Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: 'Ra Trường Sa, tôi và những người lính vừa hát vừa khóc'

'Khi ra đảo, chỉ cần ôm đàn là tôi có thể say sưa hát, có những lúc tôi và những người lính vừa rưng rưng khóc vừa hòa giọng hát' - ca sĩ Vũ Thắng Lợi chia sẻ.

Vũ Thắng Lợi là một trong những ca sĩ trẻ sáng giá bậc nhất của dòng nhạc đỏ hiện nay. Nhân dịp ra mắt album Khát vọng, anh chia sẻ với VTC News về hành trình đã qua, về những chuyến biểu diễn nơi biên cương, hải đảo.

Ca sĩ nhạc đỏ đang sống tốt

- Sau một thời gian ra mắt album "Khát vọng", anh nhận thấy phản hồi của khán giả và đồng nghiệp thế nào?

Thời điểm này, mọi hoạt động nghệ thuật đều chững lại. Khán giả đang khao khát có những sản phẩm âm nhạc mới để thưởng thức. Thế nên, khi CD Khát vọng của tôi ra mắt, khán giả rất đón nhận. Anh em đồng nghiệp cũng đánh giá cao vì thời điểm này, làm một CD rất khó khăn, đặc biệt là với dòng nhạc đỏ. Hơn nữa, CD của tôi lại được thực hiện rất kỹ lưỡng, chỉn chu ngay từ khâu chọn bài hát, phối khí cho tới giọng hát.

Nói chung, tôi nhận thấy khán giả và đồng nghiệp đều ghi nhận nỗ lực của tôi và giành cho CD Khát vọng những tình cảm rất đáng trân trọng.

- Nhiều người thắc mắc, điều gì khiến anh vẫn quyết định làm CD ở thời điểm này, điều mà các nghệ sĩ không còn mặn mà?

Đúng là bây giờ nhiều nghệ sĩ không thích thực hiện CD, vừa tốn công sức vừa đầu tư lớn, lại không đạt nhiều lợi nhuận về kinh tế. Họ chỉ muốn làm MV hoặc những sản phẩm phát hành online để thực hiện và sớm thu hồi vốn. Nhưng tôi thấy mình cần phải thực hiện những CD như Khát vọng. Với tôi, những sản phẩm âm nhạc như CD là đại diện cho tiếng nói, cho những quan điểm, nỗ lực và sự tiến bộ của nghệ sĩ trên con đường nghệ thuật.

Làm CD, dĩ nhiên phải gác bài toán kinh tế sang một bên. Tôi được đánh giá cao về chuyên môn, về sự cống hiến nhưng lại thiệt thòi trong việc hồi vốn. Tôi nghĩ làm nghề đôi khi phải chấp nhận hy sinh. Nghề cho tôi có được ngày hôm nay, có show, có thu nhập để tái đầu tư và quan trọng là có thể duy trì dòng nhạc mình theo đuổi, vậy thì tôi chịu một chút thiệt thòi về kinh tế cũng có sao.

Ca sĩ Vũ Thắng Lợi.

Ca sĩ Vũ Thắng Lợi.

Tôi không dám nói tới các dòng nhạc khác, nhưng nếu trong dòng nhạc đỏ, các nghệ sĩ không ra CD và sản phẩm được đầu tư nghiêm túc, chỉn chu thì nghệ sĩ trẻ đâu còn động lực để theo đuổi đam mê. Những CD, sản phẩm được đầu tư nghiêm túc của những người đi trước chính là kim chỉ nam dẫn đường để lớp trẻ có thể đi theo. Và đó cũng là cách khiến dòng nhạc đỏ không bị mai một.

Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, ai cũng nghĩ là khó khăn nhưng thực ra lại rất thuận lợi cho việc ra mắt các sản phẩm âm nhạc vì đáp ứng được sự khao khát của khán giả.

- Được coi là một trong những giọng ca trẻ đại diện của dòng nhạc đỏ hiện nay, anh nhận thấy cuộc sống của những người theo đuổi dòng nhạc này thế nào?

