Ca sĩ Trọng Tấn: 'Tôi có quá nhiều ước mơ bé tí, đáng yêu và tội lắm'

Có thể nói Trọng Tấn là người có lập trường và quyết đoán, không chiều theo thị hiếu ca nhạc thị trường, ca sĩ Trọng Tấn luôn chọn những ca khúc cách mạng, của những nhạc sĩ như Huy Du, Hoàng Việt, Thái Cơ, Phan Huỳnh Điểu,... để hát. Không những thế, những bản tình ca lãng mạn về tình yêu mà một số nhạc sĩ đã 'rút ruột nhả tơ cho đời', cũng được anh lặng lẽ đón nhận và chuyển tải nó một cách cảm động đến với công chúng yêu nhạc.

Sinh ra tại Thanh Hóa trong một gia đình có bốn anh chị em. Trọng Tấn bắt đầu tham gia hoạt động văn nghệ từ khi còn là cậu học trò cưng của trường Đào Duy Từ (Thanh Hóa). Sau khi tốt nghiệp PTTH, chàng trai trẻ dự định thi vào 3 trường đại học Kiến Trúc, ĐH Tài Chính và Nhạc viện Hà Nội nhưng sau nhiều đêm “thao thức”, anh quyết định thi vào một trường duy nhất - Nhạc viện Hà Nội... và đã trở thành sinh viên của trường.

Lần đầu tiên từ Thanh Hóa ngơ ngác ra Hà Nội là để nộp đơn thi vào Nhạc viện, dù học khối A, và chưa có kiến thức gì về nhạc lý. Vào ký túc xá, gặp bạn, Trọng Tấn được giới thiệu gặp thầy Trần Hiếu, nhưng vì xin học muộn quá nên thầy không nhận. Chỉ còn 12 ngày nữa là thi, thầy bảo tự tập. Nhưng khi tình cờ nghe Trọng Tấn hát, NSND Trần Hiếu bảo hát lại và nhận dạy luôn. Trọng Tấn là một trong ba người thi đỗ khóa ấy.

Có thể nói Trọng Tấn là người có lập trường và quyết đoán, không chiều theo thị hiếu ca nhạc thị trường, ca sĩ Trọng Tấn luôn chọn những ca khúc cách mạng, của những nhạc sĩ như Huy Du, Hoàng Việt, Thái Cơ, Phan Huỳnh Điểu,... để hát. Không những thế, những bản tình ca lãng mạn về tình yêu mà một số nhạc sĩ đã “rút ruột nhả tơ cho đời', cũng được anh lặng lẽ đón nhận và chuyển tải nó một cách cảm động đến với công chúng yêu nhạc.

Chỉ vì nghèo mà... học nhạc

Trọng Tấn không giấu cái nghèo, nhưng anh không coi việc vượt qua số phận là kỳ tích. Anh chỉ kể về nó, như kể về một thời mình đã sống, luôn đầy ắp yêu thương. Tuổi thơ của Trọng Tấn sống thiếu thốn vật chất. Anh kể: “Nhà tôi nghèo đến nỗi cả khu có điện rồi nhưng gia đình mình không thể mắc được. Thi thoảng ngày Tết bố câu điện trộm cho dùng”. Rất nhiều năm như thế, đến khi có điện, anh chàng bên rìa thành phố ấy thấy mình như có một sự đổi đời. “Có điện rồi, hàng ngày không phải chạy sang nhà bạn học nhờ hoặc không phải học dưới ánh đèn dầu nữa. Tôi rất nhớ những cảm giác ấy, cứ mỗi dịp Tết đến không tránh được cơn tủi thân trào lên khóe mi”.

Cũng vì nghèo, nên khi hỏi về giấc mơ ngày bé, anh bảo: “Tôi có quá nhiều ước mơ bé tí, đáng yêu và tội lắm”. Chẳng hạn chỉ vì cái bánh Trung thu mà cậu bé Tấn từng ước “Sau này khi làm ra được tiền chắc sẽ phải ăn cho thật đã”. Anh nói rồi cười: “Bánh nướng bây giờ rất nhiều chất nhưng dư vị chắc chắn không tuyệt vời bằng bánh nướng ngày xưa. Khi Trung thu được tổ dân phố phát, mình cứ phải cắn dè cho thật lâu mới hết. Khi ăn phải đứng sát vào một góc để không ai nhìn thấy, không ai xin”.

Chàng ca sĩ có cái tên vững vàng và nam tính ấy đã lớn lên bằng những chuyến hàng xáo (đong thóc, xát gạo rồi bán lại gạo cho người dùng) của mẹ, đi học nhờ xe bạn đến tận lớp 12. Và thậm chí có nhiều bữa sáng, bạn bè đã góp tiền mua chung đồ ăn sáng rồi chia cho cậu bạn nghèo hơn.

