Cá tra vào Mỹ càng gặp khó khi thuế tăng cao

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức tăng mạnh so với trước đó. Dự báo xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Thuế chống bán phá giá cá tra vào Mỹ trong kỳ POR13 tăng cao dẫn đến khả năng xuất khẩu khó khăn. Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào ngày 16-3, ông Võ Đông Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) cho biết, rạng sáng 15-3 theo giờ Mỹ, DOC đã có thông báo về quyết định cuối cùng của thuế chống bán phá giá cá tra phi lê nhập khẩu từ Việt Nam, giai đoạn từ 1-8-2015 đến 31-7-2016.

Xuất khẩu cá tra 2018 tăng 200-400 triệu đô la Mỹ
Như vậy, so với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt gần 1,8 tỉ đô la, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng từ 200-400 triệu đô la.

Theo lời ông Đức, ngoại trừ Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế xuất khẩu vào Mỹ 0 đồng và Công ty cổ phần Thủy sản Biển Đông là 19 xu Mỹ/kg, thì các doanh nghiệp khác phải chịu mức thuế rất cao.

Cụ thể, đối với 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức dao động từ 3,87 đến 7,74 đô la Mỹ/kg.

Còn đối với các doanh nghiệp không tham gia vào vụ kiện, chịu mức thuế chung toàn quốc là 7,74 đô la/kg. “Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến giờ, chưa từng xảy ra trong việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho Việt Nam”, ông Đức cho biết.

Đối chiếu với kết quả sơ bộ của kỳ POR13, mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ trong lần công bố cuối cùng tăng rất mạnh.

Chẳng hạn, ông Đức cho biết, Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng (Godaco) là doanh nghiệp nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng lẻ, với mức thuế chống bán phá giá cuối cùng là 3,87 đô la/kg, trong khi đó, kết quả sơ bộ được công bố hồi giữa tháng 9-2017 là 2,39 đô la/kg. Như vậy, kết quả thuế chống bán phá giá cuối cùng đối với GODACO đã tăng 1,48 đô la/kg.

Trước việc mức thuế xuất khẩu cá tra phi lê đông lạnh vào Mỹ tăng cao, ông Đức của Caseamex cho rằng, nếu tính toán giá thành sản xuất cộng với thuế chống bán phá giá như hiện nay, chỉ có 2 doanh nghiệp có khả năng bán hàng vào Mỹ là Vĩnh Hoàn và Biển Đông. “Còn 9 doanh nghiệp được hưởng thuế riêng biệt, dù có mức thuế thấp hơn so với các doanh nghiệp khác khi xuất khẩu vào Mỹ, nhưng với mức 3,87 đô la/kg, thì cũng khó xuất hàng vào được”, ông cho biết và nhấn mạnh xuất khẩu cá tra vào Mỹ thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng tại hội nghị, bà Tô Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Mỹ trong tháng 1 đã tăng trở lại 31,1% (đạt 15,1 triệu đô la) so với cùng kỳ năm ngoái. “Tuy có những dấu hiệu tích cực từ thi trường Mỹ, nhưng chúng tôi thấy chưa thể nói được điều gì đối với thị trường này khi mà diễn biến thị trường rất phức tạp”, bà cho biết, nhưng cũng hy vọng xuất khẩu vào Mỹ sẽ được cải thiện hơn so với năm 2017.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra số 1

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, theo bà Tô Tường Lan, trong tháng 1-2018, kim ngạch xuất khẩu sang đây đạt 23,9 triệu đô la Mỹ (bao gồm cả Hồng Kông) tăng 132,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu chính ngạch chiếm 56% và tiểu ngạch chiếm 44%.

Theo bà Lan, trong mảng xuất khẩu tiểu ngạch hiện có 9 doanh nghiệp tham gia, trong khi xuất khẩu chính ngạch thì hầu hết các doanh nghiệp có nhà máy chế biến đều tham gia. “Do đặc điểm đường biên giới Việt Nam với Trung Quốc nên xuất khẩu tiểu ngạch là đương nhiên”, bà Lan giải thích.

Tuy nhiên, theo bà Lan, rất có thể Trung Quốc là thị trường lớn cuối cùng của Việt Nam nên nếu “thả nổi”, không quản lý chặt về chất lượng sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này, thì rất có thể sẽ gặp khó khăn trong tương lai. “Bởi, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như mọi người nghĩ nữa”, bà giải thích và đề xuất cần có chiến lược dài hạn trong phát triển thị trường này thông qua việc kiểm soát chất lượng, lấy chất lượng làm trọng tâm phát triển như đã áp dụng cho thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/270177/ca-tra-vao-my-cang-gap-kho-khi-thue-tang-cao.html