Ca trù ai hát, ai nghe...

Sự kiện hai địa phương được coi là trung tâm lớn của ca trù là Vĩnh Phúc và Nam Định vắng mặt tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 khiến nhiều người không khỏi có những băn khoăn, tâm tư về bộ môn nghệ thuật đang nằm trong 'sách đỏ của UNESCO' này.

Con số thì rất lạc quan...

Từ năm 2005, ngày 23/11 hằng năm được công nhận là ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Và cứ như một thông lệ, càng đến gần ngày này, người ta càng có cớ để bàn đi bàn lại các vấn đề hầu như... năm nào cũng bàn.

Đã 9 năm kể từ khi bộ môn nghệ thuật Ca trù được UNESCO chính thức ghi nhận là Di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp. Năm nay, Liên hoan ca trù toàn quốc 2018 có sự tham gia của các đơn vị, câu lạc bộ ca trù của 13 tỉnh thành có di sản này gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và TP. Hồ Chí Minh. Tổng cộng có 88 tiết mục được diễn tấu tại Liên hoan.

Liên hoan lần này là cơ hội tổng kết và đánh giá lại toàn bộ thành quả phục hưng Ca trù và báo cáo thực trạng sống của Ca trù hiện nay trong đời sống xã hội đương đại. Qua đó khẳng định việc Việt Nam đã thực hiện đầy đủ và đạt được những kết quả thiết thực trong hành động quốc gia theo như đã cam kết với UNESCO về sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa Ca trù. Kết quả của Liên hoan cũng sẽ là một trong những cơ sở dữ liệu để tiến tới thực hiện hồ sơ xin chuyển di sản Hát Ca trù từ Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Liên hoan Ca trù năm nay, nếu nhìn từ các con số thì tạm thời có thể lạc quan về việc đưa Ca trù ra khỏi “danh sách khẩn cấp”. Năm nay có 200 nghệ nhân, nghệ sĩ, độ tuổi trải dài từ 9 tuổi tới 90 tuổi. Số lượng tham gia khá đông đảo phần nào cho thấy thái độ tích cực của các tỉnh, thành phố trong gìn giữ và bảo tồn ca trù theo đúng như cam kết của các cộng đồng trong hồ sơ quốc gia.

Trên thực tế, từ sau khi Ca trù được UNESCO chú ý, việc bảo vệ di sản Ca trù đã có nhiều dấu hiệu tốt. Hầu như các địa phương có Ca trù đều có các chương trình, đề án đối với bộ môn nghệ thuật này.

Hải Dương là một điển hình làm tốt công tác này. Tỉnh này đã thực hiện kiểm kê và hệ thống hóa các tư liệu Ca trù ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh; Phân loại, hệ thống hóa các tư liệu, hiện vật liên quan tới ca trù, cập nhật tư liệu ca trù vào Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa của Sở VHTTDL tỉnh. Từ 2010, Trung tâm Văn hóa tỉnh Hải Dương mỗi năm mở 1 lớp tập huấn nâng cao thể cách hát ca trù cho các học viên của các câu lạc bộ ca trù trong tỉnh, trong thời gian 2 tháng vào các ngày cuối tuần, với số lượng trung bình khoảng 30 học viên. Ngoài các giảng viên là nghệ nhân của tỉnh, các lớp còn mời cả nghệ nhân từ Hà Nội về để truyền dạy.