Nhiều người nói là khó khăn nhưng chúng tôi đang sống rất đang hoàng. Tôi luôn thấy mình may mắn khi được theo đuổi một dòng nhạc có tầm tư tưởng lớn, có sức sống mãnh liệt. Tôi cũng cảm thấy tự hào khi mình góp một phần nhỏ bé và việc nhắc nhở thế hệ trẻ không quên quá khứ, không quên lịch sử.

- Nhiều người nói, Vũ Thắng Lợi hát nhạc đỏ theo phong cách rất mới, nhẹ nhõm, gần gũi, mới mẻ và hấp dẫn hơn. Anh nghĩ gì về nhận xét này?

Tôi nghĩ chúng ta đang sống trong hoàn cảnh rất khác so với thời điểm các ca khúc nhạc đỏ được ra đời. Khi đó, đất nước đang đứng trước sự an nguy, người lính cần được tiếp thêm sức mạnh từ câu thơ, câu hát nên các nghệ sĩ khi thể hiện cần đặc biệt chú trọng tới sự hào hùng, truyền cho người nghe ngọn lửa hừng hực sống và chiến đấu. Những ca khúc ấy đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong thời khắc vĩ đại của dân tộc.

Còn bây giờ là thời bình. Là nghệ sĩ, tôi muốn thổi vào các ca khúc hơi thở mới của cuộc sống, khiến những ca khúc ấy trở nên dễ tiếp cận hơn với khán giả.

Tôi biết có rất nhiều nghệ sĩ trẻ tài giỏi hơn tôi, cũng có nhiều đam mê và khát khao cống hiến nhưng chưa được nhiều người biết đến. Tôi may mắn khi gặp được ê-kíp có thể nâng giọng hát của tôi lên.

Thay đổi sau lần ra Trường Sa

- Anh đang công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2. Môi trường quân đội giúp gì cho anh trên con đường ca hát?

Tôi luôn cảm ơn môi trường quân đội rèn cho tôi bản lĩnh, sự kiện định trong lập trường, tư tưởng và hành động; cho tôi rất nhiều chất xúc tác để thăng hoa hơn trong giọng hát.

Tôi nghĩ, mình may mắn hơn các nghệ sĩ khác ở chỗ được tiếp xúc thường xuyên với những người lính, được sống cuộc đời người lính. Điều đó cho tôi những trải nghiệm rất quý giá. Những ca khúc nhạc đỏ chủ yếu viết về cuộc sống, tâm tư, tình cảm của người lính. Và vì đang là lính, tôi có cơ hội thẩm thấu các ca khúc đó tốt hơn những nghệ sĩ đơn thuần khác.

- Anh thường xuyên đi biểu diễn phục vụ những người lính ngoài biên cương, hải đảo. Những chuyến đi này để lại trong anh ấn tượng gì?

Tôi có rất nhiều chuyến đi biểu diễn cho các chiến sĩ ngoài biên cương, hải đảo, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là lần ra Trường Sa năm 2011. Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, tôi cùng một số nghệ sĩ khác đặt chân lên đảo. Các chiến sĩ chào đón chúng tôi rất niềm nở. Có những người khi biết tin có văn công tới biểu diễn đã thức trắng cả đêm vì hồi hộp, mong ngóng.

Lúc còn trên tàu, tôi bị say sóng, mệt mỏi rã rời, cứ lo rằng với tình hình sức khỏe như thế thì làm sao hát được. Thế nhưng khi lên đảo, sự háo hức, niềm nở của những người lính khiến chúng tôi quên hết mệt nhọc. Ở đảo, chỉ cần ôm cây đàn guitar là tôi có thể say sưa hát. Thậm chí, có những lúc cả tôi và những người lính đều nghẹn ngào, vừa rưng rưng khóc vừa hòa giọng hát.

Ra Trường Sa, tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của hai từ "đất nước", thấy hết được những hy sinh âm thầm của người lính và sự nồng hậu của họ.

Ca sĩ Vũ Thắng Lợi

Ra Trường Sa, tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của hai từ "đất nước", thấy hết được những hy sinh âm thầm của người lính và sự nồng hậu của họ. Khi chúng tôi hoàn thành chuyến biểu diễn, lên tàu tới đảo khác, các chiến sĩ đứng lên vẫy tay chào. Những kỷ niệm đó, mỗi lần chia sẻ lại tôi đều rất xúc động.

- Anh thay đổi thế nào sau những chuyến đi đó?

