Cả trăm m3 gỗ Vườn Quốc gia bị đốn trái phép

Vụ khai thác trái phép tại Vườn Quốc gia không chỉ là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến khu bảo tồn sinh thái, mà còn ảnh hưởng quyết tâm ngăn chặn nạn lâm tặc của nước ta.

Khai thác gỗ trái phép tại Vườn Quốc gia

Đầu tháng 3/2019, lực lượng chức năng của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng kiểm tra hiện trạng rừng thì phát hiện tại tiểu khu 649 và 650 thuộc xã Thượng Trạch có 66 cây gỗ các loại bị đốn hạ bằng máy cưa xăng, với tổng khối lượng khoảng 70m3. Trong đó có 45 cây gỗ mun thuộc nhóm quý hiếm IIA.

Khu vực bị khai thác trái phép chủ yếu nằm dọc theo tuyến đường ra biên giới đang được đầu tư xây dựng và thuộc khu vực biên giới do Đồn biên phòng Cồn Roàng quản lý. Tại hiện trường lúc ấy có hàng chục cây gỗ quý hiếm đã bị triệt hạ như: mun, táu, tràm, trường sâng, nang, bài lài, nhộng, bộp, trên mặt đất ngổn ngang rất nhiều phần gỗ, tuy nhiên gỗ lõi đã được mang đi khỏi nơi các cây quý bị cưa hạ.

Tuy nhiên, đoàn liên ngành do tỉnh Quảng Bình thành lập dưới sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang, qua kiểm tra đã xác định khối lượng gỗ bị khai thác trái phép được xác định là hơn 100m3, chứ không phải khoảng 70m3 khối như báo cáo ban đầu. Theo Đại tá Đặng Văn Hoành, Trưởng Công an huyện Bố Trạch, vụ phá rừng tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vừa qua là đặc biệt nghiêm trọng.

Gỗ quý bị khai thác phần lõi còn lại phần bìa vỏ tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Gỗ quý bị khai thác phần lõi còn lại phần bìa vỏ tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Từ kết quả kiểm tra trên, Chi cục Kiểm lâm đã có kiến nghị UBND tỉnh xử lý nghiêm về trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan quản lý và bảo vệ rừng như: Vườn Quốc gia, lực lượng Bộ đội Biên phòng, chính quyền xã Thượng Trạch,…

Vào ngày 24/4 vừa qua, Công an huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết đã ra quyết định khởi tố hình sự 7 bị can trong vụ phá rừng gồm: Mai Văn Dinh (sinh năm 1970), Lê Văn Trung (sinh năm 1980), Trần Văn Viên (sinh năm 1967), Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1985), Trần Văn Hoan (sinh năm 1988), Mai Kiên Cường (sinh năm 1981) và Mai Văn Bình (sinh năm 1977), đều trú tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, quy định tại khoản 3, Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các quyết định khởi tố bị can đã được Viện Kiểm sát Nhân Dân cùng cấp phê chuẩn. Đồng thời kiến nghị giao cho phía Công an điều tra làm rõ để bảo đảm tính khách quan, minh bạch hơn.

Nạn phá rừng đáng báo động

Không riêng gì vụ việc chặt phá rừng trái phép tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trước đó cũng đã có nhiều vụ khai thác trái phép gỗ quý đã được báo chí đưa tin, khiến nạn lâm tặc chưa bao giờ trở nên nguy hiểm đến thế. Người ta bắt đầu lên án sự yếu kém trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Bên cạnh việc khai thac gỗ quý làm tổn thất nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, thì hành vi chặt phá rừng tràn lan trái phép cũng bị truyền thông lên án mạnh mẽ. Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), chỉ trong hơn 5 năm từ 2012 - 2017, diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá là 155,68 ha, và 5.364,85 ha diện tích rừng bị cháy. Hiện nay, độ che phủ rừng ở nước ta còn chưa đến 40%, và diện tích rừng nguyên sinh còn khoảng 10%.

Khối lượng gỗ bị khai thác trái phép được xác định là hơn 100m3

Rừng không còn nhiều, gỗ quý thì khan hiếm, khiến môi trường sinh thái của nước ta đang đứng trước nguy cơ báo động. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn nghèo đói, thiếu thốn nên lên rừng đốn gỗ lậu kiếm tiền, thì nguyên nhân chủ quan còn từ chính sự quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng.

Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì chắc hẳn ai cũng hình dung được những hậu quả khủng khiếp của Mẹ Thiên Nhiên như: Biến đổi khí hậu, mất cân bằng sinh thái, bão lũ quét, sạt lở đất, dịch bệnh phát sinh… Chúng tôi mong rằng trong thời gian sắp tới các cơ quan ban ngành sẽ có thêm nhiều biện pháp khắc phục và mỗi người dân cũng cần ý thức hơn trong việc chung tay bảo vệ tài nguyên rừng quý giá của nước ta.

Hữu Long

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/ca-tram-m3-go-vuon-quoc-gia-bi-don-trai-phep-2799/