Cá tra Việt đi trước, đón đầu

Đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới là mục tiêu lớn của ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Vùng nuôi cá tra thương phẩm ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) được cấp mã số nhận diện. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Vùng nuôi cá tra thương phẩm ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) được cấp mã số nhận diện. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Ngoài ra, nhiều người nuôi cá tra và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra còn hướng đến sản xuất sạch, theo chuỗi để ngành cá tra phát triển bền vững.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2018, Việt Nam đã sản xuất 1,42 triệu tấn cá tra, đứng đầu thế giới về sản lượng cá tra cung ứng cho thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, các quốc gia khác cũng đang đẩy mạnh sản xuất cá tra như Ấn Độ đạt sản lượng 590.000 tấn, Bangladesh 524.000 tấn và Indonesia 485.000 tấn.

Các chuyên gia ngành cá tra dự đoán, sản lượng cá tra của Ấn Độ sẽ còn tiếp tục tăng lên khoảng 8% so với hiện nay, ước đạt 630.000 tấn vào năm 2020, sản lượng cá tra của Indonesia sẽ tăng lên 16%, ước đạt 562.000 tấn vào năm 2020. Tuy nhiên, phần lớn cá tra của Ấn Độ chỉ được tiêu thụ nội địa.

Nhưng quốc gia này cũng đang định hướng xây dựng ngành cá tra hướng đến xuất khẩu, tương tự như đã làm đối với ngành tôm Ấn Độ 10 năm trước đây.

Điều này dự báo ngành cá tra Việt Nam trong tương lai sẽ phải rơi vào tình thế cạnh tranh lớn từ các quốc gia khác, nếu không thay đổi chiến lược cạnh tranh kể từ bây giờ.

Do đó, người sản xuất cá tra và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có hướng đi khác hơn đối với sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra, đó là sản xuất sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn ASC của châu Âu.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp là một điển hình trong thay đổi hướng sản xuất cá tra, hướng đến sản xuất sạch để nâng cao giá trị cá tra.

Nhận thấy người dân ngày càng chú trọng đến an toàn thực phẩm, ưu tiên sử dụng thực phẩm sạch nên anh đã mạnh dạn đầu tư 6,3 ha nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng thu được là 1.000 tấn/năm.

Anh Tuấn cho biết, nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ khó khăn hơn so với những hộ thả nuôi thông thường như trước đây. Cụ thể, nuôi cá theo hướng này, người nuôi phải kiểm soát nước đầu vào, đầu ra hợp lý.

Đồng thời, trong quá trình nuôi, người nuôi quản lý được kháng sinh, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để phòng, chữa dịch bệnh.

Bên cạnh đó, người nuôi phải ghi chép nhật ký theo dõi cá, xử lý chất thải và vệ sinh môi trường. Nhìn chung, ngoài các biện pháp chăm sóc cá thì việc kiểm soát nước là yếu tố rất quan trọng, bởi nó ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của cá.

Tương xứng với công chăm sóc cá tra sạch, những con cá này cũng được các doanh nghiệp thu mua cao hơn cá tra nuôi thông thường 1.000 đồng/kg.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Thời gian tới, anh Tuấn dự định sẽ tiến tới nuôi cá theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản châu Âu (ASC) để đáp ứng yêu cầu cá xuất khẩu, nâng cao chất lượng cá tra an toàn tại cơ sở lên một bước cao hơn...

Có thể nói, giảm giá thành, nâng cao chất lượng theo hướng sạch và an toàn là lợi thế cạnh tranh đối với mặt hàng cá tra Việt Nam.

Chính vì vậy, việc nông dân chủ động sản xuất theo hướng an toàn là hết sức cần thiết, đặc biệt trong tình hình giá cá tra xuống thấp như hiện nay. Đây là sẽ là cách nuôi hiệu quả nổi trội về lâu dài, nâng cao giá trị và vị thế mặt hàng cá tra chế biến xuất khẩu.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt hơn 1,4 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018.

Cá tra Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với sự cạnh tranh với các quốc gia khác là điều không thể tránh khỏi trong vòng 5 năm sắp tới.

Bên cạnh đó, các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản cũng sẽ càng đưa ra nhiều tiêu chí hơn để lựa chọn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng của quốc gia mình. Đi trước, đón đầu các tiêu chí này, sẽ là một lợi thế cho ngành cá tra Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, hiện nay, nhiều thị trường đã dần chuyển sang ưa chuộng cá tra phi lê hữu cơ như Mỹ, Đức, Nhật Bản.

Ngân hàng Thế giới (WB) thống kê, nếu như thu nhập bình quân đầu người của người dân Trung Quốc năm 2008 là 3.471 USD thì đến năm 2017, thu nhập bình quân đầu người tại quốc gia này đã tăng lên 8.827 USD.

Vì vậy, khi người dân có thu nhập cao hơn, thị trường Trung Quốc không còn dễ dàng trong việc lựa chọn thực phẩm phục vụ cho nhu cầu hàng ngày.

Đặc biệt, sự lựa chọn sản phẩm cá tra chế biến cũng ngày càng có sự thay đổi. Trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu cá tra nguyên con tới một số tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc, nhưng hiện nay sản phẩm cá tra phi lê đã có mặt tại những thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Đại Liên. Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc còn cao hơn nữa, bởi cá tra luôn là mặt hàng được người tiêu dùng Trung Quốc lựa chọn.

Bên cạnh đó, Đức là thị trường xuất khẩu cá tra đứng thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu. Trong 9 tháng năm 2019, có hơn 15 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra chế biến sang thị trường này, đạt kim ngạch gần 21 triệu USD, tăng gần 36% so với cùng kỳ năm 2018.

Các sản phẩm chủ yếu được lựa chọn là phi lê cá tra organic đông lạnh, cá tra cắt khúc, da cá tra đông lạnh. Điển hình, sản phẩm cá tra organic được bán tại Đức với giá từ 9,6 USD đến 9,78 USD/kg, nhưng người tiêu dùng vẫn ưu tiên lựa chọn.

Đơn vị xuất khẩu cá tra organic mạnh nhất là các doanh nghiệp chế biến cá tra tại An Giang, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết.

Ông Doãn Chí Thiên, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nam Việt (An Giang) chia sẻ, công ty Nam Việt đã có 5 phân khúc sản phẩm cá tra chế biến; trong đó có phân khúc sản phẩm collagen chiết xuất từ da cá tra và mỗi phân khúc công ty đều có kế hoạch đầu tư từ con giống, vùng nuôi, sản xuất đến chuỗi cung ứng cuối cùng.

Với chuỗi phân khúc này, Nam Việt liên kết với người nuôi cá tra để hướng dẫn người sản xuất kỹ thuật tạo ra con cá tra sạch, đáp ứng cho hướng phát triển của Nam Việt nói riêng và xu hướng sử dụng cá tra sạch của người tiêu dùng thế giới trong thời gian tới nói chung.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, khi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam đều thống nhất chiến lược chuyển sang sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cá tra sạch, đây chính là một cách quảng bá hữu hiệu cho ngành cá tra Việt Nam trước người tiêu dùng thế giới.

Đồng thời, người sản xuất cá tra sạch và doanh nghiệp có sự liên kết chuỗi chặt chẽ sẽ tạo cho các bên đều có lợi nhuận, dù thị trường khó khăn./.

Hồng Nhung/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ca-tra-viet-di-truoc-don-dau/137097.html