Cả thế giới ngóng vắc-xin Covid-19

Làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới với số ca nhiễm tăng cao kỷ lục, trong khi các ổ dịch mới bùng phát tại nhiều nơi.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Trong bối cảnh đó, cuộc đua bào chế vắc-xin đang dần đến ngày về đích trong năm nay đã làm tăng hy vọng thế giới sẽ sớm kiểm soát được đại dịch.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có ít nhất 25 loại vắc-xin Covid-19 đang bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người, bước cuối cùng trước khi được phê duyệt và cấp phép sản xuất hàng loạt. Trong đó, khoảng 7 loại vắc-xin có nhiều khả năng sẽ được đưa ra thị trường trong vài tháng tới.

Một trong những vắc-xin được kỳ vọng sẽ bán ra sớm nhất là ChAdOx1 do Đại học Oxford của Anh và Tập đoàn Dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca phối hợp bào chế. Loại vắc-xin này đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên hàng nghìn người tình nguyện từ giữa tháng 7 và có thể sẽ được phê duyệt vào tháng 9 năm nay.

Các nhà phát triển đặt mục tiêu sản xuất 2 tỷ liều ChAdOx1 trong năm 2021 khi vắc-xin này được cấp phép thương mại. Do đó, họ vừa đạt thỏa thuận với hai nhà sản xuất có năng lực của châu Á là Viện Nghiên cứu huyết thanh Ấn Độ và Công ty Dược SC Bioscience Hàn Quốc để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của thế giới trong tương lai gần.

Loại vắc-xin được kỳ vọng thứ hai là sản phẩm của Hãng Dược phẩm Mỹ Moderna phối hợp với Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ bào chế. Sản phẩm này cũng bắt đầu thử nghiệm giai đoạn cuối cùng trên người hôm 27/7, dự kiến sẽ được phê duyệt trong tháng 10 và bắt đầu cung cấp ra thị trường một tháng sau đó.

Bên cạnh đó, vắc-xin có tên mRNA do một nhóm liên doanh nghiên cứu bào chế gồm Công ty BioNTech (Đức), Pfizer (Mỹ) và Fosun Pharm (Trung Quốc) cũng đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người.

Vắc-xin này dự kiến sẽ được thương mại hóa vào tháng 12 năm nay và trong năm 2021 có thể đưa ra thị trường hơn 1 tỷ liều.

Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những nhà lãnh đạo tích cực nhất trong việc thúc đẩy bào chế vắc-xin Covid-19. Ngoài lý do ngăn chặn đại dịch tại Mỹ thì mục tiêu chính trị của ông là vắc-xin sẽ mang lại lợi thế trong cuộc bầu cử vào cuối năm. Kể từ tháng 3 đến nay, Nhà Trắng đã đầu tư 6,3 tỷ USD cho các hoạt động phát triển vắc-xin của nước này.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là một trung tâm trong cuộc chạy đua với ít nhất 3 loại vắc-xin Covid-19 do những tập đoàn dược lớn như Sinopharm, Sinovac Biotech và CanSino Biologics bào chế đang bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người, sẽ sớm được phê chuẩn sản xuất đại trà trong vài tháng tới.

Trong khi đó, Nga vừa bất ngờ công bố họ sẽ trở thành nước đầu tiên trên thế giới sản xuất hàng loạt vắc-xin Covid-19 chỉ trong hai tuần nữa, vào giữa tháng 8. Đây là vắc-xin do Viện Gamaleya Moscow nghiên cứu và điều chế. Các nhà tài trợ cho sản phẩm này so sánh việc ra đời vắc-xin Covid-19 như khoảnh khắc Liên Xô trở thành nước đầu tiên trên thế giới phóng vệ tinh Sputnik năm 1957.

Tuy nhiên, do Nga chưa công bố các dữ liệu khoa học về quá trình phát triển và thử nghiệm loại vắc-xin nói trên đã dẫn tới sự hoài nghi về hiệu quả cũng như động cơ chính trị của nó. Trong khi đó, các nhà khoa học Nga giải thích tốc độ điều chế nhanh nhờ áp dụng phương pháp phát triển phổ biến là dùng phiên bản sửa đổi từ một số loại vắc-xin khác để điều chế vắc-xin Covid-19.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ca-the-gioi-ngong-vac-xin-covid-19-1596169574899.html