Các biện pháp phòng vệ thương mại đang phát huy hiệu quả

Thực hiện cam kết theo các hiệp định thương mại đã ký, Việt Nam đã mở cửa thị trường và cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng từ các đối tác thương mại quan trọng. Điều này đặt các doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Các biện pháp PVTM đang bảo vệ lợi ích các ngành sản xuất trong nước

Các biện pháp PVTM đang bảo vệ lợi ích các ngành sản xuất trong nước

Các biện pháp PVTM gồm có 3 biện pháp: Tự vệ; chống bán phá giá và chống trợ cấp. Đây là các biện pháp được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và pháp luật Việt Nam cho phép áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, khắc phục thiệt hại do hàng hóa nhập khẩu gây ra đối với sản xuất trong nước.

Cục PVTM, Bộ Công Thương - cho biết, mặc dù pháp luật về PVTM của Việt Nam đã ra đời hơn khoảng 15 năm nhưng tới gần đây mới thực sự phát huy tác dụng. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã kịp thời áp dụng các công cụ (PVTM) để bảo vệ ngành sản xuất nội địa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Theo đó, cho đến hết năm 2015, Việt Nam mới chỉ điều tra và áp dụng được 2 biện pháp PVTM đối với mặt hàng dầu ăn và thép không gỉ cán nguội (inox). Tuy nhiên, chỉ trong giai đoạn 2016-nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra, áp dụng 18 biện pháp PVTM để bảo vệ hoạt động sản xuất của các ngành sản xuất trong nước. Cụ thể là đối với các sản phẩm gồm phân bón DAP/MAP, bột ngọt (tự vệ và chống bán phá giá), các sản phẩm sắt thép như phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình, tôn màu, nhôm thanh định hình, màng BOPP, sợi filament, đường lỏng HFCS, đường sản xuất từ mía.

Các biện pháp PVTM này đã góp phần thực hiện chủ trương phát triển các ngành sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm của gần 150.000 người lao động trong các lĩnh vực được bảo vệ, giúp tăng thu ngân sách. Theo tính toán, những ngành sản xuất này ước tính (theo GDP Việt Nam năm 2019) đang đóng góp khoảng gần 6% GDP của cả nước. Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp PVTM được áp dụng cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Nhờ công cụ PVTM, một số doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất..

Bên cạnh đó, các biện pháp PVTM cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước. Cụ thể, như đối với phân bón DAP, khi có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá mặt hàng này đã thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Bằng chứng là trước năm 2009, khi ta không có ngành sản xuất DAP trong nước, giá phân bón DAP (chủ yếu là từ Trung Quốc) đã từng bị đẩy lên ở mức rất cao (18.000 đồng/kg năm 2008) dẫn đến chi phí sản xuất lúa tăng cao. Nhưng sau khi hai nhà máy sản xuất DAP đi vào hoạt động, giá DAP đã giảm liên tục và chỉ còn 8.000 đồng/kg vào cuối năm 2017. Chính vì vậy, việc áp dụng công cụ PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp, xây dựng... vừa là để bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng theo dõi sát diễn biến giá và rà soát định kỳ để điều chỉnh biện pháp PVTM cho phù hợp thực tiễn, tránh hiện tượng hàng hóa tăng giá do biện pháp PVTM hay giảm động lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp PVTM được áp dụng (như thép Hòa Phát, tôn Đông Á, DAP Hải Phòng...) cho thấy năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo.

Cho đến thời điểm hiện nay, đại diện Cục PVTM - nhận định, các công cụ PVTM được sử dụng phù hợp với cam kết quốc tế đã cho thấy những hiệu quả nhất định, cụ thể: Giúp giảm áp lực sự gia tăng của hàng hóa nhập khẩu; Giúp doanh nghiệp giảm thiểu, khắc phục thiệt hại gây ra do sự gia tăng đột biến/cạnh tranh không bình đẳng của hàng hóa nhập khẩu; Giúp bảo vệ, phát triển các ngành sản xuất trong nước trước áp lực cạnh tranh gay gắt của hàng nhập khẩu; Giúp ngăn chặn nguy cơ cản trở việc hình thành một ngành sản xuất mới trước áp lực gia tăng đột biến/cạnh tranh bất bình đẳng của hàng hóa nhập khẩu.

Thời gian tới, theo đại diện Cục PVTM, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tham vấn và hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất trong nước, hiệp hội ngành nghề có liên quan để xem xét sử dụng kịp thời, hiệu quả các biện pháp PVTM để bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương đã ban hành và triển khai tích cực Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngày công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025” và Quyết định 1347/QĐ-BCT của Bộ Công Thương triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-bien-phap-phong-ve-thuong-mai-dang-phat-huy-hieu-qua-150111.html