Các bộ, ngành kinh tế: Phong trào thi đua đi vào chiều sâu, chất lượng

Ngày 14/8, tại Bộ Công Thương đã diễn ra Hội nghị sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2019, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Khối thi đua các bộ, ngành kinh tế.

Bám sát nhiệm vụ, tiêu chí thi đua cụ thể

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê An Hải - Phó Chánh Văn phòng phụ trách Bộ Công Thương - cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành kinh tế đã triển khai đầy đủ, thực hiện đúng các chương trình, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; đồng thời triển khai tổ chức tốt các phong trào thi đua, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến và tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; công tác khen thưởng cũng thường xuyên được các bộ, ngành triển khai chặt chẽ, kịp thời, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn theo quy định…

Ông Lê An Hải - Phó Chánh Văn phòng phụ trách Bộ Công Thương phát biểu

Ông Lê An Hải - Phó Chánh Văn phòng phụ trách Bộ Công Thương phát biểu

Nhìn chung, các phong trào thi đua đã đi vào chiều sâu, chất lượng, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng các bộ, ngành đối với công tác thi đua, khen thưởng; các đơn vị trong Khối thi đua các bộ, ngành kinh tế đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc tổ chức triển khai các phong trào thi đua. Qua các phong trào thi đua đã có tác dụng khích lệ, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong 6 tháng đầu năm 2019, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch trong cả năm 2019 của các bộ, ngành trong khối.

Chia sẻ cụ thể hơn về công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm 2019 của Khối thi đua các bộ, ngành kinh tế, ông Lê Hoàng Sơn - Trưởng phòng thi đua khen thưởng, Văn phòng Bộ Công Thương cho hay, qua 6 tháng thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ cùng sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của các bộ, ngành khối kinh tế và sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu thi đua của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; các bộ ngành khối kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Tổng sản phẩm (GDP) 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,93%, đóng góp 51,8% vào mức tăng trưởng và khu vực dịch vụ tăng 6,69%, đóng góp 42,2% vào mức tăng trưởng.

Kết quả này đã phản ánh, nội dung các phong trào thi đua đã bám sát với nhiệm vụ chính trị, kế hoạch công tác trọng tâm, trọng điểm của các bộ, ngành; các tiêu chí thi đua cụ thể, rõ ràng thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, khơi dậy truyền thống thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác của từng đơn vị trong khối.

100% các bộ, ngành trong khối đã ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Nghị quyết số 02/NQ-CP; 100% các bộ, ngành trong khối thực hiện tốt công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch được giao, chương trình và kế hoạch hoạt động của Hội đồng thi đua, khen thưởng năm 2019; 100% các bộ, ngành trong khối tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng…

Bên cạnh đó, hưởng ứng mạnh mẽ ba phong trào thi đua lớn do Thủ tướng Chính phủ đã phát động: “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt, các đơn vị trong Khối thi đua các bộ, ngành kinh tế tiếp tục cụ thể hóa, tổ chức triển khai phong trào thi đua chuyên đề ngay từ đầu năm nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi, khai thác tiềm năng, tập trung các nguồn lực, tạo sự đồng thuận thống nhất trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đề xuất các giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn, cấp bách trong quá trình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 01/CTLT-BCT-CĐCT ngày 15/01/2019 về tổ chức phong trào thi đua năm 2019, đây là cơ sở để các cơ quan, đơn vị ngành Công Thương thi đua, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao cho Bộ năm 2019. Các cơ quan, đơn vị trong ngành Công Thương tiếp tục thực hiện nhiều phong trào thi đua đem lại hiệu quả thiết thực, tiêu biểu như: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Công tác an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ”; “Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn”; “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”; “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”…

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTTTT ngày 11/01/2019 với mục tiêu “Nâng cao thứ hạng Việt Nam” với phương châm hành động “Người đứng đầu làm gương, nhân viên kỷ cương, làm việc có trọng tâm suy nghĩ và hành động thì bứt phá”; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục phát động phong trào thi đua “Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020”; Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông”, phong trào “Chống rác thải nhựa”…

Bên cạnh đó, công tác khen thưởng ngày càng đảm bảo tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục theo quy định, chất lượng thẩm định hồ sơ khen thưởng được nâng lên rõ rệt, đảm bảo tính công khai, chính xác; đã kịp thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển của các bộ, ngành trong khối. Đồng thời, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Các đơn vị trong khối đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc nâng cao chất lượng và đổi mới toàn diện công tác thi đua, khen thưởng.

