Cá tra lận đận với truyền thông nước ngoài

Cá tra Việt Nam liên tiếp gặp 'hạn' ở một số quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) thông qua chiến dịch truyền thông sai sự thật từ một số báo đài của các nước này. Theo các chuyên gia, để đối phó, cần một chiến lược quảng bá căn cơ và liên tục để xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Liên tục bị nói xấu

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tại một quốc gia thành viên của EU là Rumania, mới đây, trên các tờ báo mạng như Realitate.net, Ziuanews.ro, Bzi.ro, Adevarul.ro, Puppe.ro, Secretulsanatatii.net... lại đăng tải những thông tin không chính xác về ngành cá tra Việt Nam, gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu vào nước này.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), trong trường hợp ở Rumania nói trên, thông tin cáo buộc vẫn là những thông tin cũ đã từng xuất hiện tại một số quốc gia thuộc khối EU trước đó. Thông tin này cho rằng sông Mêkông bị ô nhiễm nặng nề bởi thuốc bảo vệ thực vật nên cá tra được nuôi tại Việt Nam bị nhiễm hóa chất. Ông Quốc nhận xét hành động đó mang tính chất ác ý vì họ không dẫn chứng thời gian và lô hàng nào của Việt Nam bị như vậy.

Từ những thông tin vô căn cứ, một số tờ báo mạng ở Rumania lại đưa ra khuyến nghị người tiêu dùng nước họ không ăn các món có liên quan đến cá tra Việt Nam; kêu gọi tẩy chay cá tra và cả những nhà hàng đưa món cá này vào thực đơn.

Đầu năm ngoái, kênh truyền hình Cuatro TV ở Tây Ban Nha cũng đã phát sóng một chương trình với thông tin cáo buộc chất lượng nước sông Mêkông phục vụ nuôi cá tra bị ô nhiễm, cho rằng điều kiện nuôi loại cá này ở Việt Nam không đảm bảo vệ sinh. Chương trình này và những chiến dịch truyền thông sau đó đã khiến tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Âu là Carrefour quyết định không tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam trong hệ thống của tập đoàn này.

Tương tự, vào năm 2011, một kênh truyền hình tại Đức cũng đã phát một bộ phim tài liệu về cá tra Việt Nam với mô tả đây là loại cá rẻ tiền, chất lượng thấp vì được nuôi ở vùng nước bị ô nhiễm của dòng sông Mêkông.

Theo các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, việc một số quốc gia ở thị trường EU đưa những thông tin không chính xác và vô căn cứ được lặp đi, lặp lại đã khiến việc tiêu thụ cá tra Việt Nam ở thị trường này gặp rất nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào EU trong năm tháng đầu năm 2018 chỉ được hơn 75 triệu đô la Mỹ, chỉ chiếm 9,5% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, đứng sau Trung Quốc - Hồng Kông, Mỹ và ASEAN, dù trước đó luôn giữ vị trí dẫn đầu với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu gần 50% toàn ngành.

Các doanh nghiệp cho rằng, tuy biết rõ các thông tin về cá tra Việt Nam nói trên là không chính xác, nhưng để giải quyết thông qua luật pháp hay các thỏa thuận thương mại tự do là rất khó khăn. Trao đổi với TBKTSG, bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết việc “bôi nhọ” xuất phát từ khu vực tư nhân, không liên quan chính phủ các nước. “Đây là vấn đề của các doanh nghiệp “chơi xấu” trên thị trường nên việc này các hiệp định thương mại không giải quyết được”, bà nói.

