Cá tra giật mình, tìm đường bơi ngược

Cuối năm ngoái, tại một sự kiện du lịch, du khách được ăn bữa buffet đặc biệt với 40 món từ cá tra. Các em bé bất ngờ với món da cá giòn rụm như bim bim...

Cuối năm ngoái, tại một sự kiện du lịch, du khách được ăn bữa buffet đặc biệt với 40 món từ cá tra do Công ty TNHH Cỏ May chế biến. Các em bé bất ngờ với món da cá giòn rụm như bim bim; thanh niên có nem cá tra, cá tra nướng xiên… làm mồi đưa bia.

Trong khi đó, Công ty CP Vĩnh Hoàn đưa ra bộ 20 sản phẩm chế biến từ cá tra và basa như: basa tẩm bột, chả lụa, sốt tartar, chabokki sốt cay, basa xẻ bướm tẩm gia vị... rất khác lạ.

Khác hoàn toàn với suy nghĩ “chặt to kho mặn”, đã qua cái thời cá tra chỉ phi lê, cắt khúc hay nguyên con mà đã có khoảng 80 sản phẩm: cá tra giả lươn, cá tra tẩm bột, xúc xích… Thậm chí, còn có da cá sấy giòn áp dụng công nghệ từ Singapore với các vị trứng muối, wasabi trứng muối, tomyum trứng muối... bim bim siêu giòn từ da cá sấy.

Đây là nỗ lực đổi mới sản phẩm cá tra của DN Việt trong chặng đường tìm lại thị trường trong nước sau hơn 20 năm nổi danh xuất khẩu toàn cầu. Năm 2020, gặp cú sốc Covid-19, khi xuất khẩu khó khăn, Bộ NN-PTNT đã cùng các DN tổ chức sự kiện “Kết nối sản xuất - tiêu thụ cá tra”. Tại đây, 8 liên kết chuỗi giữa DN chế biến và đối tác phân phối đã được ký kết.

Đây được xem là bước đi để con cá tra tỷ USD bơi ngược từ sân thế giới về “sân nhà”.

Đại diện Công ty CP Nam Việt thừa nhận, bỏ quên thị trường nội địa là điều vô cùng đáng tiếc. Hiện DN đang đang hình thành hệ thống phân phối cá tra ở phía Bắc, mỗi tháng cung cấp 100-200 tấn theo đơn đặt hàng.

Công ty CP Vĩnh Hoàn bình quân mỗi năm sản xuất chế biến trên 300.000 tấn cá tra và đã xuất khẩu sản phẩm qua gần 40 nước trên thế giới đến nay cũng tập trung đánh chiếm thị trường nội địa bằng cách đa dạng hóa cách chế biến các món ăn từ cá tra cho các hộ gia đình đến hệ thống nhà hàng, siêu thị, cung cấp suất ăn công nghiệp...

Cá tra Việt Nam giữ “ngôi vươn” thế giới cả trong sản xuất lẫn xuất khẩu

Cú giật mình chuyển hướng

Theo chuyên gia, bây giờ mới tính đến thị trường nội địa là quá muộn nhưng muộn còn hơn không. Đây chính là “cơ hội vàng” để cá tra quay về thị trường nội địa. Và DN phải nhận thức rằng, khai thác thị trường trong nước là chiến lược lâu dài, bền bỉ,là bước đi bền vững

Từ những năm đầu thế kỷ, cá tra là 1 biểu tượng thành công của xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi chinh phục các thị trường khó tính từ châu Âu sang Mỹ, Nhật Bản…Trong hơn 20 năm, cá tra Việt Nam xuất đi hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ, chiếm giữ “ngôi vương” thế giới.

Mải miết đi chinh phục thế giới và say sưa với kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD/năm thì bất ngờ 2020 ngành kinh tế cá da trơn Việt Nam gặp cú sốc lớn vì đại dịch Covid-19.

Xuất khẩu cá tra liên tục giảm trong nửa cuối 2019 và cả 2020 khi toàn cầu thực hiện cách ly xã hội, đóng cửa hàng loạt cửa hàng, trường học. Không dừng lại đó, giữa năm 2020, chuỗi cung ứng thế giới đứt gãy, xuất khẩu cá tra của Việt Nam gần như ngưng trệ, DN tồn hàng, cá tra đến kỳ thu hoạch không có người mua, giá lao dốc khiến người nuôi thua lỗ nặng.

Sản lượng cá tra năm 2020 đạt 1,56 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2019. Song, kim ngạch xuất khẩu lại chỉ đạt 1,5 tỷ USD, giảm khoảng 25% so với năm 2019.

Năm 2020, ngành kinh tế cá da trơn Việt Nam gặp cú sốc lớn vì đại dịch Covid-19, xuất khẩu bế tắc, hàng tồn kho tăng cao

Giật mình nhìn lại, hầu hết DN cá tra thừa nhận từ trước đến nay chỉ chú trọng xuất khẩu. Thậm chí, có DN xuất khẩu đến 40 nước trên thế giới song lượng hàng bán trong nước rất ít ỏi. Và nay, khi xuất khẩu tế tắc, hàng tồn đầy kho không biết bán đi đâu thì mới nghĩ đến 100 triệu dân Việt.

