Cá tôm Sông Đà - Hòa Bình đã nổi tiếng cần xây dựng thương hiệu

Trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay, hàng hóa Việt Nam nói chung và các sản phẩm nuôi trồng thủy sản nói riêng cần xây dựng thương hiệu và hệ thống giá trị nhận diện được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...

Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng về chăn nuôi thủy sản nước ngọt nhanh nhất trên thế giới nhưng năng lực canh tranh quốc tế thấp, nhiều mặt hàng bị yếu thế ngay tại thị trường nội địa (cá lăng, cá chuối, cá tầm...). Sản xuất thủy sản theo cơ chế nhãn hiệu chứng nhận về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất và các tiêu chuẩn khác là công cụ để thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường (nhận biết, phân biệt, trải nghiệm, tiêu dùng và tin dùng) và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các loại cá trên sông Đà đã nổi tiếng từ lâu nhưng cũng rất cần xây dựng thương hiệu

Khai thác tôm, cá và nuôi cá lồng là một thế mạnh của 6 huyện/thành phố thuộc lưu vực sông Đà của tỉnh Hòa Bình. Sản lượng khai thác tự nhiên ở đây ước tính đạt 500 tấn/năm (tôm và các các loai). Hiện nay, nghề nuôi cá lồng tại đây mang tính sản xuất hàng hóa tập trung với các loài cá chính như: Chày mắt đỏ, Trắm cỏ, Chép, Trôi, Rô phi, Trê lai, Trắm đen, Chiên, Măng, Tầm Siberi... Khai thác tôm, cá và nuôi cá lồng đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các xã ven hồ thủy điện Hòa Bình, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống của người dân. Theo thống kê 2017, khu vực này có khoảng trên 4.000 lồng nuôi, sản lượng 4.000 tấn cá/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động trực tiếp và gián tiếp. Các sản phẩm tôm, cá nuôi và khai thác có chất lượng cao, được người tiêu dùng tại Hà Nội và nhiều tỉnh/thành trong nước tin dùng. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ vẫn gặp nhiều hạn chế do phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong và ngoài nước, người tiêu dùng không có dấu hiệu nhận biết nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Vì vậy, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt nhiệm vụ khoa học công nghệ: “Xây dựngvà phát triển nhãn hiệu chứng nhận Sông Đà – Hòa Bình cho sản phẩm cá, tôm hồ thủy điện Hòa Bình”.

Nhãn hiệu chứng nhận “Sông Đà – Hòa Bình” cho sản phẩm cá, tôm hồ thủy điện Hòa Bình”.

Nhãn hiệu “Cá Sông Đà – Hòa Bình” được sử dụng để chứng nhận cho 2 nhóm sản phẩm cá khai thác tự nhiên và nuôi, được chứng nhận đáp ứng các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng cảm quan, lý hóa và quy định khai thác hoặc nuôi.

- Nhóm cá khai thác tự nhiên bao gồm 16 loại:Bò (Pseudobagrus fulvidraco), Bống (Gobiiformes), Chày (Squaliobarbus curriculus), Chép (Cyprinus carpio), Lăng (Bagridae), Mương (Hemiculter leucisculus), Ngần (Salangidae), Ngạnh (Cranoglanis sinensis), Nheo (Siluridae), Quả (Channidae), Rô phi (Oreochromis niloticus), Tép dầu,Ngão (Culter), Trạch (Mastacembelidae), Trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella)vàTrắm đen (Mylopharyngodon piceus). Các sản phẩm này có đặc điểm nhận dạng cơ bản là cá còn sống, khỏe mạnh và không có dấu hiệu bệnh lý, không có tồn dư kim loại nặng về Hg, Asen và Pb