Nhưng bất ngờ nhất khi Trọng Tấn bảo: “Cũng may vì nhà nghèo nên tôi mới thi vào Nhạc viện”. Bởi nếu có điều kiện hơn, có lẽ anh đã là một kiến trúc sư, thậm chí nếu được nuôi lớn với đầy đủ dinh dưỡng, chàng thanh niên Tấn đã đạt tiêu chuẩn cân nặng để thi vào lục quân và bây giờ là một sĩ quan nào đó.

Trọng Tấn biết vẽ trước khi biết hát. Ngày còn bé tí, thời cấp 1, cấp 2, tranh anh vẽ đã được bố cho phép treo lên tất cả các chỗ trống trong nhà. Bố cho anh vẽ lên những thứ có thể vẽ. Vậy nên, đến cấp 3 anh vẫn nghĩ mình sẽ theo nghề kiến trúc, vì nghề đó nam tính, lại rất oách, chẳng có cậu chàng nào thời đó mà không ước mơ.

Thế rồi khi tốt nghiệp cấp 3, đứng trước hai lựa chọn: Vào trường lục quân hay kiến trúc, câu trả lời tìm được ngay, trường lục quân không đủ cân nặng nên chỉ còn một lối rẽ. Nhưng nghe những người anh đi trước nói về các khoản chi tốn kém cho giấy bút, mực vẽ, chàng trai Trọng Tấn tự biết mình không thể nào đủ điều kiện theo học.

Thông tin Nhạc viện Hà Nội hệ trung cấp không phải đóng học phí được biết đến như một tia sáng. Trọng Tấn ngay lập tức quyết định sẽ thi vào và học ở đây. Cho dù thời điểm đó, ca hát vẫn thích nhưng nghĩ về tương lai, câu hỏi day dứt nhất luôn hiện lên trong đầu: chẳng biết đàn ca sáo nhị rồi sẽ đưa mình về đâu?

Mẹ anh buồn, nhưng khi nghe con trai thuyết phục học trường khác mỗi tháng phải có 400.000 - 500.000 đồng, trong khi trường này không mất học phí, bà cũng đành ngậm ngùi gật đầu. Chẳng ai ngờ, vào Nhạc viện, chỉ 1 năm sau Trọng Tấn đã làm ra tiền, tiết kiệm gửi về cho mẹ được mỗi tháng vài trăm ngàn đồng nhờ phong trào đi hát tại các quán ca nhạc ở Thủ đô. Không chọn trước, nhưng cuối cùng âm nhạc đã giúp Trọng Tấn làm thỏa chí ước mong của cha mình khi ông đặt tên cho con với hy vọng sau này ra đời con được người người yêu mến và nể trọng.

Muốn được một lần đền đáp

Để đi đến hôm nay, Trọng Tấn nói không bao giờ quên những người bạn thuở ấu thơ đã từng thay nhau chở anh đến lớp vì không có xe đạp. Cũng một trong số những người bạn ấy đã cùng anh ra Hà Nội xem trường nhạc dài rộng thế nào. Họ cùng nhau đi lạc ở thủ đô ngày ấy. Nhưng bây giờ mỗi người đã một cuộc đời riêng. Trọng Tấn cũng không quên nhắc đến một người mà anh coi như cha, đó là bác lái xe cho Sở Giáo dục - Đào tạo Thanh Hóa những năm 1990. Người đàn ông đó đã vận chuyển gạo từ Thanh Hóa ra Nhạc viện cho anh, thỉnh thoảng thương đứa cháu còi cọc đã dúi cho vài chục bạc lẻ. Nhưng với chàng ca sĩ này, đó là những món quà tặng mà anh suốt đời tri ân.

Còn những người thầy đầu tiên đưa anh tới thành công trong âm nhạc hôm nay, Trọng Tấn bảo không thể không nhắc tới cô Minh Huệ, thầy Trần Hiếu và thầy Trung Kiên. Người bắc cầu nối để Trọng Tấn vào được Nhạc viện vì phát hiện ra giọng tenor hiếm có ở anh, sẵn sàng nhận anh vào lớp ôn luyện ở phút chót là cô Minh Huệ. Cũng chính cô Huệ đã chọn cho anh bài hát Tiếng đàn bầu dự thi Sao Mai năm 1999. Còn NSND Trần Hiếu đã dìu dắt, dạy cho anh không chỉ về nghề mà còn cách sống. Người thầy ấy trong anh “ấm áp như một người cha và hồn nhiên ở mọi sân khấu, ở tất cả những nơi gặp gỡ”.

