Các bệnh mãn tính: Chú trọng điều trị ngoại trú trong mùa dịch

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, nhằm phòng tránh lây lan dịch bệnh cho những đối tượng có nguy cơ cao, các trạm y tế trong tỉnh thực hiện cấp, phát thuốc điều trị ngoại trú đủ dùng trong 2 tháng cho các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp. Những ca nặng còn được thăm khám tại nhà…

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, nhằm phòng tránh lây lan dịch bệnh cho những đối tượng có nguy cơ cao, các trạm y tế trong tỉnh Khánh Hòa thực hiện cấp, phát thuốc điều trị ngoại trú đủ dùng trong 2 tháng cho các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp. Những ca nặng còn được thăm khám tại nhà…

Tích cực khám bệnh tại nhà

Bà Lê Thị Tám (68 tuổi, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh) bị viêm gan B suốt 7 năm nay, huyết áp lại không ổn định. Trước đây, bà được quản lý, theo dõi sức khỏe tại trạm y tế xã. Từ khi dịch Covid-19 diễn ra, bà được cấp, phát thuốc điều trị ngoại trú dùng trong 2 tháng. Để hỗ trợ, các nhân viên y tế tại trạm phải thay phiên thăm khám tại nhà cho bà cũng như rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính khác trong xã. Bà Tám cho biết: “Thông thường, khoảng 1 tuần hoặc nửa tháng, tôi đến trạm y tế để khám bệnh, nhưng từ khi dịch xảy ra, các y, bác sĩ ở trạm tới tận nhà để khám bệnh và cho thuốc theo định kỳ. Thỉnh thoảng, huyết áp lên cao, hoặc thấy sức khỏe không tốt, tôi gọi điện thoại là các y, bác sĩ tới nhà khám liền nên rất an tâm”.

 Người dân xã Diên Lạc được y, bác sĩ ở trạm y tế khám bệnh tại nhà.

Người dân xã Diên Lạc được y, bác sĩ ở trạm y tế khám bệnh tại nhà.

Y sĩ Huỳnh Tường Văn - Phó Trưởng trạm Y tế xã Diên Lạc cho biết: “Khi dịch bệnh xảy ra, để tránh tập trung đông người và thực hiện chỉ đạo của Trung tâm Y tế huyện, những bệnh nhân nào mắc các bệnh lý mãn tính uống thuốc đã ổn định bệnh thì chúng tôi gọi điện thoại tư vấn hẹn lịch đến trạm khám theo thứ tự thời gian, những người bệnh nặng thì trạm y tế bố trí khám tại nhà. Nếu những tháng trước, số bệnh nhân trạm y tế thực hiện khám tại nhà dao động từ 2 đến 3 người/thôn/tuần thì trong tháng 4 tăng lên 20 - 30 bệnh nhân”.

Bên cạnh khám tại nhà, các trạm y tế trong tỉnh còn thực hiện việc rà soát, thống kê phân loại các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính theo các nhóm: sức khỏe ổn định, cần theo dõi và nhóm bệnh nặng để có những điều chỉnh kịp thời cho người bệnh. Đồng thời, các nhân viên y tế cũng chủ động cung cấp, trao đổi số điện thoại với người bệnh để hỗ trợ ngay khi cần. Qua thống kê, từ đầu tháng 4 đến nay, số lượng bệnh nhân cao tuổi mắc các bệnh mãn tính được thăm khám tại nhà tăng gấp 7 lần so với trước đây. Cùng với việc triển khai các hoạt động trên, các trạm y tế còn thực hiện tư vấn, nhắc nhở người dân dùng thuốc qua điện thoại, hướng dẫn người bệnh ăn uống, tập thể dục nâng cao sức khỏe…

Còn khó khăn

Qua hơn 1 tháng triển khai, bên cạnh hiệu quả đạt được, công tác khám, chữa bệnh theo mô hình này còn gặp khó khăn. Theo lãnh đạo các trạm y tế, hiện nay, nhân lực ở các trạm có hạn, lại kiêm nhiệm nhiều việc nên không thể đáp ứng hết nhu cầu khám tại nhà của người bệnh; một số người bệnh cao tuổi không tuân thủ uống thuốc theo định kỳ; các chỉ số của người bệnh không thể giám sát chặt như trước kia; việc cấp thuốc dài ngày (từ 1 đến 2 tháng) chỉ được áp dụng cho bệnh huyết áp, đái tháo đường, còn các bệnh nền đi kèm khác chỉ được cấp thuốc từ 7 đến 10 ngày, điều này gây khó cho những người mắc nhiều bệnh lý khác nhau.

Ông Dương Đức Trí - Trưởng trạm Y tế xã Suối Tân, huyện Cam Lâm cho biết: “Hạn chế của mô hình này là thời gian cấp thuốc dài ngày nên trạm không theo dõi thường xuyên được các chỉ số đường huyết, huyết áp của bệnh nhân, dẫn tới khó khăn trong việc theo dõi, điều chỉnh thuốc phù hợp cho người bệnh khi thuốc không đáp ứng điều trị hoặc có các biến chứng”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh cho hay, bên cạnh khám, chữa bệnh, đội ngũ cán bộ y tế ở các trạm phải kiêm nhiệm thêm nhiều hoạt động phòng, chống các dịch bệnh như: Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, điều tra dịch tễ, triển khai, giám sát, theo dõi các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, tiêm chủng… Do đó, việc triển khai mô hình khám tại nhà cũng gặp một số khó khăn nhất định. Để hỗ trợ cho các trạm y tế, hiện tại, trung tâm huy động thêm đội ngũ y tế thôn bản làm cầu nối giữa người bệnh và trạm y tế. Mặc dù còn khó khăn nhưng tất cả các trạm y tế đều nỗ lực khắc phục, bởi xác định đây là giải pháp đúng đắn trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

C.Đan

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202005/cac-benh-man-tinh-chu-trong-dieu-tri-ngoai-tru-trong-mua-dich-8162213/