Cá xấu phát sợ giá 10 triệu, mực ngư dân chê người Hà Nội ham

Loài cá xù xì đang được bán tại Hà Nội với giá đắt đỏ. Loại mực 'khủng' dân biển chê không ăn lại thành đặc sản ở Thủ đô. Trong khi đó, chè heo tắm tiên cũng đang lên cơn sốt khắp Hà thành.

Cá xấu xí, toàn thân xù xì giá 10 triệu đồng/con ở Hà Nội

Thuộc hàng đắt đỏ bậc nhất, cá mặt quỷ được quảng cáo đánh bắt từ vùng biển Nha Trang, Phú Yên… đưa về Hà Nội.

Cá mặt quỷ được nhà hàng Hà Nội nhập về bán.

Cá mặt quỷ được nhà hàng Hà Nội nhập về bán.

Nhưng cá mặt quỷ có bề ngoài dữ tợn như tên gọi. Thân hình cá to xù xì, nhiều vây ở sống lưng, giống tảng đá với lớp da loang lổ màu nâu đỏ thô ráp. Vì lớp da thô ráp khiến việc chế biến cá mặt quỷ không dễ như các loại hải sản khác, mà nhiều nhà hàng không "mặn mà".

Giá bán cá mặt quỷ tại nhà hàng lên tới 3 triệu đồng/kg vì phải gánh nhiều chi phí vận chuyển, chế biến… Tại đầu mối, giâ cá khoảng 1,2 -1,5 triệu đồng/kg.

Mực 'khủng', dân biển chê không ăn, lên Hà Nội thành đặc sản

Loại mực xà đại dương nhạt thịt và không ngon nên người dân vùng biển rất ít ăn. Trước đây, dân buôn hải sản gần như không hề buôn bán loại mực này. Nhưng gần đây, nó lại trở thành món ăn “hot” tại Hà Nội.

Mực xà.

Nhìn trực quan, có thể thấy loại mực này rất dày mình, to hơn hẳn các loại mực lá, mực ống hay mực mai.

Hiện mực xà được bán lẻ trên mạng xã hội với nhiều mức giá, thấp nhất 55 nghìn đồng/kg. Mực đã làm sạch sẽ có giá cao hơn.

Chè heo tắm tiên lên cơn sốt ở Hà Nội

'Chè heo tắm tiên' đang gây sốt khắp cộng đồng mạng những ngày gần đây. Món chè này ban đầu xuất hiện ở Bạc Liêu rồi tiếp tục gây sốt ở TP.HCM và Hà Nội.

Chè heo tắm tiên.

Đây là loại chè khúc bạch có vị thanh mát, gồm những viên thạch mềm mịn đi kèm nhãn hoặc vải và hạnh nhân sấy giòn. Nó còn được tạo hình bắt mắt hơn với những viên khúc bạch hình chú heo con dễ thương. Khi ăn, thực khách sẽ rưới đều phần sốt sữa tươi lên các nguyên liệu.

Một phần chè có giá từ 60.000 - 80.000 đồng. Nhưng nhiều người vì muốn thưởng thức loại chè này đã chi ra cả trăm ngàn đồng để mua một ly chè ship từ trong Sài Gòn ra Hà Nội.

Ốc hương, tôm mũ ni rớt giá một nửa

Hiện giá nhiều loại thủy hải sản nuôi trồng và đánh bắt đang sụt giảm mạnh do sức mua kém, các chủ vựa không dám trữ hàng.

Ốc hương Khánh Hòa

Giá thu mua nhiều mặt hàng thủy hải sản giảm 40-70%. Cụ thể, giá mua các loại ốc đỏ, ốc gai trước đây trên 200.000 đồng/kg, nay chỉ còn khoảng 80.000 đồng/kg. Cá mặt quỷ trước dịch Covid-19 giá 900.000 đồng/kg, nay chỉ 350.000 đồng/kg.

Tôm mũ ni giảm từ 600.000 đồng/kg còn 350.000 đồng, bọ biển giảm từ 2 triệu đồng/kg còn 1,2 triệu đồng/kg. Giá ốc hương 180.000 đồng/kg, trước đây 250.000-300.000 đồng/kg.

Dưa hấu 2.900 đồng/kg, dân Nha Trang chen nhau 'giải cứu'

Mấy ngày nay, người dân TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đội nắng chen chân nhau “giải cứu” dưa hấu. Song giá của mỗi địa điểm bán dưa hấu khác nhau, dao động từ 2.900 - 5.000 đồng/kg.

Theo các tiểu thương, những quả dưa hấu này được thu mua từ rẫy của bà con nông dân Gia Lai và sau đó vận chuyển xuống các địa điểm của Khánh Hòa để cung cấp cho người dân trên địa bàn.

