Các bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin: Bệnh ho gà

Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho.

Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

Tác nhân gây bệnh

Tác nhân gây bệnh là Bordetella pertussis thuộc giống Bordetella gây bệnh ở người.

Vi khuẩn ho gà là dạng trực khuẩn hai đầu nhỏ, thuộc loại vi khuẩn có kích thước nhỏ nhất, không di động, gram (-).

Vi khuẩn có sức đề kháng ngoài môi trường rất yếu. Thường sẽ bị chết trong 1 giờ dưới tác dụng của nhiệt độ, ánh sáng mặt trời trực tiếp hoặc thuốc sát khuẩn thông thường

Trực khuẩn ho gà.

Nguồn truyền nhiễm và phương thức lây truyền

Ổ chứa: Người là vật chủ duy nhất. Bởi vậy, nguồn truyền bệnh là bệnh nhân, không có nguồn lây truyền ở người lành mang trùng hoặc người bệnh trong thời kỳ lại sức.

Thời gian ủ bệnh: Thông thường từ 7 đến 20 ngày.

Thời kỳ lây truyền: Bệnh ho gà lây truyền mạnh nhất trong thời kỳ đầu viêm long, sau đó tính lây truyền giảm dần và sẽ mất đi sau 3 tuần mắc bệnh, mặc dù lúc này cơn ho vẫn còn dai dẳng.

Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Tính lây truyền rất cao ngay sau khi bị phơi nhiễm với giọt nước miếng của bệnh nhân, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học.

Triệu chứng

Là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng thể hiện trẻ ho rũ rượi từng cơn liên tục không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít nghe như tiếng gà gáy, cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Sau mỗi cơn ho trẻ mệt bơ phờ, mình đẫm mồ hôi và thở gấp. Có thể ngừng thở ở trẻ nhỏ. Biến chứng: Viêm phổi, tử vong.

Các biện pháp phòng chống dịch

Vệ sinh phòng bệnh

Nhà ở, nhà trẻ, lớp học, vườn trẻ... phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Tại nơi có ổ dịch ho gà cũ, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh có cơn ho gà điển hình, nhất là đến khoảng thời gian chu kỳ của bệnh dịch ở địa phương.

Vắc-xin dự phòng

Có 2 loại vắc-xin ho gà: vắc-xin toàn tế bào và vắc-xin vô bào. Trên thực tế là vắc-xin phối hợp 3 trong 1 (bạch hầu- ho gà- uốn ván), 4 trong 1 (bạch hầu- ho gà- uốn ván- Hib hoặc bạch hầu- ho gà- uốn ván bại liệt), 5 trong 1 (bạch hầu- ho gà- uốn ván- viêm gan B- Hib, hoặc bạch hầu- ho gà- uốn ván- bại liệt- Hib), 6 trong 1 (bạch hầu- ho gà- uốn ván- bại liệt- viêm gan b- Hib).

Chỉ định

- Vắc-xin D.T VAX: Trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên, nhắc lại cho trẻ từ 4-10 tuổi.

- Vắc-xin uốn ván - bạch hầu hấp phụ (Td): Trẻ từ 7 tuổi trở lên, tiêm nhắc sau 10 năm.

- Vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván hấp phụ (DPT): Dùng cho trẻ em từ 2 tháng tuổi đến dưới 48 tháng tuổi.

- Vắc-xin PENTAXIM (DTaP - IPV/Hib): Tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi, tiêm nhắc trong năm tuổi thứ 2.

- Vắc-xin HEXAXIM (DTaP – IPV - Hib - HB): Tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi, tiêm nhắc trong năm tuổi thứ 2.

- Vắc-xin INFANRIX HEXA (DTaP): Tiêm 3 mũi cho trẻ từ 2 tháng tuổi, khoảng cách mỗi mũi cách nhau 1 tháng. Chỉ áp dụng lịch của Chương trình TCMR Quốc gia khi trẻ đã được tiêm 1 liều vắc-xin VGB lúc sinh.

Tiêm mũi nhắc sau mũi cơ bản cuối cùng ít nhất 6 tháng và tốt nhất trước 18 thán tuổi.

- Vắc-xin TETRAXIM (DtaP – IPV): trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên khi tiêm chủng các liều cơ bản và khi tiêm liều nhắc lại trong năm tuổi thứ 2 và từ 5 đến 13 tuổi.

- Vắc-xin ADACEL (Tdap): Dành cho người từ 4 tuổi - 64 tuổi.

- Vắc-xin COMBE FIVE LIQUID (bạch hầu - ho gà - uốn ván - hấp phụ - VGB - Hib): Lịch tiêm chủng các mũi cơ bản gồm 03 mũi tiêm từ tháng thứ 2, 3, 4.

Lịch tiêm: theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia

+ Liều 1: 2 tháng tuổi

+ Liều 2: 3 tháng tuổi

+ Liều 3: 4 tháng tuổi.

+ Tiêm nhắc lại: trước 18 tháng tuổi.

Chống chỉ định

- Dị ứng nặng (sốc phản vệ) sau mũi tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vắc-xin.

- Không tiêm cho trẻ từ 6 tuổi trở lên với vắc-xin ho gà toàn tế bào.

Tác dụng không mong muốn

- Phản ứng thông thường: đau, sưng nóng nhẹ tại chỗ tiêm, chóng mặt, sốt nhẹ, ho cơn, quấy khóc, thường hết sau vài giờ đến 1-2 ngày.

- Phản ứng nặng: Sốt cao kéo dài cần nhập viện, sốc phản vệ rất hiếm gặp

Những điều cần lưu ý

- Tiêm 1 liều nhắc lại cho trẻ 1-6 tuổi, tốt nhất vào lúc 2 tuổi.

- Nên tiêm cho phụ nữ có thai 1 liều Tdap (vào kỳ 2 hoặc kỳ 3 của thai sản và tốt nhất trước khi sinh tối thiểu 15 ngày) để phòng bệnh ho gà ở trẻ nhỏ.

(Theo tài liệu Khuyến cáo sử dụng vắc-xin cho mọi lứa tuổi ở VN)

Vũ Tùng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/cac-benh-co-the-du-phong-bang-vac-xin-benh-ho-ga-n146434.html