- Nhóm cá nuôi lồng bao gồm 18 loại:Bống/Spinibarbus denticulatus; Chày (Squaliobarbus curriculus) Chép (Cyprinus carpio), Chiên (Bagarius yarrelli), Diêu hồng (Oreochromis sp), Lăng (Hemibagrus), Măng (Chanos chanos), Ngạnh (Cranoglanis sinensis), Nheo (Siluridae), Nheo Mỹ (Ictalurus punctatus), Quả (Channidae), Dầm xanh (Sinilabeo lemassoni), Rô phi (Oreochromis niloticus), Tầm (Acipenseriformes), Trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella), Trắm đen (Mylopharyngodon piceus), Trê lai (Clarias sp.) và Vược (Perciformes). Các sản phẩm này có đặc điểm nhận dạng cơ bản là cá còn sống, khỏe mạnh,không có dấu hiệu bệnh lý, không có tồn dư kim loại nặng về Hg, Asen và Pb, đảm bảo các yêu cầu ATTP, đáp ứng đúng quy định cụ thể về khối lượng tối thiểu của từng loại.

Nhãn hiệu “Tôm sông Đà – Hòa Bình” chứng nhận cho sản phẩm tôm khai thác tự nhiên tại lưu vực sông Đà của tỉnh Hòa Bình, đáp ứng các tiêu chí về chất lượng cảm quan và lý hóa, quy định khai thác. Sản phẩm “Tôm sông Đà – Hòa Bình” có đặc điểm cơ bản như sau: Màu nâu đất, mùi đặc trưng của tôm tươi, nguyên con, không lẫn tạp chất, không có tồn dư kim loại nặng và các vi sinh vật gây bệnh.

Khu vực sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cá, tôm “Sông Đà – Hòa Bình” thuộc các địa phương cụ thể sau:

- Xã Thái Thịnh, xã Trung Minh, phường Tân Thịnh, phường Tân Hòa, phường Phương Lâm, phường Đồng Tiến và xã Yên Mông của thành phố Hòa Bình.

- Xã Hiền Lương, Đồng Nghê, Suối Nánh, Vầy Nưa, Mường Tuổng, Mường Chiềng, Cao Sơn, Yên Hòa, Đồng Ruộng, Đồng Chum, Toàn Sơn và Tiền Phong của huyện Đà Bắc.

- Xã Thung Nai và xã Bình Thanh của huyện Cao Phong.

- Xã Phúc Sạn, xã Tân Mai và xã Ba Khan của huyện Mai Châu.

- Xã Ngòi Hoa và xã Trung Hòa của huyện Tân Lạc.

- Thị trấn Kỳ Sơn, xã Hợp Thịnh và xã Hợp Thành của huyện Kỳ Sơn.

Chủ sở hữu nhãn hiệu“Sông Đà – Hòa Bình” là Sở nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hòa Bình thực hiện chức năng quản lý nhãn hiệu: Cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân khai thác, nuôi và kinh doanh các sản phẩm cá, tôm đáp ứng được các yêu cầu về chứng nhận sản phẩm; kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm.

Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Sông Đà – Hòa Bình”

Trong bối cảnh thị trường hội nhập sâu rộng, nhiều địa phương, vùng lãnh thổ và quốc gia cùng phát triển thủy sản cho thấy sự cạnh tranh của các sản phẩm tôm và cá các loại được nuôi và khai thác tại lưu vực sông Đà ngày càng khốc liệt. Việc các sản phẩm cá, tôm “Sông Đà – Hòa Bình” được bảo hộ nhãn hiệu mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình thuyết phục thị trường tiêu dùng.

Nhãn hiệu không chỉ là vỏ bọc bên ngoài của tên gọi, hình ảnh, bao bì/nhãn mác mà quan trọng là duy trì sự ổn định chất lượng sản phẩm, sử dụng và quản lý nhãn hiệu trước vấn nạn hàng giả/hàng nhái. Nhãn hiệu phải gắn liền với việc tổ chức vận hành chuỗi cung ứng, kiểm soát giống, quy trình kỹ thuật khai thác/ nuôi, bảo tồn nguồn lợi, sử dụng bao bì/tem nhãn..., dịch vụ hỗ trợ và phát triển mạng lưới tiêu thụ...Thất bại của nhiều sản phẩm được xây dựng nhãn hiệu trong nước cho thấy, nếu chỉ tập trung khai thác sau khi được bảo hộ mà không chú trọng đến công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu sẽ dẫn đến tác dụng ngước “phản thương hiệu” do chất lượng suy giảm, nạn hàng giả/nhái...

