Ca sĩ Tân Nhàn: Tôi cảm thấy mình đang ở độ chín

Ca sĩ Tân Nhàn - Phó trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia, đang gấp rút chuẩn bị cho liveshow 'Trở về'. PV báo Đại Đoàn Kết đã có buổi trò chuyện với nữ ca sĩ trước thềm xuân mới.

Ca sĩ Tân Nhàn.

PV: Chào chị! Thời gian gần đây, chị đang chuẩn bị rất nhiều cho các sản phẩm âm nhạc truyền thống của mình. Phải chăng đó sẽ là lựa chọn sắp tới trên con đường âm nhạc của chị?

Ca sĩ Tân Nhàn: Tôi đến với nhạc truyền thống cũng chỉ trong thời gian mấy năm trở lại đây, và vẫn còn đang trên con đường đi chinh phục những khán giả của mình hãy yêu nhạc truyền thống. Chính vì vậy, tôi hướng khán giả đến với những gì tôi theo đuổi bằng hành trình âm nhạc của mình. Tôi mong muốn khán giả nhớ về Tân Nhàn luôn có hai phần không thể tách rời. Đó là, Tân Nhàn với những ca khúc mang âm hưởng dân gian và Tân Nhàn với âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Trước đây, tôi không nghĩ rằng mình có thể hát nhạc truyền thống được chuẩn xác như các nghệ nhân. Nhưng sau quá trình mày mò tìm học, và quyết tâm đeo đuổi, tôi đã tự tin với những gì mình học được và tự tin trình diễn trước khán giả những bài ca cổ, những bài nhạc truyền thống giữ nguyên bản sắc của nhạc cổ.

Vậy tại sao chị lại chọn dòng nhạc truyền thống mà không phải là một dòng nhạc khác trẻ trung hơn?

- Tôi lựa chọn dòng nhạc này với mong muốn để nhiều người sẽ quay lại với âm nhạc truyền thống. Lâu nay âm nhạc truyền thống của chúng ta vẫn phát triển nhưng nhỏ lẻ, manh mún, ở góc nào đó của sân khấu, trong các gameshow cũng có sự gắn kết liên đới đến âm nhạc truyền thống nhưng với quy mô rất nhỏ. Tôi nghĩ mình cứ làm đi, rồi sau này những người khác cũng làm. Đó là cách để nối dài sức sống nghệ thuật truyền thống Việt cho các lớp thế hệ nghệ sĩ và khán giả kế cận, từ đó cộng đồng sẽ quan tâm hơn.

Nhưng là một người trẻ đi sau, chị có muốn làm mới âm nhạc truyền thống không?

- Với âm nhạc truyền thống của Việt Nam, tôi phải làm mới chứ, tôi là thế hệ trẻ mà. Âm nhạc truyền thống, cái cổ truyền sẽ không bao giờ mất đi. Cái mới chỉ đem lại sự thú vị cho người trẻ thế hệ sau này vì âm nhạc truyền thống dân gian phát triển theo từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử chứ không phải 1.000 năm sau vẫn sẽ hát như thế. Âm nhạc truyền thống phát triển cùng với các giá trị của đời sống xã hội, của dân tộc. Tôi tin chắc sau tôi, sẽ có thế hệ kế tiếp tiếp tục làm mới và vẫn giữ được bản sắc, giá trị của âm nhạc truyền thống. Đó là sự tiếp bước, là sự nối dài sức sống của âm nhạc truyền thống...

Vậy chị có từng mơ ước sẽ tổ chức một liveshow chỉ hát âm nhạc truyền thống của Việt Nam?