Theo bà Phương, việc kiện hành vi “bôi nhọ”, chẳng hạn của doanh nghiệp Rumania nói trên, cũng rất khó. “Ví dụ, ở Việt Nam, nếu một doanh nghiệp đi bôi xấu một doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp bị bôi xấu hoàn toàn có thể kiện ra tòa án. Nhưng ở đây doanh nghiệp bôi xấu bên ngoài Việt Nam nên rất khó can thiệp”, bà cho biết và nói rằng nếu đứng ở góc độ các cam kết thương mại quốc tế thì không thể điều chỉnh được hành vi ấy. “Cái này gặp nhiều rồi, ngày xưa doanh nghiệp thủy sản cũng bị doanh nghiệp phía Mỹ tạo ra dư luận xấu, nói cá Việt Nam gặp vấn đề thế nọ, thế kia nhưng có giải quyết được đâu!”, bà dẫn chứng.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers, cho rằng trong trường hợp hình ảnh cá tra Việt Nam bị “bôi nhọ”, đưa thông tin sai sự thật ở một số thị trường quốc tế thì doanh nghiệp và hiệp hội cần có biện pháp để tự bảo vệ. Những đơn vị này hoàn toàn có thể phản ứng đối với các tổ chức đưa thông tin không đúng, yêu cầu họ đính chính, thậm chí là yêu cầu bồi thường. Theo ông, những đơn vị này có thể thực hiện những vụ khiếu kiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. “Khiếu kiện ở nước ngoài không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu quyền lợi bị xâm phạm, chúng ta buộc phải có biện pháp bảo vệ mình”, ông Vũ nhấn mạnh.

Đẩy mạnh chiến lược xây dựng hình ảnh

Theo bà Phùng Thị Lan Phương, để bảo vệ ngành cá tra Việt Nam trước những thông tin không chính xác tại thị trường EU, cách tốt nhất là tiến hành các hoạt động quảng bá sản phẩm, chủ động ứng phó sự cố, truyền thông nâng cao hình ảnh.

Vào năm ngoái, tại hội nghị “Triển khai Nghị định 55/201/NĐ-CP và bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng cá tra” được tổ chức tại tỉnh Tiền Giang, 20 doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu cá tra đã thống nhất thành lập “Quỹ phát triển thị trường”, trong đó, nhấn mạnh đến việc quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam. Cũng ở hội nghị, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch tập đoàn Vĩnh Hoàn, cho biết sau khi Đài Truyền hình Tây Ban Nha, với người đứng sau có thể là các doanh nghiệp nuôi cá ở Tây Ban Nha, phát chương trình “bôi nhọ”ngành cá tra Việt Nam thì việc xuất khẩu lập tức bị ảnh hưởng rất lớn. Trong trường hợp này, theo bà Khanh, Việt Nam có thể ứng phó được, bằng cách thực hiện một chương trình truyền hình quy mô lớn để đưa thông tin chính xác đến khách hàng cũng như người tiêu dùng.

Trao đổi với TBKTSG, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện việc quảng bá hình ảnh và đã có tác động tích cực. “Một số thị trường lớn ở châu Âu đã không bôi xấu nữa”, ông cho biết. Tuy nhiên, ông Hòe cũng nhận định rằng không thể truyền thông bao phủ toàn bộ các thị trường tại châu Âu nên vẫn xảy ra tình trạng như ở Rumania.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, xây dựng hình ảnh cá tra Việt Nam là vấn đề lâu dài, trong khi phần truyền thông để phản bác đối với những thông tin “bôi nhọ” còn hạn chế vì kinh phí truyền thông ở nước ngoài rất tốn kém. “Việc thực hiện hầu như chỉ “chống đỡ là chính”, tức khi bị “bôi nhọ” mới thực hiện truyền thông, còn chiến lược để xây dựng hình ảnh cá tra lâu dài thì có làm nhưng chưa đủ mạnh”, ông Quốc nhận xét.

Để đối phó với thông tin “bôi nhọ” một cách căn cơ, theo ông Quốc, phải đi bằng con đường xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng cần phải chủ động hơn việc kiểm soát chất lượng thủy sản xuất khẩu, để tránh trường hợp thị trường nhập khẩu lợi dụng “thiếu sót” nhằm đẩy mạnh chiến dịch truyền thông “bôi nhọ”.

Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang, cho biết sản phẩm cá tra Việt Nam đã đạt được những chứng nhận về chất lượng như BAP, ASC, và cần cung cấp những bằng chứng chất lượng đó đến người tiêu dùng nước ngoài thông qua những chiến dịch truyền thông.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277394/ca-tra-lan-dan-voi-truyen-thong-nuoc-ngoai-.html