Cá tra đối diện kim ngạch 2 tỉ USD: 'Vượt vũ môn' để 'hóa rồng'

Sau khi chạm mức kỷ lục hơn 1,7 tỉ USD trong năm 2017, xuất khẩu cá tra đang hướng đến một kỷ lục mới: Đạt từ 2-2,2 tỉ USD trong năm 2018. Với cả những thuận lợi và thách thức đang đặt ra, liệu con cá tra có thể 'vượt vũ môn' để hoàn thành cột mốc lịch sử này?...

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: P.V

Kỳ 1: Khi cá tra “mắc cạn”

Cá giống được xem là yếu tố quyết định chất lượng của con cá tra, nhưng ít được quan tâm suốt thời gian dài. Để bây giờ, cùng với việc Hòa Kỳ áp mức thuế khủng khiếp, đã khiến con cá tra phải “khập khiễng” ngay từ ao nhà”…

Buông lỏng từ gốc

Đầu năm 2017, giá cá tra giống dao động từ 27.000-39.000đ/kg (loại 30 con/kg). Thời điểm từ tháng 5 đến tháng 8, giá cá giống giảm xuống còn 17.000-18.000đ/kg. Sau đó, từ cuối năm 2017 đến nay, giá cá giống liên tục tăng cao, có thời điểm đạt mức 70.000-81.000đ/kg (đối với 50 con/kg). Đây là mức giá kỷ lục, chưa từng có trong vài chục năm trở lại đây. Nguyên nhân giá tăng được lý giải do nguồn cá giống khan hiếm, thiếu hụt trầm trọng.

Khảo sát tại Vĩnh Long cho thấy, tỉnh này có hơn 458ha nuôi cá tra với 3 cơ sở sản xuất cá bột, năng suất ước đạt hơn 2 tỉ cá bột/năm; nhưng thực tế trong năm 2017 chỉ đạt hơn 1,2 tỉ cá bột. Ngoài ra, toàn tỉnh có 4,89ha sản xuất, kinh doanh cá tra giống (sản lượng ước đạt trên 32 triệu con/năm). Số lượng cá giống này chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu giống của toàn tỉnh.

Theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2017, diện tích nuôi cá tra cả nước là 5.230ha, 109 trại sản xuất cá tra giống và hơn 1.800 cơ sở ương dưỡng giống cá tra, đã cung cấp 2,067 tỉ con giống cho nhu cầu nuôi thương phẩm. Thế nhưng, tại nhiều thời điểm vẫn xảy ra tình trạng thiếu giống.

Tính đến ngày 10.3, diện tích thả ương cá bột tại 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ có hiệu quả thấp do cá chết cấp tính (thời điểm 15-21 ngày tuổi hoặc trên 30 ngày tuổi) do dịch bệnh bùng phát.

Ngoài ra, mật độ ương khá dày (khoảng 1.000 con/m2 so với khuyến cáo tối đa là 700 con/m2) đã ảnh hường đên tỉ lệ sống trong quá trình ương dưỡng.

Anh Phạm Minh Tài (nuôi cá tra hơn 20 năm ở xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, An Giang) cho biết: “Có thể rút gọn quá trình nuôi cá tra như sau: Từ cá bột ương dưỡng thành cá giống, rồi từ cá giống nuôi thành cá thành phẩm. Gia đình tôi nuôi 4ha cá tra với 7 ao, nhưng từ cá bột ương thành cá giống chỉ đạt được 1 ao, còn lại mất trắng. Sau đó, từ số cá giống này nuôi đến thành phẩm, người nuôi tiếp tục gánh thêm một lượng hao hụt lớn.

Điều này khiến giá thành cá tra cao ngất ngưởng, trở thành một trong những nguyên nhân khiến người nuôi thua lỗ kéo dài. Có thể nói, cá bột và cá giống là gốc rễ của con cá tra, nhưng suốt thời gian qua, nó chưa được ngành chức năng quan tâm; điển hình là chất lượng cá giống quá kém”.

Ông Nguyễn Ngọc Oai - quyền Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản - nói: “Tỉ lệ hao hụt trong sản xuất cá tra giống hiện rất cao, nguyên nhân là do giống kém chất lượng. Khi nguồn giống khan hiếm đã dẫn đến việc các hộ, cơ sở thả nuôi với mật độ dày, càng làm phát sinh dịch bệnh, tỉ lệ sống thấp”.

“Bít cửa” vào thị trường Mỹ

Khi chuyện “sốt” con giống còn đang “nóng hổi” thì ngày 17.3 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế được xem là “khủng khiếp” nhất từ trước đến nay.

Theo đó, quyết định cuối cùng này của DOC, có 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt, gồm: Godaco, Caseamex, Cuu Long Fish, Dai Thanh Seafoods, Green Farms, Hung Vuong Group, NTSF Seafoods, Southern Fishery, Vinh Quang Fisheries; phải chịu thuế chống bán phá giá với mức thuế từ 3,87USD/kg. Mức thuế này cao gấp 1,6 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 hồi tháng 9.2017, cao gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) trước đó.

Ngoài ra, mức thuế chống bán phá giá còn được Mỹ áp cao ngất ngưởng đối với hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods lên tới 7,74USD/kg.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) - đánh giá vụ việc trên là “rất vô lý”, khiến các doanh nghiệp Việt Nam không còn cơ hội xuất khẩu cá tra vào Mỹ do mức ký quỹ quá cao.

Ông Hòe nói và phân tích: Mức thuế lần này được tính từ các yếu tố bất lợi có sẵn, nhưng lại cao hơn hẳn so với mức thuế toàn quốc (country-wide rate) mà DOC đang áp dụng cho cá tra Việt Nam. Hiện mức thuế toàn quốc là 2,39USD, nhưng mức thuế lần này lên tới hơn 3,8USD, mang tính áp đặt ngăn chặn.

Bên cạnh đó, DOC đưa ra yêu cầu về thay đổi khai báo hồ sơ cũng khác hơn so với mọi năm trước, dẫn đến việc xem xét hồ sơ của bị đơn bắt buộc không thấu đáo và đầy đủ, khiến mức thuế doanh nghiệp phải chịu là rất cao.

“Thông thương mức thuế được tính từ các yếu tố bất lợi có sẵn không được quyền đưa vào trở thành mức thuế trung bình đối với các doanh nghiệp được hưởng thuế suất riêng lẻ. Nhưng DOC lại áp dụng mức thuế này vào trở thành mức thuế trung bình cho các doanh nghiệp. Đây là điểm vô lý, không đúng với thông lệ hiện nay của luật chống bán phá giá của Mỹ” - ông Hòe cho hay.

TRẦN LƯU

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/ca-tra-doi-dien-kim-ngach-2-ti-usd-vuot-vu-mon-de-hoa-rong-596809.ldo