- Tất nhiên là tôi đã mơ ước như thế và tôi đang bắt đầu thực hiện ước mơ của mình bằng Liveshow thứ 2, sau 6 năm. Ban đầu, dự định của tôi là sẽ thực hiện một liveshow chỉ hát âm nhạc truyền thống, giãi bày hết khát vọng được miêu tả sự đẹp đẽ và duyên dáng của âm nhạc truyền thống Việt Nam của mình. Nhưng rồi, tôi lại đổi ý bởi tôi cũng muốn sau nhiều năm gặp lại ở liveshow, khán giả sẽ được thấy một Tân Nhàn với dòng nhạc truyền thống Việt Nam cùng một Tân Nhàn mà họ đã yêu thuơng suốt 14 năm qua, kể từ khi tôi thành công ở Sao Mai 2005 với giải Quán quân dòng nhạc dân gian. Album “Níu dải lụa đào” như là sự khởi đầu để tôi có quyết định thực hiện liveshow hay không. Sau khi thu âm xong các ca khúc trong album, tôi cảm thấy mình có sự nhuần nhuyễn trong cách xử lý tác phẩm và có độ chín về cảm xúc.

Tôi nghĩ một vài năm nữa chưa chắc mình đã hát hay như bây giờ, bởi biết đâu khi đó cảm xúc có thể nguội đi bớt rồi, hoặc có thể nhiều tuổi hơn, dây thanh đới của mình không còn xuân thời như bây giờ đang đầy sức sống để hát âm nhạc truyền thống của Việt Nam nữa. Chính vì vậy tôi quyết định thực hiện liveshow “Trở về”.

Trước đây, Tân Nhàn đã từng gây tranh cãi khi kết hợp chèo và jazz trong “Yếm đào xuống phố”, vậy chị có e ngại những tranh cãi không khi tiếp tục làm mới âm nhạc truyền thống của Việt Nam trong liveshow sắp tới?

- Tôi không ngại bởi vì tôi nghĩ, có tranh cãi có nghĩa là mọi người đã quan tâm. Khi ra mắt Yếm đào xuống phố, sản phẩm của tôi đã nhận tranh cãi rất nhiều, gay gắt lắm, ở cả 2 giới bảo thủ và tiến bộ. Tôi thấy đó là một sự thành công.

Thực hiện một liveshow có rất nhiều sắc màu âm nhạc truyền thống, vậy chị có hướng đến việc làm show để “chạy show” nhiều hơn, hay cát xê cao hơn không?

- Hát nhạc truyền thống là một sự hy sinh của một nghệ sĩ như tôi. Vì, bình thường tôi cứ đi hát dòng nhạc của mình, show của tôi vẫn dày đặc, đâu cần phải suy tính nữa làm gì. Chính vì vậy, hát nhạc truyền thống thực sự là một sự hy sinh cho đam mê của tôi. Và, đã hy sinh để theo đuổi dòng nhạc này thì không hy vọng chạy show hay kiếm được tiền từ âm nhạc truyền thống, người nghệ sĩ thông minh sẽ biết kiếm tiền ở mảng khác để nuôi dưỡng niềm đam mê được trọn vẹn.

Tuy nhiên, gắn với âm nhạc truyền thống cũng không “nghèo” như mọi người nghĩ, như album “Yếm đào xuống phố” của tôi đã bán được rất nhiều và nếu ước tính thì số tiền bán đĩa thì cũng đủ sống như một viên chức bình thường. Album được mang sang nước ngoài bán, thu tiền nhạc chuông nhạc chờ và lượng bán thì không thua kém gì các album dòng nhạc dân gian của tôi như: Giọt thời gian hay Đường tàu mùa xuân, Hai quê….

Và album “Níu dải lụa đào” của tôi mới phát hành cũng đã được khán giả quan tâm nồng nhiệt. Theo tôi, không phải âm nhạc truyền thống không “nuôi” được mình, quan trọng là mình làm tới đâu thôi.

Giữa thời mà các show diễn đang có sự cạnh tranh khốc liệt như vậy, liveshow Tân Nhàn liệu có chiêu trò gì để thu hút khán giả nữa hay không?

- Tôi nghĩ cái tên Tân Nhàn là vừa đủ để gây sự tò mò cho khán giả rồi, không cần phải chiêu trò gì nữa. Chỉ cần hai phần ba khán giả tới rạp để nghe Tân Nhàn hát, đó đã là sự thành công rồi. Và giờ này tôi tin là mình đã chạm tới thành công rồi.

Trân trọng cảm ơn chị!

Uyên Nguyễn (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/am-nhac/ca-si-tan-nhan-toi-cam-thay-minh-dang-o-do-chin-tintuc428814