Cá trắng 'mắng yêu' rau vườn

Tụi cá trắng cũng thuộc hạng cá mè một lứa với đám lòng tong đá, trước còn hẩm hiu hơn cơm nguội nay đã lên hàng cơm chiên theo mùa. Hút hàng dễ sợ!

Một anh bạn chủ quán ăn ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, còn dày công nuôi “mối lưới cá trắng” ở tận thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, cách đó khoảng 15km. Đang mùa rộ, mỗi sáng anh thu vô từ: 2.5 - 3kg cá, bán “sạch bách” trong ngày.

Tìm vui, hóa buồn

Mùa sa mưa miệt Tây Nam bộ cũng là mùa sinh sản của dòng giống thủy tộc, từ nước ngọt đến lợ - mặn. Mưa trút càng tối trời tối đất thì cá lớn, tép nhỏ càng hí hửng phóng ngược nước lên ruộng, ra bưng tìm nơi thích hợp để quật mình đẻ trứng hoặc lượn lờ “tình tự”. Tất nhiên, tùy vào sức vóc và thế mạnh riêng mà chúng có cách tung mình khác nhau, nối đuôi đi tìm vùng nước mới.

Hòa điệu tuyệt vời! Ảnh: Tạ Tri

Hòa điệu tuyệt vời! Ảnh: Tạ Tri

Nào ngờ, niềm vui chẳng tày nửa gang. Trước đó, bao ngư cụ lợi hại của dân bản địa đã được bố trí dày đặc khắp các đường nước, chúng có thể vọt qua. Bắt cá đi nước ngược, hiệu quả nhất là giăng lưới bén.

Riêng đám lòng tong, cá trắng sức vóc mảnh mai, độ lớn trung bình cỡ đầu đũa phải đợi mưa gần tạnh chúng mới bám đuôi nhau vượt nước (khác với nhóm cá vẩy trắng, thường lớn con hơn, như: cá he, cá dảnh, cá mè dinh...). Tụi này, tui nhỏ con nhưng thích phô trương, thường kéo theo bầy vài ba chục con và ưa uốn éo trên tầng nổi (cách mặt nước không quá 10cm). Do vậy, rất dễ bị mai phục.

Vẫn là lưới bén, mặt lưới cỡ đầu đũa, bủa ngang hoặc giăng xéo tùy theo địa hình - hao sả phải biết. Cỡ 10 -15 phút là kéo lưới lên, giũ - gỡ cá. “Nếu không, cá mau ươn, chỉ có nước rải cho gà/vịt ăn chứ bán chát gì được nữa.”, chị Đoàn Thị Thủy, mối cá trắng của anh bạn cho biết.

Riêng công đoạn giũ - gỡ cá, tốn thời gian gấp ba - bốn lần lúc bủa lưới. Phần do cá quá nhỏ, phần vì người gỡ phải nhẹ tay, nhằm tránh cho cá bị bể bụng hoặc tróc nhiều vẩy mới bán được giá.

Mất khoảng 3 tiếng bủa - gỡ cá với một tiếng mang giao, sáng đó vợ chồng chị Thủy bỏ túi được 270.000 đồng. “Cũng may, gặp ông chủ quán này biết điều. Tui hỏi xin thêm 10.000 đồng/kg là ổng cho liền. Giờ nhiều người giăng lưới cá này lắm. Muốn trúng, phải dậy sớm và “ruồng” (săn lùng) xa hơn”, chị phân trần.

Tương hợp êm thắm, bầy cá ruộng với mớ rau vườn. Ảnh: Tạ Tri

Thì ra, trái đắng của người giăng cá đang lớn dần và không dễ nuốt như những túi mật tí tẹo, cỡ hột tấm mẳn nơi bụng con cá trắng ôm bầu.

“Ru lại câu hò”!

Còn cái anh chủ quán vừa kể cũng có nhiều… thí dụ (thú vị). Trước cổng quán, anh ghi mấy dòng chữ đại ý mời quý bà con du khách lỡ đường ghé vào dùng nhà vệ sinh miễn phí.

Hay cần rao bán một con cá ngon, hoặc mớ rau bưng non mướt, anh liền làm thơ. Chẳng hạn, trong thời gian chờ bạn bầu từ TP.HCM, “thót” lên xe bốn bánh thẳng tiến Mỹ Tho lai rai, lỡ bị kẹt xe, anh lại chọc ghẹo “nàng” thơ:

“…Quê nghèo sớm nắng, chiều mưa

Bờ ao, góc ruộng...chân vừa mới xa

Chân trời góc biển ta qua

Niềm thương, nỗi nhớ quê nhà vẹn nguyên..."

(Quê ơi ta đã mất mình!NQV).