Theo tính toán, với diện tích nuôi khoảng 6.000ha, sản lượng 1,5 triệu tấn/năm, nếu tiêu thụ nội địa được khoảng 1/3 (500.000 tấn), 2/3 còn lại phục vụ cho xuất khẩu là 1 cơ cấu phát triển bền vững.

Thực tế, không chỉ cá tra mà rất nhiểu nông sản thế mạnh Việt Nam tung hoành thế giới nhưng lại đang bỏ rơi thị trường nội địa cho đến khi bị nước ngoài tấn công sân nhà hay vấp phải cú sốc mới giật mình chuyển hướng.

Cà phê là 1 ví dụ, cách đây 5-10 năm, tiêu thụ nội địa chỉ đạt 6-7% sản lượng và 0,5kg/đầu người/năm thì nay đã tăng lên 13% sản lượng, đạt khoảng 200.000 tấn/năm, bình quân đầu người đã đạt trên dưới 2kg/người/năm.

Không chỉ có quán cà phê rang xay nhỏ lẻ, các chuỗi quán cà phê cũng hình thành và lớn mạnh. Hàng loạt các thương hiệu cà phê Việt được người tiêu dùng trong nước biết đến và tin dùng. Và Việt Nam đang trở thành 1 vùng đất khởi nghiệp cà phê nổi tiếng thế giới.

Chuyện loay hoay tìm về nội địa cũng đang đặt ra với hạt điều, tiêu… khi chúng ta có nguyên liệu đứng đầu thế giới nhưng trong nước thì chỉ hàng thô thấp cấp, tiêu thụ ít ỏi.

Lo bếp Việt trước khi bước ra bếp ăn thế giới

Số liệu của Bộ NN-PTNTcho thấy, giá trị tiêu thụ thủy sản nội địa mỗi năm là hơn 22.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD). Mức tiêu thụ thủy hải sản bình quân của người Việt khoảng 35kg/năm và dự báo đạt 44kg/người/năm từ 2020 trở đi.

Nếu chiếm giữ được thị phần tiêu thụ nội địa trong “miếng bánh” 22.000 tỷ đồng này thì cá tra hay bất cứ sản phẩm nào cũng đều có thêm một kênh tiêu thụ đầy tiềm năng.

Qua hơn 20 năm, cá tra từ chỗ xuất khẩu đến 10 nước ở châu Á với 100 triệu USD/năm, đến xuất khẩu đến 141 quốc gia và trở thành ngành kinh tế tỷ USD của Việt Nam. Như thế, không có lý do gì chúng ta bỏ qua thị trường nội địa.

Với gần 100 triệu dân, trong đó có tới 60% là dân số trẻ, tầng lớp trung lưu bùng nổ, với một nền kinh tế đang lên, thu nhập của người dân tăng cao… thì thị trường trong nước không chỉ là điểm tựa mà còn là “mỏ vàng” để DN khai thác, phát triển bền vững.

Doanh nghiệp chế biến ra hàng chăm sản phẩm từ cá tra để phục vụ nhu cầu nội địa để ngành hàng này phát triển bền vững hơn

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào 3 trụ cột quan trọng là xuất nhập khẩu, đầu tư hạ tầng và tiêu dùng. Trong bối cảnh hiện nay, xuất nhập khẩu gặp khó, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng còn hạn chế thì cần phát huy “nền tảng” tiêu dùng nội địa. Đây chính là đòn bẩy cho tăng trưởng GDP.

Nếu kích thích tiêu dùng nội địa tăng thêm 1%, nền kinh tế sẽ có thêm 38.000 tỷ đồng. Con số này lý giải vì sao các chuỗi bán lẻ, các tập đoàn toàn cầu đang đổ đến Việt Nam để bán hàng cao cấp. Cá tra hay các nông thủy sản của Việt Nam dù đạt tiêu chuẩn toàn cầu nhưng thực chất vẫn đang rất rẻ. Vậy tại sao không đưa về thị trường trong nước để người dân có thêm thực phẩm ngon giá rẻ.

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, nếu chúng ta phát triển được thị trường trong nước sẽ có 2 tác dụng. Thứ nhất, giảm áp lực xuất khẩu và sẽ giúp tăng giá xuất khẩu. Thứ hai, khai thác được thị trường gần 100 triệu dân, qua đó tăng sản lượng, thúc đẩy sản xuất.

Việc phát triển thị trường trong nước sẽ giúp đạt “mục tiêu kép”, vừa tăng sản lượng, vừa tăng giá trị nông sản Việt, vừa tạo ra một thị trường tiêu thụ với sản phẩm đa dạng, người dân có thêm nhiều lựa chọn cho tiêu dùng.

Do đó, không nên xem tìm lại thị trường nội địa là giải pháp tình thế gỡ khó trong lúc xuất khẩu bế tắc, mà phải xem đây là chiến lược để đưa những sản phẩm cao cấp, đạt tiêu chuẩn thế giới về phục vụ người tiêu dùng trong nước. Để xây thêm 1 chân trụ bền vững cho phát triển.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/ca-tra-giat-minh-tim-duong-boi-nguoc-n-474611.html