Trọng Tấn cũng không quên nhắc tới người luôn dõi theo và đặt nhiều kỳ vọng vào anh là NSND Trung Kiên. Nhưng anh biết, ngay lúc này đây, có nhiều tâm tư anh chưa có dịp gặp thầy để bày tỏ, mong nhận được sự sẻ chia. Trọng Tấn rời trường, ở một cách nhìn nào đấy, anh không đi hết con đường mà những người thầy anh yêu quý đã tận tụy đến khi không còn khả năng. Nhưng Trọng Tấn tạm lựa chọn một con đường khác, mà theo anh, con đường ấy sẽ giúp bản thân làm được nhiều hơn cho âm nhạc.

Với anh, đã đến lúc phải làm gì đó thực sự cho công việc đã nuôi mình suốt những năm tháng qua. Và đó là lý do chính lớn nhất anh quyết định tạm dừng công việc giảng dạy để đầu tư phần lớn quỹ thời gian cho công việc ấy. Trọng Tấn chưa biết trước mắt sẽ thành công hay thất bại về doanh thu, nhưng anh tin sẽ có cơ hội hết mình với nó. “Tôi nghĩ nếu mãi không làm được một điều gì đó, thì là nghệ sĩ của một dòng, nhận được nhiều tình yêu mến, nhiều sự kỳ vọng cũng là lãng phí, trong khi thời gian vẫn cứ trôi qua mỗi ngày”.

Hiện Trọng Tấn đang ấp ủ nhiều dự án âm nhạc. Anh có giấc mơ làm những chương trình nhạc truyền thống kết hợp với dàn nhạc giao hưởng, tổ chức được những show lớn cho riêng dòng nhạc này hàng năm, bên cạnh những chương trình dành riêng cho sinh viên... Và “phát súng” đầu tiên là liveshow Tình ta biển bạc đồng xanh sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10 ở Hà Nội. Trọng Tấn vẫn cẩn thận bảo rằng: “Không phải vì những lùm xùm trong câu chuyện rời trường mà tôi tổ chức chương trình này, tôi đã muốn làm nó từ hai năm trước”.

Con đường Trọng Tấn đang đi như là duyên phận. Anh đã biến một gia đình thị dân nghèo trở thành một gia đình âm nhạc. Bằng chứng là, hai em trai sinh đôi của Trọng Tấn bây giờ một người làm thu âm, một người làm phối khí. Và cả người phụ nữ gắn với anh từ thiếu thời cũng theo chồng về trường nhạc. Con đường Trọng Tấn đi chưa dài, nhưng đủ để anh nhận biết với âm nhạc, anh có món nợ về duyên phận.

Và một tình yêu đầy ắp tiếng cười

Duyên phận với âm nhạc cũng giống như duyên phận của anh với người phụ nữ có tên Đặng Thị Thanh Hoa, cô gái mà bây giờ anh thỉnh thoảng lại đùa với các con “ngày xưa bố bị mẹ hắt hủi lắm đấy”. Chị đã cùng anh đi từ mối tình học trò thơ mộng đến hôm nay. Lấy một mối tình đầu, sống cuộc đời hạnh phúc mà Trọng Tấn bảo: “Sự chia sẻ mà tôi cảm nhận được từ vợ vào thời điểm hiện tại là đầy ắp”. Dẫu trái tim người nghệ sĩ vẫn biết “chẳng bao giờ thấm hết được vào nhau”, nhưng cảm giác bình yên mà vợ và hai đứa con mang lại cho anh, đủ để Trọng Tấn biết, anh đã đi đến trạng thái vững chắc của hạnh phúc.

Khi được hỏi: Lấy tình đầu, anh có bao giờ tiếc, có bao giờ xuất hiện những phút giây xao lãng, Trọng Tấn cười: “Tôi không đo được đến mức độ nào thì bị gọi là xao lãng, còn vợ mình, mình không biết được cụ thể những giây phút ấy đã diễn biến ra sao”. Và với người phụ nữ bên anh cũng như trái tim nghệ sĩ, anh luôn hiểu, là vợ chồng rồi, góc lãng mạn sẽ không được thường xuyên nhưng nó sẽ có, chỉ là nó chuyển sang một trạng thái khác, ở những thời gian khác lúc yêu.

Hiện tại Vợ chồng ca sĩ Trọng Tấn hiện sở hữu một biệt thự ở Hà Nội và một nhà vườn ở Thanh Hóa. Một thời gian, dư luận xôn xao nhà vườn của Trọng Tấn trị giá hàng triệu USD. Tuy nhiên, nam ca sĩ cho rằng chi phí của căn nhà chắc chỉ bằng một phần nhỏ của tin đồn.

Trang Dung (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ca-si-trong-tan-toi-co-qua-nhieu-uoc-mo-be-ti-dang-yeu-va-toi-lam-a428395.html