Các ban ngành phối hợp thực hiện xử lý nợ thuế

Bộ Tài chính yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, TP phối hợp triển khai thực hiện xử lý nợ thuế theo Nghị quyết 94/2019/QH14.

Việc triển khai Nghị quyết xử lý nợ thuế là nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế trong năm 2020 và 2021. Ảnh TL.

Việc triển khai Nghị quyết xử lý nợ thuế là nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế trong năm 2020 và 2021. Ảnh TL.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ký Công văn số 3147/BTC-TCT gửi bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (Nghị quyết xử lý nợ thuế).

Theo Bộ Tài chính, Nghị quyết xử lý nợ thuế là văn bản quy định pháp luật, cơ sở pháp lý quan trọng cho thực hiện xử lý nợ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Nghị quyết đã quy định nguyên tắc, đối tượng, các biện pháp, thẩm quyền và vai trò trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xử lý nợ. Tuy nhiên, việc xử lý xóa nợ phải đảm bảo chặt chẽ, căn cứ vào từng đối tượng, đáp ứng các điều kiện cụ thể hồ sơ, thủ tục, đồng thời liên quan nhiều đối tượng. Điều này đặt ra yêu cầu trong công tác tổ chức triển khai thực hiện cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các cấp ở địa phương.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, TP chỉ đạo cục thuế thành lập ban chỉ đạo triển khai nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND cấp dưới, cơ quan chuyên môn triển khai, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất với cơ quan thuế trong việc lập hồ sơ, xác nhận, xử lý nợ; phân loại nợ theo từng địa bàn, đối tượng, bảo đảm chính xác và lập văn bản xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký; tuyên truyền phổ biến và tập huấn, đào tạo các nội dung của Nghi quyết và các văn bản hướng dẫn thực hiện; công khai quy trình, thủ tục xử lý nợ; tổ chức bộ phận hỗ trợ,hướng dẫn thủ tục, hồ sơ xử lý; nắm bắt vướng mắc, báo cáo Bộ tài chính và Tổng cục thuế tháo gỡ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thuế lập hồ sơ xử lý nợ và xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đăng ký, liên lạc; sở kế hoạch và đầu tư, cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan thuế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, hộ kinh doanh không còn hoạt động. Khi người nộp thuế quay lại sản xuất kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp mới thì phối hợp với cơ quan thuế để thu hồi lại số nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đã được xóa.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu cơ quan công an thực hiện tốt quy chế phối hợp trong phòng, chống trốn thuế, chây ì không nộp tiền thuế, chiếm đoạt tiền thuế, không chấp hành các biện pháp cưỡng chế thuế; rà soát hồ sơ người nộp thuế đã chết, mất tích, bị tòa án tuyên bố đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc đi khỏi nơi cư trú; xác minh thông tin người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, liên lạc.

Tại Công văn, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc triển khai nghị quyết là nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế trong năm 2020 và 2021. Thực hiện thành công Nghị quyết sẽ tạo tiền đề tốt để ngành thuế nói riêng và tài chính nói chung hoàn thành nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước thời gian tới.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/cac-ban-nganh-phoi-hop-thuc-hien-xu-ly-no-thue-123083.html