Cá tra Việt hết thời 'một mình một chợ'

Trong 20 năm qua, cá tra là sản phẩm độc quyền của Việt Nam trong cả sản xuất lẫn chế biến và xuất khẩu. Thế nhưng, lợi thế 'một mình một chợ' đó tới đây sẽ không còn khi các nước đang đẩy mạnh phát triển sản xuất. Điều đó, dự báo sẽ đẩy con cá tra của Việt Nam vào một thách thức mới.

Với việc nhiều nước phát triển sản xuất cá tra, Việt Nam hết độc quyền loại thủy sản này. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngành cá tra Việt Nam đã trải qua 20 năm hình thành, phát triển và có những đóng góp rất quan trọng vào sự lớn mạnh của ngành nông nghiệp cả nước.

Cụ thể, từ chỗ xuất khẩu chỉ 1,65 triệu đô la Mỹ, chiếm 0,2% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản vào năm 1997, thì đến năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đã vượt mức 1,7 tỉ đô la, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản.

Trong 20 năm qua, có thể nói cá tra là loại thủy sản độc quyền của Việt Nam trong cả nuôi lẫn chế biến, xuất khẩu và sản phẩm này đang ngày càng được thị trường ưa chuộng, nhất là với những thị trường như Mỹ, Trung Quốc - Hồng Kông, ASEAN...

Tại hội nghị, cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác sản xuất cá tra giống 3 cấp, được thực hiện tại tỉnh An Giang.

Trong đó, ký kết cấp 1 với cấp 2, gồm có Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Công ty cá tra Việt Úc với Trung tâm giống thủy sản An Giang, Trung tâm giống cây trồng vật nuôi thủy sản Cần Thơ, Công ty cổ phần Mừng Liên.

Tuy nhiên, chính sức hấp dẫn đó cũng như việc đây là loại thủy sản khá dễ nuôi nên thời gian gần đây một số nước đã bắt đầu đẩy mạnh đầu tư phát triển loại thủy sản này, tạo áp lực cạnh tranh khá lớn đối với Việt Nam.

Tại hội nghị “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai đề án giống cá tra 3 cấp” được tổ chức ở tỉnh An Giang vào hôm nay, 21-8, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành cá tra Việt Nam đang bị cạnh tranh rất lớn do một số nước đã đẩy mạnh phát triển loại thủy sản này.

Cụ thể, theo ông Cẩn, hiện sản lượng nuôi tại Ấn Độ đã đạt 650.000 tấn/năm, Bangladesh 450.000 tấn. “Đặc biệt, có thông tin cho biết Trung Quốc đã ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi thành công cá tra”, ông cho biết và nhấn mạnh đây là những vấn đề về mặt định hướng cần phải quan tâm.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, bên cạnh Ấn Độ và Bangladesh, thì sản lượng nuôi tại Indonsia đã đạt 110.000 tấn/năm. “Hiện nay, Trung Quốc đã nuôi và thu hoạch được 10.000 tấn cá tra ở đảo Hải Nam”, ông Hòe cho biết.

Theo ông Hòe, qua việc các nước đẩy mạnh phát triển nuôi cá tra có thể thấy họ đang dành sự quan tâm đối với ngành hàng vốn là độc quyền của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hòe cho biết, việc phát triển như trên cũng không quá đáng lo khi xét về mặt cạnh tranh trong xuất khẩu với Việt Nam, “mà khía cạnh phải quan tâm, đó là với việc phát triển trong nước của họ với trình độ công nghệ cao, thì khả năng nhập khẩu của họ sẽ giảm đi”, ông cho biết và nói rằng khi đó một số thị trường Việt Nam "nhắm đến" có thể bị hạn chế.

“Từ đó, có thể khiến cho việc xuất khẩu, tăng trưởng sắp tới sẽ có thay đổi mạnh”, ông cho biết và gợi ý cần “đánh” mạnh vào chất lượng thay vì số lượng.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, theo ông, từ việc quốc gia này có thu hoạch cá tra được nuôi ở Hải Nam, dù cần có thêm những kiểm tra, đánh giá sâu hơn, nhưng cho thấy với trình độ phát triển công nghệ hiện nay, rõ ràng sẽ có những ảnh hưởng đến ngành công nghiệp này của Việt Nam.

Một vấn đề khác cũng là thách thức đối với ngành cá tra Việt Nam được vị đại diện của VASEP nêu ra, đó là vấn đề kiểm soát chất cấm, chế phẩm xử lý môi trường ao nuôi.

Theo ông, trong 2 năm gần đây, việc kiểm soát kháng sinh cấm Việt Nam đã thực hiện khá tốt, tuy nhiên, do việc kiểm soát ngày càng “siết” chặt, cho nên, xuất hiện những bất cập, mà cụ thể là các chế phẩm gọi là "sinh học" lâu nay được mặc định là an toàn, không gây hại bị các nhà cung cấp cố tình đưa vào một số chất cấm. "Điều này, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, dẫn đến việc xuất khẩu vào các thị trường gặp phải những khó khăn”, ông cho biết và nói rằng đây là vấn đề khá nghiêm trọng, là thách thức đối với ngành cá tra.

Ngoài ra, theo ông Hòe, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thời gian qua cũng xảy ra những bất cập, nhất là xuất khẩu tiểu ngạch bằng đường bộ. “Việc này, chúng tôi có đề xuất nhiều lần liên quan kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua việc cấp chứng thư cho các lô hàng xuất khẩu bằng đường bộ”, ông cho biết và nói rằng đây cũng là giải pháp để tạo công bằng cho các doanh nghiệp. Đồng thời, ngăn chặn gian lận thương mại cũng như kiểm soát chất lượng để trên cơ sở đó giúp lành mạnh hóa sản phẩm cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc, góp phần phát triển thị trường ổn định, bền vững thời gian tới.

Xuất khẩu cá tra lần đâu tiên đạt 2 tỉ đô la

Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cá tra đạt gần 1,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường Trung Quốc - Hồng Kông dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 290 triệu đô la, chiếm 24,2% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Mỹ đạt trên 255 triệu đô la, chiếm 21,3% tỷ trọng toàn ngành, tăng 15,6%; EU đạt 139 triệu đô la, chiếm 11,6% tỷ trọng toàn ngành và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277353/ca-tra-viet-het-thoi-mot-minh-mot-cho.html