Ca từ phản cảm hay chuyện 'vứt rác' vào âm nhạc

Đời sống âm nhạc đang chứng kiến một sự hỗn loạn trong sáng tác ca khúc. Nhiều người sáng tác trẻ, bắt đầu con đường với âm nhạc, muốn gây sự chú ý với khán giả, đã tìm nhiều chiêu để tăng lượt view trên mạng xã hội, thông qua những tác phẩm được viết với nội dung đánh vào thị hiếu tò mò của người nghe. Chiêu gây sốc đó bắt đầu từ những cái tên ca khúc…

Những bài hát làm người nghe đỏ mặt

Những ca khúc tiêu biểu dẫn chứng cho câu chuyện này phải kể đến “Như cái lò” hay “Như lời đồn” của ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Khắc Hưng, một gương mặt được giới trẻ khá yêu thích qua một số bản hit trên thị trường. Chỉ sau 2 ngày phát hành, MV “Như cái lò” cán mốc 500.000 lượt like. Tuy nhiên lượt dislike (ghét bỏ) thì gấp đôi con số like.

Một hình ảnh trong MV "Như cái lò" gây nhiều ý kiến trái chiều về chuyện đặt tên ca khúc.

Những bình luận phía dưới thôi thì hỗn loạn, kẻ khen nắc nỏm, người chê bai, chửi bới, phê bình. Người nghe nhạc sơ sài, qua loa, nghe cái tựa ca khúc có thể sẽ quan tâm, tò mò, không biết người sáng tác định viết gì trong đó.

Nhưng với những người nghe nhạc thực sự, dám chắc chỉ lướt cái tựa ca khúc đã phải nhăn trán, chun mũi vì sự phản cảm. Người ta dễ dàng hiểu rằng tên bài hát như vậy là mang những ngụ ý không hay, tác giả đã chơi chữ hay sử dụng tiếng lóng để hàm ý một nội dung tục tĩu mà cư dân mạng thường sử dụng.

Dạo một vòng trên các trang nhạc trực tuyến, độc giả có thể gặp vô số cái tên ca khúc, đọc qua đã muốn “ói”, ví dụ như “Oh my chuối”, “Khẽ thôi cưng à”, “Thu dẩm”, “Nắng cực”…Không chỉ tên ca khúc, mà nội dung chuyển tải chứa những ca từ thật sự đỏ mặt. Nhiều ca khúc thể hiện ẩn ý hướng về chuyện tình dục khá rõ ràng.

Một vị phụ huynh viết trên một diễn đàn mở: “ Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi vô tình nghe, xem một ca khúc có những câu hát như thế này: Cô ta hay gào thét/Khi thấy yếu đuối hay mỏng manh trước những nét mà tôi hay phô ra/ Mồ hôi rơi ướt bờ vai/ Đêm đến cô ta mới là chính mình/ Cô ta bị Dẩm và tên Thu/ Bị Dẩm và tên Thu…?

Nhân danh một người đã làm cha mẹ, có con đang tuổi trưởng thành, tôi thấy sợ hãi, lo âu vô cùng. Bọn trẻ của chúng ta dù muốn hay không, thì chúng vẫn lên mạng mỗi ngày. Chúng tìm kiếm thông tin, học tập, giải trí một phần trên mạng, đấy là xu hướng tất yếu, bạn không thể cấm chúng được. Và âm nhạc, thời trẻ của ai cũng vậy thôi, là một phần tất yếu của cuộc sống.

Ngày hôm nay, không mấy đứa về nhà tìm đĩa nhạc nghe trên đầu đĩa. Chúng nghe trực tuyến phần nhiều, vì chúng di chuyển suốt ngày và trên tay có phương tiện điện thoại thông minh, ipad. Nếu những bài hát có ca từ phản cảm như vậy liên tục được cập nhật trên các trang trực tuyến, có hàng ngàn, thậm chí hàng triệu view, trở thành hit nọ, hit kia, thì quả là con em chúng ta đang bị đầu độc. Những ca khúc như vậy không giúp gì cho tai nghe của bất kỳ người nghe nào.

Nếu người lớn tuổi, đủ hiểu biết để lựa chọn không nghe, bỏ qua, thì những đứa trẻ đang tuổi lớn chưa thể làm được điều đó. Chúng đang tuổi tò mò, dễ a dua theo đám đông trên mạng. Những bài hát chứa đầy rác như vậy quá nguy hại với thế hệ trẻ”

Ai kiểm soát những ca khúc có ngôn từ phản cảm?

Nữ ca sĩ Sĩ Thanh với ca khúc "Oh my chuối" có ngôn từ phản cảm bị cộng đồng mạng chỉ trích.

Tình trạng đặt tên ca khúc bằng những từ ngữ lấp lửng, hàm ý tục tĩu, nói lóng, dựa theo các trào lưu nói lái trên mạng ngày càng tràn lan, rất khó kiểm soát.

Hình thức nghe trực tuyến đang mở ra nhiều cánh cửa cho âm nhạc, tạo ra một thị trường sôi động để các nhạc sĩ tha hồ sáng tạo. Nhưng nó cũng đặt ra một vấn đề liên quan đến công tác quản lý, chọn lọc các sản phẩm văn hóa trước khi nó được “quăng” vào đời sống, đến với công chúng.

