Các bệnh viện tăng cường trực cấp cứu, điều trị dịp Tết

Để hoạt động khám và điều trị vẫn diễn ra xuyên suốt trong những ngày nghỉ Tết nguyên đán Canh Tý 2020, các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả về cơ sở vật chất và nhân lực ứng trực.

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) là bệnh viện tuyến cuối của các tỉnh phía Nam nên vào những ngày lễ Tết, bệnh viện luôn tiếp nhận khá nhiều ca cấp cứu nặng từ các tỉnh chuyển về. Bệnh viện đã bố trí đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý và ngày nghỉ cuối tuần kéo dài liên tục 7 ngày. Theo thông tin từ bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài bảo đảm trực 4 cấp, bệnh viện còn chú trọng các khoa trọng điểm như Cấp cứu, Phẫu thuật Gây mê Hồi sức, Hồi sức Cấp cứu, Hồi sức Ngoại Thần kinh, Dược, Trung tâm Truyền máu.

Để đảm bảo cho công tác cấp cứu và điều trị trong dịp Tết, các bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng cả về nhân lực cùng cơ sở vật chất.

Để đảm bảo cho công tác cấp cứu và điều trị trong dịp Tết, các bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng cả về nhân lực cùng cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ phương tiện phục vụ, ôxy, máu, y dụng cụ, đồ vải, thuốc thường dùng và thuốc cấp cứu chuyên khoa; đồng thời bố trí lực lượng làm việc, ứng trực đầy đủ. Ngoài ra, đơn vị còn chuẩn bị sẵn sàng cho khoa Cấp cứu khi cần và thực hiện các phương án “Đáp ứng với Báo động đỏ quá tải bệnh nhân tại khoa Cấp cứu”, “Can thiệp vàng (phẫu thuật, thủ thuật khẩn cấp) và “Phương án cấp cứu thảm họa”.

Đối với các trường hợp bệnh nhân còn phải nằm lại điều trị tại bệnh viện, bệnh viện Chợ Rẫy có kế hoạch thăm hỏi, tặng quà Tết cho bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình chính sách có công với cách mạng. Bếp yêu thương hoạt động liên tục đảm bảo cung cấp suất ăn miễn phí cho thân nhân trong những ngày nghỉ Tết.

Trong khi đó, tại bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), PGS.TS. Lê Đình Thanh, Giám đốc bệnh viện cho biết, ngoài việc tổ chức 4 kíp trực hàng ngày theo quy chế như trực lãnh đạo, hành chính, trưởng phiên nội, trưởng phiên ngoại thì bệnh viện cũng đã xây dựng kế hoạch, phân công trực ứng cứu, trực cấp cứu thảm họa để sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra như ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh, tai nạn hàng loạt… Đồng thời, bệnh viện cũng đã có kế hoạch và đôn đốc các khoa, phòng kiểm tra, rà soát toàn bộ công tác bố trí về con người, phương tiện của khoa phòng bảo đảm hoàn thành được nhiệm vụ thường xuyên và các tình huống đột xuất xảy ra không để bị động, bất ngờ.

Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, đơn vị sẵn sàng trực xuyên Tết ứng phó dịch viêm phổi lạ với 6 đội cơ động phòng chống và 3 đội phản ứng nhanh; điều động các thành viên trực, phối hợp với khoa vi sinh miễn dịch, xét nghiệm… để sẵn sàng chống dịch bệnh nếu xảy ra.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn yêu cầu các cơ sở y tế phải dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh. Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Với các trường hợp cấp cứu trái tuyến, trái chuyên khoa, cán bộ y tế cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển bệnh nhân đi cơ sở y tế khác.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/suc-khoe/cac-benh-vien-tang-cuong-truc-cap-cuu-dieu-tri-dip-tet-20200120143052422.htm