Các ban HĐND thành phố Hà Nội: Phối hợp hiệu quả trong nhiều hoạt động

Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, các ban thuộc HĐND thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp hiệu quả trong nhiều hoạt động, đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, được Thường trực HĐND thành phố ghi nhận, đánh giá cao. Trong đó, nổi bật là việc phối hợp chuẩn bị các phiên giải trình và tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề với các ban HĐND các quận, huyện, thị xã…

Các ban HĐND thành phố Hà Nội phối hợp tái khảo sát về công tác quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2020. Trong ảnh: Khảo sát thực tế tại đình Kim Liên, phường Phương Liên, quận Đống Đa.

Chuyển biến rõ trong điều hành

Các phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội là hoạt động nổi bật từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay. Qua 6 phiên giải trình giai đoạn 2017-2019 về các vấn đề dân sinh bức xúc như: Quản lý trật tự xây dựng; cung cấp nước sạch cho người dân; thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; xử lý chất thải rắn… đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trên địa bàn Hà Nội. Thành công của các phiên giải trình có sự đóng góp không nhỏ của các ban thuộc HĐND thành phố trong phối hợp kiểm tra, khảo sát, tổng hợp báo cáo để giúp đại biểu HĐND thành phố nắm bắt tổng quan về từng chủ đề của phiên giải trình, từ đó đặt câu hỏi chất vấn sát thực…

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân chia sẻ, việc triển khai khảo sát ghi hình phục vụ phiên giải trình về quản lý trật tự xây dựng và việc thực hiện hai quy tắc ứng xử được các ban phối hợp hiệu quả, chất lượng. Để có hình ảnh sinh động minh họa cho số liệu trong báo cáo giải trình, các ban phối hợp chuẩn bị trong một tháng cho việc lên kịch bản, ghi hình các tồn tại về vi phạm trật tự xây dựng và những cán bộ, công chức còn lơ là công việc, gây bức xúc trong nhân dân. Vì thế, chất lượng phiên giải trình luôn được cử tri đánh giá cao.

Cử tri Hoàng Trọng Tuấn (phường Kim Liên, quận Đống Đa) cho biết: Vấn đề quan trọng là sau phiên giải trình, những công trình vi phạm đó phải được xử lý và đại biểu tiếp tục giám sát giải quyết đến cùng, tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Phương Lan (xã La Phù, huyện Hoài Đức) cho biết: “Sau hình ảnh ghi nhận cán bộ công chức cấp xã lơ là công việc, thái độ thờ ơ với người dân ở phiên giải trình của HĐND thành phố về thực hiện quy tắc ứng xử, đến nay, cán bộ bộ phận “một cửa” nói chung ở nhiều nơi đã không còn tình trạng cửa quyền, hách dịch, thay vào đó là lối giao tiếp nhẹ nhàng, cởi mở hơn với người dân làm thủ tục hành chính”.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, qua theo dõi kết quả sau các phiên giải trình của HĐND thành phố cho thấy, đã có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, sau phiên giải trình về quản lý trật tự xây dựng, các số liệu về tình hình vi phạm đều giảm rõ rệt: Năm 2017 toàn thành phố xảy ra 1.226 trường hợp vi phạm; năm 2018 giảm còn 1.065 trường hợp và năm 2019 chỉ còn 589 trường hợp.

Sau giải trình về việc thực hiện hai quy tắc ứng xử, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung xây dựng các mô hình như: “Bộ phận “một cửa”, “một cửa” liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp”, “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”, “Xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp”… Hằng tháng, mỗi quận, huyện, thị xã cũng đã lựa chọn 1-2 tập thể, cá nhân thực hiện tốt hai quy tắc ứng xử ở địa phương trình Hội đồng thi đua thành phố khen thưởng.

“Những chuyển biến trên là nhờ sự phối hợp của các ban HĐND thành phố trong chuẩn bị, tham mưu cho Thường trực HĐND thành phố tổ chức phiên giải trình, cũng như tổng hợp, theo dõi, giám sát sau phiên giải trình”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định.

Chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay

Không chỉ chuẩn bị tốt cho các phiên giải trình, các ban HĐND thành phố Hà Nội còn phối hợp tổ chức các hội nghị giao ban chuyên đề, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với các ban HĐND các quận, huyện, thị xã để áp dụng vào thực tiễn.

Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Phú Xuyên Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, sau các hội nghị chuyên đề do các ban HĐND thành phố tổ chức, đại biểu dân cử cấp huyện cũng nắm bắt được nhiều kinh nghiệm hay trong lĩnh vực thẩm tra về kinh tế - xã hội, nhất là tờ trình về các dự án đầu tư công.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga cho biết, thời gian tới, các ban HĐND thành phố sẽ tích cực phối hợp lựa chọn những vấn đề còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn để tổ chức các hội nghị giao ban chuyên đề, nhằm chia sẻ thêm kinh nghiệm từ thành phố tới các địa phương. Trong đó, vấn đề được ưu tiên lựa chọn là quy trình, kỹ năng giám sát cơ quan tư pháp; cách thức thẩm tra các dự án kinh tế, công trình văn hóa - xã hội; công tác tiếp công dân và xử lý, đôn đốc giải quyết đơn thư, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân…

Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương cho biết, năm 2020, Thường trực HĐND thành phố sẽ tổ chức 2 phiên giải trình giữa các kỳ họp (vào tháng 4 và tháng 8-2020), từ đó các ban HĐND thành phố sẽ tích cực phối hợp tham mưu xây dựng kịch bản, khảo sát ghi hình thực tế theo các chủ đề phiên giải trình, qua đó làm cơ sở để đại biểu chất vấn, đồng thời để cử tri theo dõi, giám sát các cơ quan quản lý nhà nước được tốt hơn.

Việt Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/960659/cac-ban-hdnd-thanh-pho-ha-noi-phoi-hop-hieu-qua-trong-nhieu-hoat-dong