Di sản Ca trù đang đối mặt với nhiều khó khăn trong đời sống. Ảnh: Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Di sản Ca trù đang đối mặt với nhiều khó khăn trong đời sống. Ảnh: Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Thực tế còn nhiều lo ngại

Con số thì như vậy, nhưng thực tế lại là chuyện khác. Chính ở Liên hoan Ca trù toàn quốc 2018, nhiều ý kiến của chuyên gia văn hóa dân gian bày tỏ lo ngại về di sản Ca trù. Ban tổ chức Liên hoan đã gửi thông báo, hướng dẫn tham dự về tất cả các địa phương có sở hữu di sản. Thậm chí còn... gia hạn thời gian đăng ký so với dự kiến ban đầu. Thế nhưng, đến phút chót, tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định có văn bản trả lời không thể tham gia Liên hoan và không nêu rõ lý do.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan – Trưởng ban tổ chức Liên hoan Ca trù toàn quốc 2018 thẳng thắn nói: “Vĩnh Phúc và Nam Định không cử các câu lạc bộ tham gia Liên hoan là một điều rất đáng buồn. Hai địa phương này cùng với 13 tỉnh, TP. khác cùng có trách nhiệm tham gia chương trình hành động quốc gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca trù. Do đó, tham gia Liên hoan không thể là việc thích thì làm, không thích thì thôi”.

Nói về công tác kiểm kê, có lần, bà Bùi Thị Phấn, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên cho biết: “Cả Sở VHTT&DL Hưng Yên không có ai là nhạc sĩ hay được đào tạo cơ bản về âm nhạc. Khó có thể kiểm kê, điều tra chính xác được khi mà cán bộ điều tra trực tiếp hầu hết chỉ học về quản lý văn hóa, không am hiểu âm nhạc. Từng có trường hợp nghệ nhân hát văn mà cán bộ kiểm kê vẫn tưởng đó là ca trù”. Hoặc ở Quảng Bình, một cán bộ địa phương đã nhầm lẫn hát sắc bùa thành hát ca trù. Thực tế này để chứng tỏ con số hàng trăm CLB ca trù, giáo phường, thành viên thực hành ca trù ở các tỉnh, thành chưa hẳn là con số thực.

Tại Liên hoan Ca trù toàn quốc 2018, đông đảo nghệ nhân tham gia là vậy, nhưng tình trạng chắp vá vẫn diễn ra. Nhiều chương trình dự thi của nhiều tỉnh, thành quá ngắn ngủi và chưa liền mạch, chưa có tính hệ thống chỉnh thể của một chương trình diễn xướng quy củ. Nhiều đoàn không đủ người, phải dùng đến cả diễn viên nữ để đóng vai Quan viên (trong khi theo thông lệ thì Quan viên phải là đàn ông).

Thậm chí, quan điểm về ứng xử với di sản Ca trù vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhiều luồng tư tưởng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung: Có ý kiến chỉ cần làm cho tốt việc kiểm kê, lên danh mục, chăm sóc đội ngũ kế cận theo hướng bảo tồn là đủ. Ý kiến khác thì cho rằng bảo tồn cần phải đi với phát huy, Ca trù cần phải vừa bảo tồn, vừa phát triển, phải có không gian diễn xướng, v.v...

Nghệ nhân ưu tú, đào nương Phạm Thị Huệ - Giám đốc CLB ca trù Thăng Long chia sẻ rằng: “Hầu hết các CLB và người học đang ngắc ngoải theo nghề. Khán giả, không gian biểu diễn, kinh phí hoạt động, cả 3 yếu tố này gần như là con số không tròn trĩnh. Khi có hoạt động thu tiền xem biểu diễn, người ta nghĩ đây là hoạt động kinh doanh. Kinh doanh thì phải tính đến lợi nhuận. Nhưng ca trù thì ngược lại, tiền thu được từ biểu diễn chỉ đủ cho các em mua xăng xe. Kinh phí của các CLB cạn kiệt rồi, nguồn hỗ trợ cũng chưa có”.

Nhiều tài năng Ca trù không sống được với Ca trù đã phải bỏ nghề. Đơn cử như trường hợp Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh, nguyên Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vốn vẫn luôn được giới Ca trù ghi nhận là Đào nương có giọng hát lạ, rất tâm huyết với Ca trù nhưng hiện cũng đã bỏ nghề đi xuất khẩu lao động.

Hoàng Lan

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/van-hoa/nghe-thuat-sang-tac/ca-tru-ai-hat-ai-nghe-48859