Hiện tại, âm nhạc trên mạng như một cái chợ tự do, ai muốn sáng tác và sáng tác gì cũng được, viết như thế nào thoải mái tự nhiên, nội dung thả nổi không cần biết hay dở, đúng sai. Những người viết theo cách câu view, câu like này phần lớn là những người còn trẻ tuổi, đang tìm kiếm danh tiếng trong âm nhạc.

Vài người đã ít nhiều nổi tiếng rồi, có uy tín và được công chúng yêu thích vì một vài sáng tác hay trước đó vẫn không tránh được sự áp lực câu like, câu view bằng những ca khúc phản cảm, từ cách đặt tên ca khúc lẫn ngôn từ trong bài hát.

Tệ hơn, ở một số ca khúc, để tránh những từ phản cảm lộ liễu, người viết “cài” thêm từ tiếng Anh vào, khiến cho bài hát nửa Tây nửa ta, nhưng sâu xa, người nghe vẫn nhận ra ý nghĩa thô tục của câu hát, bài hát.

Một trong những bài hát với tựa đề gây tranh cãi thời gian trước đây.

Một trong những nguyên nhân khiến cho những ca khúc này thả nổi, không chịu sự kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý văn hóa, là các nhạc sĩ tự sáng tác, tự làm MV, tự đưa lên youtube câu like, câu view và hưởng lợi từ đó. Trên thế giới mạng, mọi người đều có thể làm những việc mình thích, không phải chịu kiểm duyệt như các sản phẩm văn hóa chính thống.

Một bộ phim điện ảnh muốn ra rạp, đến với công chúng phải chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ. Chỉ một vài hình ảnh bị lộ hàng là có thể bị cắt thẳng tay. Những tiêu đề phim có thể gây hiểu lầm cũng phải chịu đổi tên trước khi ra rạp. Một cuốn sách trước khi được xuất bản cũng phải qua ba bảy cửa ải cắt xén, biên tập nội dung kỹ càng mới được vào nhà in.

Trong sáng tác ca khúc, những nhạc sĩ tên tuổi, làm nghề nghiêm túc, thường khi viết xong bài hát họ sẽ đi đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ và chịu sự kiểm duyệt của cơ quan này cho đến khi được chứng nhận sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay trong các nhạc sĩ trẻ là chưa vội đăng ký bản quyền tác giả.

Với các ca khúc cố tình viết theo kiểu nói lái, nội dung phản cảm nhằm đánh vào tâm lý hiếu kỳ của đám đông, thì tác giả càng không nghĩ đến việc đăng ký bản quyền cho ca khúc. Họ có thể coi đó như một bài hát nhất thời, miễn làm sao gây được sự chú ý càng nhiều càng tốt để tăng độ hot cho tên tuổi của mình.

Có tác giả thừa biết, những ca khúc như vậy không thể tồn tại lâu theo thời gian, mà sẽ bị thải loại dần khi sự quan tâm của những người tò mò hạ nhiệt, nhưng họ vẫn tung ra thị trường, vì cái lợi họ muốn trước mắt. Vì những ý muốn chủ quan như vậy và những cách làm nghề như vậy đã khiến cho “chợ ca khúc” trên mạng thượng vàng hạ cám lẫn lộn, cái hay cái dở chen chúc không biết đâu mà lần.

Một số nhạc sĩ tên tuổi đã lên tiếng phản đối những ca khúc phản cảm làm ô nhiễm đời sống âm nhạc. Họ đề nghị các nhà quản lý văn hóa phải vào cuộc, theo đó, mọi ca khúc lưu hành theo bất kỳ hình thức nào cũng phải đăng ký bản quyền trước đó và chịu sự kiểm duyệt nội dung của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, nhằm hạn chế rác rưởi được quăng vô tội vạ vào âm nhạc.

Hiện nay, khi công chúng muốn phản ánh về một ca khúc phản cảm, gây ô nhiễm bởi ca từ dung tục thì không biết phản ảnh tới cơ quan nào, và ai sẽ xử lý tình trạng này. Dường như các cơ quan chức năng cũng đang quá thờ ơ, thả nổi cho những ca khúc có tựa đề và nội dung tục tĩu được thoải mái phát tán trên các trang trực tuyến, âm thầm ảnh hưởng tiêu cực tới tai nghe và gu âm nhạc của nhiều người, nhất là khán giả trẻ tuổi.

Nếu không có một nhận thức đúng về sự nguy hại của những ca khúc phản cảm, tục tĩu đang phát triển ngày một nhiều trên mạng hiện nay, chúng ta có thể sẽ phải trả giá trong tương lai. Những người nhân danh nhạc sĩ, ca sĩ thiếu hiểu biết hoặc vì hám danh lợi cá nhân sẽ tiếp tục quăng rác vào đời sống âm nhạc, đầu độc thẩm mỹ nghệ thuật của giới trẻ. Thay vì có những thế hệ người nghe có khả năng thẩm thấu những giá trị âm nhạc tốt, chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến nhiều người nghe trẻ tuổi chỉ biết tìm kiếm, tò mò theo những thứ dung tục, phản cảm, vô cùng nguy hại.

Thảo Vân

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/ca-tu-phan-cam-hay-chuyen-vut-rac-vao-am-nhac-522573/