khai dự án (nguồn vốn, nguồn nguyên liệu, cơ sở xác định TMĐT)… ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) chưa đầy đủ cơ sở.

Bên cạnh đó, có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ý kiến của VNS chọn Tổng Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ thực hiện phần C (xây dựng và lắp đặt), cho phép Tisco điều chỉnh chi phí thực hiện phần C theo đơn giá điều chỉnh không đúng quy định, không đúng thẩm quyền; có ý kiến chấp thuận đề nghị của Tisco, ký hợp đồng với VINAINCON, các nhà thầu phụ khác và thanh toán theo đơn giá không đúng quy định của pháp luật về đầu tư, hợp đồng EPC số 01.

Bộ Công thương đã không thẩm tra mà sử dụng số liệu của VINAINCON, trình các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ chi phí phát sinh phần C (15.570.099 USD) không đúng với hợp đồng EPC.

Bộ Công thương đã ký văn bản số 2687/BCT-CNNg ngày 29-3-2013 đề xuất điều chỉnh TMĐT dự án và văn bản số 88/BC-BCT ngày 26-8-2014 (sau 15 tháng kể từ khi Tisco ký quyết định điều chỉnh TMĐT) báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 27, 28-8-2014, trong đó có ý kiến điều chỉnh TMĐT dự án lên hơn 8.104 tỷ đồng đã được Bộ Công thương rà soát, thẩm tra mặc dù các bộ, ngành đều cho rằng, không có cơ sở điều chỉnh TMĐT là không đúng với hợp đồng EPC, quy định của pháp luật về đầu tư.

Đối với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng chi phí phần C 15,57 triệu USD từ nguồn dự phòng của toàn bộ dự án không làm tăng TMĐT, nhưng không đúng với hợp đồng EPC 01.

Phát hiện nhiều sai phạm tại Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty gang thép Thái Nguyên.

Phát hiện nhiều sai phạm tại Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty gang thép Thái Nguyên.

Ban hành văn bản không đúng thẩm quyền, trái pháp luật đầu tư

Đối với các cơ quan chính phủ, kết luận thanh tra cũng đã nêu rõ, từ việc VNS đề nghị, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ trong đó có nội dung “đồng ý về nguyên tắc việc xem xét một số phát sinh về giá vật liệu xây dựng do nguyên nhân bất khả kháng trong hợp đồng gói thầu EPC số 01 của dự án” là không đúng với hợp đồng EPC số 01.

Khi Tisco, VNS, Bộ Công thương đề nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án và các bộ đều có ý kiến thống nhất tăng chi phí phần C.

Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh tăng chi phí phần C 15,57 triệu USD từ nguồn dự phòng của toàn bộ dự án không làm tăng TMĐT nhưng không đúng hợp đồng EPC; thông báo VNS làm việc với nhà thầu MCC về việc chọn VINAINCON là nhà thầu phụ thực hiện phần C là không thuộc thẩm quyền vì việc lựa chọn nhà thầu phụ thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC)- đơn vị trúng thầu gói thầu EPC Dây chuyền công nghệ luyện kim.

Trong khi các bộ, ngành có ý kiến việc điều chỉnh TMĐT là thiếu căn cứ nhưng Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ với nội dung Hội đồng quản trị VNS quyết định và chịu trách nhiệm việc điều chỉnh TMĐT dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả; nếu vượt hạn mức giao Thống đốc Ngân hàng và Bộ trưởng Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, dẫn đến Tisco cho rằng, TMĐT điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Hội đồng quản trị Tisco đã ký quyết định điều chỉnh TMĐT dự án từ hơn 3.843 tỷ đồng lên hơn 8.104 tỷ đồng là không có cơ sở.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 27 và 28-8-2014, Chính phủ đã ban hành nghị quyết trong đó có nội dung đồng ý các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án, ủy quyền Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý các vướng măc phát sinh trong quá trình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án.

Bộ Công thương, Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc VNS, HĐQT, Tổng Giám đốc Tisco chịu trách nhiệm trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, hiệu quả của dự án.

Thực hiện nghị quyết chính phủ, trên cơ sở đề nghị của Tisco, Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ đã trình Phó Thủ tướng Chính phủ ký văn bản số 2339/TTg-KTTH ngày 20-11-2014 gửi các bộ, ngành, trong đó có nội dung tiếp tục thực hiện dự án với TMĐT điều chỉnh là hơn 8.104 tỷ đồng và ban hành Văn bản số 196/TB-VPCP ngày 11-6-2015 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý Tisco thanh toán các khoản chi phí trả cho MCC (vật tư và thiết bị hư hỏng bởi rỉ sét, lão hóa do để lưu kho bãi lâu ngày, trông coi, bảo vệ). Những nội dung 2 văn bản này không đúng với hợp đồng EPC và pháp luật về đầu tư.

Mai Hương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-doc-cand/cac-bo-nganh-sai-pham-den-dau-533884/