Cả trăm cổ phiếu đua nhau tăng trần, chứng khoán hồi phục mạnh

Sau phiên lao dốc ngày đầu tuần, chứng khoán hôm nay hồi phục mạnh. Biên độ dao động của VN-Index lên tới 80 điểm. Từ chỗ mất 50 điểm 'chạm đáy' phiên sáng, chỉ số chính nhanh chóng bật lên nhờ lực kéo của nhóm cổ phiếu trụ. Đóng cửa, VN-Index tăng 30 điểm, tính chung 3 sàn, hơn 100 cổ phiếu tăng hết biên độ

Sau phiên lao dốc 68 điểm ngày đầu tuần, mở cửa phiên 26/4, áp lực bán lại dâng cao toàn thị trường, chỉ sau giờ mở cửa, chứng khoán tiếp tục mất 50 điểm. Đà giảm dần được thu hẹp khi lực cầu bắt đáy xuất hiện, cổ phiếu trụ “đền” điểm số.

Chính những cổ phiếu khiến thị trường “sụp đổ” hôm qua, đã quay lại dẫn dắt chỉ số: VPB, VHM, GAS, VIC , SAB, BID, VNM, MBB, VRE, GVR… kéo VN-Index tăng hơn 16 điểm. Ở nhóm VN30, sắc xanh áp đảo ở 27 cổ phiếu. Trong đó, VRE tăng trần.

Trên HoSE, 338 cổ phiếu tăng giá, đáng chú ý nhóm bất động sản, xây dựng tăng trần hàng loạt: NLG, VRE, DIG, ITA, TDH, HAR, QCG, SJF, ASM, NBB, LDG. Cổ phiếu nhà thầu: HBD, CTD, EVG.

Cổ phiếu chứng khoán cũng có nhiều mã hiện diện sắc tím, VND, APG, TVB. Trong đó, TVB bất ngờ tăng trần, sau nhiều phiên điều chỉnh mạnh kể từ khi vụ thao túng chứng khoán xảy ra tại nhóm Louis bị khởi tố. Ông Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Trí Việt (TVB) bị bắt với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.

Các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, hay các nhóm thanh khoản cao như thép, dầu khí, cảng biển… đều giao dịch khởi sắc. Kể cả các nhóm FLC, Louis cũng ghi nhận cổ phiếu tăng trần. Toàn bộ cổ phiếu FLC tăng trần.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 30,42 điểm (2,32%) lên 1.341,34 điểm. HNX-Index tăng 7,66 điểm (2,27%) lên 345,17 điểm. UPCoM-Index tăng 1,61 điểm lên 101,15 điểm.

Thanh khoản thị trường sau khi tăng vọt trong phiên sáng, có phần chững lại ở phiên chiều, giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt hơn 19.200 tỷ đồng, chỉ tương đương phiên trước. Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 1.021 tỷ đồng, tập trung vào VNM, DGC, DPM, BVH, DCM, PVD…

VinaCapital: Thị trường sẽ vượt qua tiêu cực trong ngắn hạn

Ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng tại VinaCapital phân tích, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn với mức P/E năm 2022 là 11,5 lần, thấp hơn hẳn so với mức trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần).

VinaCapital tin rằng, thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022 vì nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19, với GDP được dự báo tăng khoảng 6,5% trong năm 2022.

Đặc biệt, các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 20% trong năm 2022, theo cập nhật mới nhất của Bloomberg.

Theo VinaCapital, việc giảm điểm hôm qua chủ yếu là do tâm lý nhà đầu tư không mấy lạc quan từ một số sự kiện và thông tin không tích cực, như FLC, Tân Hoàng Minh. Điều này khiến các nhà đầu tư lo lắng việc điều tra sẽ được mở rộng sang các công ty khác, nhất là đối với các công ty bị nghi ngờ về thao túng giá cổ phiếu và các công ty có tình hình tài chính không tốt, không minh bạch trong việc phát hành trái phiếu.

Hàng loạt các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ, đã tăng nóng từ giữa năm 2021 trong khi kết quả kinh doanh không có chuyển biến tích cực, đồng loạt bị bán tháo và giảm mạnh.

Điều đó dẫn đến việc bán giải chấp cổ phiếu (margin call) trên diện rộng trong những ngày qua. Ngay cả những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cũng bị đem ra bán giải chấp để trả tiền vay mua chứng khoán, ảnh hưởng đến toàn thị trường chung.

Việt Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ca-tram-co-phieu-dua-nhau-tang-tran-chung-khoan-hoi-phuc-manh-post1433849.tpo