Cá voi lưng gù bơi xa chưa từng có để tìm bạn tình
Cá voi lưng gù được cho là đã bơi 13.000 km từ Nam Mỹ đến châu Phi để tìm đời - quãng đường dài nhất từng ghi nhận - theo The New York Times.
Bài nghiên cứu đăng tải ngày 11/12 trên tạp chí Hiệp hội Khoa học Mở Hoàng gia hé lộ chặng đường 13.000 km của con cá voi lưng gù đực trưởng thành từ nơi sinh sản ở Colombia, Nam Mỹ, đến hòn đảo Zanzibar, châu Phi, từ năm 2013-2022.
Cuộc phiêu lưu bất thường là khoảng cách dài nhất từng được ghi nhận của loài cá này.
Theo tác giả, các yếu tố giao phối và môi trường có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến chuyến đi dài của cá voi.
Các nhà khoa học đã xem xét các bức ảnh trên Happy Whale, một nền tảng trực tuyến thu thập hình ảnh về cá voi hoặc đuôi từ các nhà khoa học và thành viên từ khắp nơi trên thế giới.
Trang web này sử dụng các thuật toán khớp ảnh được trí tuệ nhân tạo hỗ trợ, giúp tự động xác định hình ảnh cá voi trong các bức ảnh đã gửi.
Cá voi lưng gù sống ở các đại dương trên khắp thế giới và được biết đến là loài có cuộc di cư dài nhất so với bất kỳ loài động vật có vú nào. Không những thế, hành trình của loài cá voi này rất đặc biệt do sự di chuyển của chúng giữa hai nơi sinh sản.
Chúng thường quay trở lại các địa điểm sinh sản cụ thể mỗi năm vì mỗi quần thể có xu hướng khác biệt về mặt địa lý.
Chẳng hạn, một trong những quần thể cá voi lưng gù ở Bắc Thái Bình Dương di cư để kiếm ăn ở vùng biển xung quanh Alaska vào mùa hè và dành mùa đông ở vùng biển xung quanh quần đảo Hawaii để sinh sản, nuôi dưỡng con con. Trong khi đó, hai quần thể ở Bắc Đại Tây Dương kiếm ăn suốt chặng đường từ vịnh Maine đến Na Uy và di cư đến vùng biển của Tây Ấn và Cape Verde ngoài khơi bờ biển Châu Phi vào mùa đông.
Tuy nhiên, con cá voi được phát hiện đã di cư giữa hai nguồn sinh sản riêng biệt ở các đại dương khác nhau.
Theo Ted Cheeseman, đồng tác giả nghiên cứu, cá voi lưng gù có khả năng điều hướng với độ chính xác đáng kể. Bên cạnh đó, loài cá voi này không phải là con non, nên không có trường hợp con vật sẽ mạo hiểm ra khỏi khu vực sinh sản của mình vì mất phương hướng.
"Thay vào đó, các yếu tố xã hội hoặc môi trường có thể đã thúc đẩy sự di cư này", Cheeseman nói.
Cũng theo vị tác giả, con cá voi có thể đã cạnh tranh với những con đực khác để giành bạn tình ở Colombia và có thể nó đã đi du lịch để tìm kiếm môi trường có đồng loại ít hung dữ hơn. Ông cũng gợi ý rằng sự khan hiếm lương thực trong khu vực có thể đóng một vai trò trong cuộc di cư bất thường này.
Mỗi con cá voi đều có một mã định danh duy nhất ở mặt dưới đuôi để giúp các nhà khoa học theo dõi.
Cheeseman cho biết khi lặn, cá voi nhấc đuôi lên và bất kỳ ai chụp ảnh đuôi của chúng đều có thể ghi lại danh tính của con vật. Mặc dù kỹ thuật nhận dạng này đã được sử dụng từ những năm 1970, nền tảng Happy Whale cho phép các nhà nghiên cứu và công dân đóng góp vào danh mục cá voi toàn cầu, mở đường cho sự hợp tác quốc tế.