Cuộc sống của những người lính ở đảo hoàn toàn khác với những gì tôi đang trải nghiệm. Họ phải hy sinh những năm thanh xuân, chấp nhận sống xa gia đình, người thân, bạn bè, coi bốn biển là nhà. Chúng ta đang có những giây phút bình yên, còn với họ, sự nguy hiểm chưa bao giờ rời xa. Tôi tự hỏi, tại sao họ có thể chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt đó, trong khi mình có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều mà lại không cống hiến.

Những chuyến đi ấy cho tôi nhiều trải nghiệm. Tôi hiểu hơn về cuộc sống, về sự hy sinh lặng lẽ của những người lính trong thời bình, từ đó tôi càng trân trọng hơn quá khứ.

Bạn tin không, có những lúc đứng trên sân khấu, hát những ca khúc về người lính mà tôi nghẹn ngào. Cái đó không phải do tôi diễn mà là cảm xúc mà tôi có được nhờ những chuyến đi như thế. Càng tiếp xúc với những người lính, tôi càng có thêm khát vọng được cống hiến hết mình cho âm nhạc. Tôi thấy mình may mắn vì tìm được dòng nhạc phù hợp với mình và được là chính mình khi cất lên tiếng hát.

Từng day dứt khi ở lại Hà Nội

- Trong liveshow kỷ niệm 10 năm ca hát, anh đã không nén được sự xúc động khi tâm sự về cha mẹ.

Cha tôi đã ngoài 90 tuổi. Hồi mới ra Hà Nội học, ở nhà trọ, thỉnh thoảng tôi tỉnh dậy trong giấc mơ, nước mắt đầm đìa. Bố mẹ tôi lớn tuổi rồi, tôi chỉ sợ có chuyện gì không hay với bố mẹ, mình về không kịp.

Sau này, khi ra trường, tôi định chuyển về công tác gần nhà để có điều kiện chăm sóc bố mẹ. Tuy nhiên, vì muốn được thỏa những khát khao trong âm nhạc, tôi chọn cách ở lại Hà Nội. Sự lựa chọn này từng khiến tôi day dứt; nhất là trong giai đoạn mới ra trường, sự nghiệp còn rất nhiều trắc trở. Tôi tự hỏi, mình có đúng không khi cứ mãi loay hoay ở chốn đô thành, trên tay mãi chưa có gì trong khi bố mẹ thì lại đang già đi. Liệu họ có đủ sức để đợi tới ngày tôi thành công?

Năm 2012, mẹ tôi gặp sự cố rất nghiêm trọng về sức khỏe. Tôi phải về quê chăm sóc bà. Lúc đó, sự nghiệp của tôi vẫn rất lận đận. Tôi chưa có nhiều show, thu nhập có tháng chỉ đủ trả tiền nhà và sinh hoạt phí tối thiểu. Lúc đó, tôi thực sự đã có ý định chuyển công tác về gần nhà.

Rất may, sau đó sức khỏe mẹ bình phục. Tôi trở lại Hà Nội với quyết tâm phải thành công, không chỉ cho bản thân mình mà còn cho cha mẹ. Tôi cố gắng hết sức để gia đình được đoàn tụ.

- Giờ đây điều đó đã thành hiện thực, cảm xúc của anh thế nào?

Tôi đón được bố mẹ ra Hà Nội sống cùng mình. Cảm giác đó sung sướng lắm. Sáng nào phải đi làm sớm, tôi vẫn lén mở cửa phòng nhìn bố mẹ. Hay có buổi trưa nào đó, tôi chạy ù từ cơ quan về, nằm ngủ cùng bố mẹ một lúc rồi mới quay lại chỗ làm.

Cảm giác hạnh phúc khi có bố mẹ ở bên, có lẽ chỉ những người ở trong hoàn cảnh như tôi mới cảm nhận được. Tuy nhiên, tôi nghĩ báo hiếu đấng sinh thành là điều mà mọi người con đều làm, không chỉ riêng tôi.

Video: Vũ Thắng Lợi thể hiện ca khúc "Khát vọng"

Thu Giang

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ca-si-vu-thang-loi-ra-truong-sa-toi-va-nhung-nguoi-linh-vua-hat-vua-khoc-ar568434.html