Tự tình sâu lắng về một ơ cá hủn hỉnh (nhiều loại cá nhỏ: bãi trầu, trắng, lòng tong, tép rong…) kho lạt đương sụt sùi sôi, dâng tràn mùi nước mắm cá đồng bằng mấy câu thơ dạt dào cảm xúc đến vậy, thử hỏi lòng dạ khách tha hương nào chịu thấu?!

Và lần này, anh lại đãi nồi cá trắng kho/um lạt với nhúm tóp mỡ cùng một dĩa rau vườn vun ngọn.

Anh bày, cuốn mỗi thứ một chút vào lòng chiếc bánh tráng rồi chấm ngập vô chén nước mắm chua ngọt sẽ nghe thấm đẫm tình quê hơn. Đó là kiểu ăn tương hợp. Nó không chỉ giúp người ăn cảm nhận trọn vẹn sự thăng hoa của vật thực mà còn gợi nhớ sợi chỉ đỏ thật đẹp về tình làng nghĩa xóm - “tối lửa tắt đèn có nhau” - ở xứ Nam bộ xưa.

Không hề lỗi thời, món thơm theo mùa. Ảnh: Tạ Tri

Nhưng nay, dường như sợi chỉ ấy đã khá lu mờ, trước mốt xây biệt thự kiểu Thái chốn làng quê Tiền Giang rồi. Tay chậm cuốn, mà nghe ngậm ngùi!

Cuối cùng, tôi quyết bỏ dở gói cuốn hững hờ kia, chuyển sang chiến thuật mới: ăn như chim bói cá.

Cứ một nhát đũa, cặp nách ngay con lòng tong chửa căng tròn bụng trứng cho vào miệng. Nhai nhẩn nha. Nhát liền kề là, lát chuối chát tươi nguyên nhựa sống và ngon ngót (ngòn ngọt) chất tinh bột. Nhát nữa, hít luôn một khoanh ngôi sao khế hườm, tứa đầy nước chua kích thích suối dịch vị tuôn trào…

Quả thật, chân vị cá trứng ngọt thơm da diết mà lâu ớn ngán, nhờ túi mật tí tẹo nhân nhẫn đắng và thanh tao hậu vị. Nối gót là, dãy hợp ca tư vị rau vườn tràn đầy nhựa sống vừa kể.

Ăn kiểu lười biếng như vậy, vẫn có cái thống khoái riêng của nó. Với lại, mình có thể chủ động gắn kết nhịp điệu “rau cỏ”... bồng bềnh theo ý thích. Kiểu như, cố nhân đi chân trần, đầu trần chầm chậm bước trên nền nhà cũ, mắt chớp lia mỗi khi cảm nhận sâu đậm bao mùi vị, cảm xúc thân quen ùa về.

Ơ cá đồng kho nồi đất - chất ngất hồn quê!

Cũng như, nhiều món ngon bình dị thường cựa quậy trong ký ức người viết. Từ đó, sợi nhớ cứ vươn dài, mơn mởn hơn cả đọt rau muống đồng mùa lũ. Con cá - đọt rau - chái bếp ngai ngái khói lam chiều, tíu tít cả nhà cùng quây quần bên cái nồi đất mẻ miệng cũ kỹ. Thêm gợi nhớ bao bước chân hăm hở, tiếng tằng hắng, tiếng hú gọi thân quen của: ba, chú Sáu, anh Hai cùng lao ra đồng đón bắt cá lên, nhân mùa sa mưa.

Hay như, mùi nồng thơm của mấy muỗng nước mắm cá đồng đương cháy khét, cố đeo bám vào vành miệng nồi đất lại gợi nhớ bao thức ngon lành, thân quen - "xúm xít" cùng nhau. Tỷ như, nồi cơm trắng gạo Nàng Hương, quởn đãi "nhả" khói thơm thanh thoát. Rổ đọt rau vườn mát mắt: đọt keo (bình linh), rau má sẻ, cải lủi, nhúm đọt me còn ngái ngủ - phớt xanh màu lá mạ vừa mới hái.

Cặp lại! Cho, con cá trắng kho lạt với sả ớt bằm nương náu cùng rổ rau vườn giòn mát, nhân nhẫn chát - đắng mà hao cơm, tốn cá “hết biết luôn”!

Và bờ ao, góc rẫy vun đắp nên dĩa rau hấp dẫn ăn kèm

Cho nên, bài học mùa nào thức nấy của ông bà ta và lời thủ thỉ của cố nhạc sĩ Bắc Sơn: “còn thương tấc đất ngọn rau” vẫn không hề lỗi thời.

Xin cảm ơn! ơ cá trắng “hà tiện” của ông anh tốt bụng, trong ngày gió mưa ầm ào.

Bài và ảnh: Tạ Tri

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ca-trang-mang-yeu-rau-vuon-18968.html