Yêu cầu tiêu dùng và quản lý nhà nước ngày càng cao về tính minh bạch nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, quy trình sản xuất, an toàn thực phẩm và chứng nhận đối với các sản phẩm thực phẩm. Quản trị nhãn hiệu chính là việc tạo dựng và duy trì hình ảnh của sản phẩm với người tiêu dùng bằng chất lượng, sự cam kết của nhà sản xuất, tổ chức chuỗi sản xuất và cung ứng..., áp dụng hệ thống kiểm soát, tiến bộ kỹ thuật, quảng bá, xúc tiến thương mại, đa dạng hóa kênh phân phối. Vì vậy, cần thiết lập và vận hành mô hình quản lý nhãn hiệu với các công cụ đi kèm (các quy chế, quy định), hệ thống nhận diện, truy xuất nguồn gốc và quảng bá sản phẩm. Trong đó, chú trọng khâu quản trị của các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp. Để bảo vệ sản xuất, nguồn lợi thủy sản và phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cá, tôm “Sông Đà- Hòa Bình”, việc thiết lập hệ thống quản trị nội bộ tại các cơ sở sản xuất và tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với kiểm soát chất lượng là cần thiết. Ngoài các kênh tiêu thụ hiện có, cần đa dạng phương thức bán hàng và thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống bằng việc áp dụng các công cụ phát triển thị trường hiện đại (bán hàng online, sàn giao dịch, chợ cá đầu mối...)

Đây cũng là giải pháp để thu hút du lịch trải nghiệm đến với miền danh thắng này

Kết luận:

Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm cá, tôm thuộc lưu vực “Sông Đà – Hòa Bình” của tỉnh Hòa Bình tạo công cụ tiếp cận và phát triển thị trường cho các sản phẩm, bảo vệ người sản xuất... là cần thiết.

Điều quan trọng hơn cả là phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng nội bộ tại chính các cơ sở sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm theo chuỗi cung, nghiên cứu và xác định nhu cầu của thị trường, quảng bá và xúc tiến thương mại, truyền thông và đối thoại với khách hàng.

Để quản lý và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu “Cá Sông Đà- Hòa Bình” và “Tôm Sông Đà- Hòa Bình”, cho các sản phẩm cá, tôm được khai thác tự nhiên và nuôi tại lưu vực sông Đà tỉnh Hòa Bình, kiến nghị một số vấn đề sau:

- Xây dựng và vận hành mô hình kiểm soát nhãn hiệu theo 3 cấp: 1) Quản lý nhà nước của Sở NN-PTNT Hòa Bình; 2) Kiểm soát nội bộ của từng HTX và doanh nghiệp) và 3) Kiểm soát của từng hộ gia đình

- Minh bạch hóa sản phẩm thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc có kiểm soát và cập nhật. Minh bạch hóa bộ tiêu chuẩn về nguồn gốc, chất lượng cảm quan và lý hóa của sản phẩm để thuyết phục được người tiêu dùng nhận diện và tin dùng.

- Tăng cường quảng bá, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, giao tiếp và đối thoại với khách hàng.

- Các cơ sở sản xuất cần tích cực và chủ động trong việc tham gia vào thị trường.

Bùi Kim Đồng, Nguyễn Thị Hiền

(Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam)

[1] Hệ thống truy xuất nguồn gốc Qr-code cần được quản lý và cập nhật

[2] Hệ thống nhận diện phải đồng nhất, vừa đảm bảo yêu cầu chung của nhãn hiệu “Sông Đà – Hòa Bình”, vừa đảm bảo tính riêng biệt của từng HTX/doanh nghiệp.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/ca-tom-song-da-hoa-binh-da-noi-tieng-can-xay-dung-thuong-hieu-49772.htm