Táo mật Nhật, dứa mini Thái giá vẫn hút khách

Gần đây, các cửa hàng trái cây nhập khẩu ở Hà Nội rao bán táo mật đỏ Nhật Bản với giá 1,5 triệu đồng/kg gây chú ý, bởi chúng đắt gấp 5-7 lần các loại táo nhập khẩu từ thị trường Úc, Mỹ, New Zealand thường thấy trên thị trường.

Táo mật Nhật Bản

Tuy nhiên, chúng được "săn lùng" vì hương vị khác biệt. Điểm đặc biệt là phía lớp trong cùng của thịt táo là lớp mật trong màu mật ong, có mùi thơm dễ chịu.

Trong khi đó, dứa mini Thái kích thước nhỏ hơn dứa Việt khoảng 4 - 5 lần nhưng có giá cao gấp 4 - 5 lần cũng đang gây sốt. Nếu khách mua cả vỏ là 100.000 – 110.000 đồng/kg, gọt sẵn là 140.000 - 160.000 đồng/kg.

Ế ẩm, người nuôi gà tiến vua, cá quý tộc "kêu cứu"

Giống gà ác từng là đặc sản được ưa chuộng, nhưng do việc nhân nuôi, tăng đàn ồ ạt, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gần đây, người nuôi giống gà ác lâm cảnh ế ẩm. Có chủ trại phải lên mạng xã hội kêu gọi cộng đồng mua "giải cứu" với giá rẻ, chỉ 27.000 đồng/con, trọng lượng trên dưới 0,3kg/con; gà từ 6 lạng đến 2kg giá từ 85.000 - 90.000 đồng/kg.

Không chỉ phải hạ giá gà, chủ nuôi còn phải làm sẵn, "ship" phục vụ khách tận nhà.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch lên Sa Pa sụt giảm mạnh, hoạt động của các nhà hàng, khách sạn khó khăn khiến các trang trại nuôi cá hồi Sa Pa cũng lâm cảnh lao đao bởi không có nơi tiêu thụ.

Người nuôi cho biết với giá cá hồi hiện là 170.000 đồng/kg, nếu xuất bán thì chưa đủ thu hồi được tiền thức ăn, nhưng càng giữ lại thì càng lỗ.

Đầu và xương cá hồi giá cao vẫn 'đắt như tôm tươi'

Dù không phải lần đầu xuất hiện trên thị trường, đầu và xương cá hồi được nhập khẩu từ Nauy vẫn gây “sốt”.

Đầu và xương cá hồi.

Một người bán cá hồi ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết đầu và xương cá hồi được nhiều chị em lùng mua, đặc biệt là những người đang có thai hay có con nhỏ. Có những ngày chị bán được cả trăm bộ xương cá và hàng chục đầu cá hồi. Giá mỗi chiếc đầu cá hồi là 60.000 đồng, còn xương cá hồi bán theo bộ có giá 50.000 đồng.

Không chỉ mua đầu và xương cá hồi, người bán này còn cho biết nhiều chị em còn đặt mua thịt vụn cá hồi với giá rẻ, chỉ khoảng 135.000-150.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm.

Hoa loa kèn đầu mùa giá rẻ bất ngờ vẫn chịu cảnh ế ẩm

Do ảnh hưởng của Covid-19, người dân hạn chế ra đường nên hoa loa kèn - loài hoa được coi là biểu tượng của tháng 3 Hà Nội - cũng chịu cảnh ế ẩm. Dù mới đầu mùa nhưng loài hoa này phải “xuống phố” với giá rẻ bất ngờ.

Hoa loa kèn đầu mùa

Hiện hoa loa kèn có giá khoảng 20.000 – 30.000 đồng/bó 10 bông lẻ. Mức giá này giảm khoảng 50% so với cùng thời điểm đầu vụ năm ngoái.

50.000 tấn thịt lợn đổ về, giá thịt lợn sẽ rẻ

Một tập đoàn của Nga chuyên sản xuất thịt lợn dự kiến xuất sang Việt Nam khoảng 50.000 tấn thịt lợn trong năm nay. Bộ NN-PTNT cũng tiếp tục làm việc với doanh nghiệp khác của Nga để sớm đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng này.

Tính đến ngày 15/3, Việt Nam đã nhập khẩu gần 25.300 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019.

Việc đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng thịt lợn được xem là giải pháp để giảm áp lực nguồn cung trong nước, đồng thời giúp mặt hàng này dần hạ nhiệt khi đã neo giá cao trong một thời gian quá dài.

Hiện giá thịt lợn từ chuồng đến chợ neo ở mức quá cao, doanh nghiệp chăn nuôi thu lãi tới 2-3 triệu đồng/tạ lợn khi xuất chuồng.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/an-ca-xau-xi-muc-khung-trang-mieng-che-heo-tam-tien-626016.html