Tiếp tục đổi mới phong trào thi đua

Đánh giá cao hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2019 của các đơn vị trong Khối thi đua các bộ, ngành kinh tế, ông Phạm Minh Tiến - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, với tất cả các bộ, ngành năm nay là một năm bứt phá, với nhiều hoạt động sôi nổi. Từ việc đưa ra kế hoạch đến việc triển khai được thực hiện bài bản, chất lượng. Các bộ, ngành đã thực hiện nghiêm túc các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ với sự chỉ đạo quyết liệt của từng bộ ngành trong khối kinh tế cũng như các tiêu chí thi đua…

Riêng Bộ Thông tin và Truyền thông năm nay có sự đổi mới theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng. Hiện nay, các lĩnh vực chính của Bộ Thông tin và Truyền thông gồm bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản, phát thanh - truyền hình, an toàn an ninh mạng… Bộ sẽ tổ chức ở từng lĩnh vực hoạt động tôn vinh, khen thưởng, đến tất cả các đơn vị, tập thể, cá nhân có đóng góp cho lĩnh vực đó với các tiêu chí được xây dựng cụ thể, với mong muốn làm sao khen thưởng trúng và đúng, kịp thời động viên trong tất cả các lĩnh vực.

Ông Phạm Huy Giang, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu

Ông Phạm Huy Giang, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhấn mạnh, Khối thi đua các bộ, ngành kinh tế có vị trí, chức năng, nhiệm vụ hết sức lớn và do đó, tiềm năng để phát động triển khai các phong trào thi đua cũng còn rất lớn, để thông qua đó lựa chọn các điển hình, các mô hình, cách làm hay… Tuy nhiên, trong công tác này, vẫn còn một số khó khăn trong việc tổ chức sắp xếp bộ máy. Trong 7 bộ ngành, hiện chỉ còn 2 bộ có vụ thi đua khen thưởng, còn lại chủ yếu là các phòng, số lượng công chức còn rất ít… Bên cạnh đó, có nơi cấp bộ khen thưởng nhiều, nhưng đề nghị cấp Nhà nước còn rất ít, điều này cho thấy sự khó khăn trong thẩm định, tham mưu đề xuất về công tác khen thưởng.

Theo ông Lê Hoàng Sơn, bên cạnh một số kết quả đạt được, công tác thi đua, khen thưởng của các bộ, ngành trong khối kinh tế còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng dưới cơ sở thường kiêm nhiệm hay thay đổi, nên việc nắm, thực hiện quy định mới theo các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn về công tác, thi đua khen thưởng còn hạn chế. Chất lượng tổ chức thi đua, khen thưởng cấp cơ sở, kể cả cấp trên cơ sở chưa cao; việc phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến qua các phong trào thi đua còn hạn chế; nguồn kinh phí dành cho công tác thi đua, khen thưởng còn hạn hẹp...

Vì vậy, trong thời gian tới, Khối thi đua các bộ, ngành kinh tế tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng thi đua, khen thưởng và vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng cho các cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chính sách khen thưởng; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp.

Bên cạnh đó, thực hiện đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua trong từng đơn vị. Gắn nội dung thi đua với việc thực hiện định hướng chiến lược, nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị trong ngành để tổ chức thực hiện. Chú trọng ưu tiên phong trào hướng vào những nội dung quan trọng có ý nghĩa quyết định ở mỗi giai đoạn, mỗi lĩnh vực công tác của đơn vị. Các phong trào thi đua phải có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện và nhân điển hình tiên tiến; tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời nhằm động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, học tập, sản xuất và công tác; chú trong khen thưởng những công nhân, người lao động trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh ở cơ sở, những tập thể nhỏ, những đơn vị có nhiều khó khăn gian khổ, ưu tiên lao động nữ.

Quỳnh Nga - Vũ Cương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-bo-nganh-kinh-te-phong-trao-thi-dua-di-vao-chieu-sau-chat-luong-123805.html