Các bên xúc tiến thực hiện thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 24/10, các lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria đã rời khỏi nhiều vị trí ở khu vực biên giới của nước này với Thổ Nhĩ Kỳ, theo thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được hôm 22/10. Trong khi đó, lực lượng quân cảnh Nga đã tuần tra dọc khu vực biên giới này.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/10/2019 đã nhất trí một thỏa thuận đảm bảo lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria sẽ rút khỏi khu vực cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 30km. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/10/2019 đã nhất trí một thỏa thuận đảm bảo lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria sẽ rút khỏi khu vực cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 30km. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/10 thông báo, khoảng 300 quân cảnh Nga đã tới Syria để trợ giúp lực lượng người Kurd rút khỏi khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông báo của Bộ Quốc phòng nêu rõ quân cảnh Nga sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trợ giúp đảm bảo sự an toàn của người dân, duy trì luật pháp và trật tự, tuần tra các khu vực được chỉ định, cũng như trợ giúp Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) cùng vũ khí của họ lui về khu vực cách biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ 30 km.

Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thông báo nước này đã nhất trí với Nga về việc lập một khu vực giám sát ở vùng Tây Bắc tỉnh Manbij của Syria để bảo vệ khu vực này. Ông Erdogan nêu rõ: "Chúng tôi đã yêu cầu một khu vực rộng 5x19km ở Tây Bắc tỉnh Manbij để bảo vệ khu vực này. Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận với Nga về vấn đề này".

Theo thỏa thuận đạt được ngày 22/10, Syria và Nga sẽ tiến hành tuần tra chung ở các khu vực biên giới phía Bắc Syria, đồng thời các lực lượng người Kurd rút khỏi các khu vực biên giới và lùi sâu 30 km về phía lãnh thổ Syria, đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập "vùng an toàn" ở biên giới.

Liên quan đề xuất của Đức triển khai lực lượng quốc tế kiểm soát việc thiết lập "vùng an ninh" tại miền Bắc Syria, chỉ huy hàng đầu lực lượng YPG, ông Mazloum Abdi đã hoan nghênh đề xuất này.

Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, trước khi thực thi, đề xuất này cần phải được Liên hợp quốc thông qua vì vậy cần phải được thảo luận chi tiết trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Phương Hoa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/cac-ben-xuc-tien-thuc-hien-thoa-thuan-ngatho-nhi-ky-20191025123004075.htm