Ca sĩ Vân Quang Long qua đời do đột quỵ: Có triệu chứng này bạn tuyệt đối đừng bỏ qua

Trên thế giới, 45 giây có một người đột quỵ và mỗi năm Việt Nam có 200.000 người đột quỵ. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao hơn cả ung thư.

Nguyên nhân đột quỵ

PGS TS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết có nhiều bệnh nhân đột quỵ còn rất trẻ chỉ 30 – 40 tuổi. Điều đáng tiếc, nhiều bạn trẻ có lối sống không khoa học là nguyên nhân gây nên đột quỵ.

PGS Nam cho rằng đột quỵ gia tăng ở người trẻ hiện tại Việt Nam chưa có một thống kê nào chính xác, hiện nay cũng chỉ có một số khuyến cáo dịch tễ học bệnh viện. Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ do dị dạng mạch máu não và một phần do lối sống không khoa học.

Với dị dạng mạch máu não ở người trẻ do bẩm sinh, cần chú ý triệu chứng chóng mặt, nhức đầu nên đến bệnh viện sàng lọc chụp MRI hoặc DNA tầm soát hoặc có thể tầm soát mạch máu não thì rất tốt.

Nguyên nhân do lối sống, PGS Nam cho rằng nó rất quan trọng vì đáng tiếc những người đột quỵ dưới 40 tuổi thì 80 % là nam giới có hút thuốc, uống bia rượu nhiều, lười vận động. PGS Nam nhấn mạnh thói quen xấu này gây ra các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và người trẻ cũng chủ quan với nó dẫn tới tai biến mạch máu não. Chỉ khi vào bệnh viện cấp cứu, thoát chết nằm trên giường bệnh họ mới tìm hiểu vì sao mình bị đột quỵ.

Đột quỵ bao giờ cũng “tiền triệu” (triệu chứng báo sớm), các tiền triệu chứng này có lúc chỉ thoáng qua nên bản thân người bệnh không để ý. Ví dụ đang uống nước rớt nước ra khỏi miệng, nói hơi đớ hay còn gọi là cơn thiếu máu thoáng qua. Khi đó, người bệnh cần tới các cơ sở chuyên khoa, can thiệp mạch cần kiểm tra kỹ xem có vấn đề gì không. Nhiều bệnh nhân liệt mặt lại nghĩ trúng gió nên đi cạo gió, châm cứu hết triệu chứng nhưng cũng là dấu hiệu cảnh báo sắp có cơn đột quỵ xảy ra.

Ca sĩ Vân Quang Long qua đời do đột quỵ

Ca sĩ Vân Quang Long qua đời do đột quỵ

Các dấu hiệu nhận biết một người bị đột quỵ:

Mặt méo, miệng méo

Yếu liệt tay chân

Nói khó…

Đột ngột ngã quỵ hôn mê, mất ý thức….

Đối với bệnh nhân đột quỵ, thời gian chính là vàng, khi bệnh nhân có dấu hiệu đầu tiên đến khi được xử lý can thiệp, càng sớm sẽ càng có lợi cho bệnh nhân. Một phút trôi qua bệnh nhân đột quỵ sẽ mất đi 2 triệu tế bào thần kinh, vì vậy, PGS Nam khuyến cáo nếu bạn có một trong những dấu hiệu như đột ngột tê yếu tay chân, nói khó, nói ú ớ không rõ, miệng đột ngột bị méo lệch sang một bên cần được đưa ngay đến cơ sở y tế có cấp cứu can thiệp đột quỵ để được hỗ trợ xử lý kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Dự phòng sớm

PGS Nam cho biết ngoài nguyên nhân đột quỵ do bệnh lý dị dạng mạch máu não bẩm sinh không thể dự phòng, các nguyên nhân lối sống không khoa học người trẻ cần tránh như hạn chế bia rượu, thuốc lá. Tăng cường vận động thể dục thể thao. Những người áp lực với công việc cần tạo cho mình kế hoạch làm việc thật tốt.

Chế độ ăn uống mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo, kiểm soát cân nặng, ngăn tình trạng béo phì. Thực hiện chế độ ăn muối và kali hợp lý: Ăn mặn làm tăng huyết áp. Mức độ ăn kiêng được khuyến cáo chung là không quá 6g muối ăn mỗi ngày. Nên bổ sung kali bằng ăn thêm hoa quả và rau tươi. Giữ trọng lượng cơ thể trong giới hạn. Cai thuốc lá triệt để vì hút thuốc làm nguy cơ đột quỵ và bệnh mạch vành tăng, nhất là ở những người hút trên 40 điếu mỗi ngày.

Tập thể dục để làm giảm thấp các yếu tố nguy cơ như làm hạ huyết áp, giảm béo phì, hạn chế tiến triển tổn thương vữa xơ động mạch. Tập thể dục mức độ trung bình, chẳng hạn như đều đặn đi bộ 30 phút mỗi ngày. Có thể đạp xe đạp hoặc bơi lội ít nhất 30 phút/lần/ngày, 5 ngày/tuần cũng rất hữu ích. Duy trì giấc ngủ khoảng 7h mỗi ngày. Nên ngủ sớm, dậy sớm.

Những bệnh nhân có huyết áp cao, mắc đái tháo đường, rung nhĩ, từng có tiền sử đột quỵ cần dự phòng và tuân thủ điều trị của bác sĩ.

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/ca-si-van-quang-long-qua-doi-do-dot-quy-co-trieu-chung-nay-ban-tuyet-doi-dung-bo-qua-273798.html