Ca sĩ Sỹ Luân: 'Độ ta không độ nàng' ca từ không thống nhất

Là ca sĩ, nhạc sĩ và cũng là Phật tử từ lâu nên ca sĩ Sỹ Luân cho rằng ca từ của bản dịch 'Độ ta không độ nàng' không thống nhất, 'non kém' khi sử dụng nhiều từ ngữ mà giáo lý nhà Phật cần tránh.

Ca khúc nhạc Hoa lời Việt “Độ ta không độ nàng” đang thực sự trở thành một hiện tượng trong giới trẻ những ngày qua. Bắt đầu gây sốt từ những video cover trên Youtube, ca khúc nhanh chóng được phổ biến đến khắp khán giả Việt Nam.

Có nhiều ý kiến cho rằng đây là một bài hát hay với phần giai điệu bắt tai, với một câu chuyện tình cảm động. Nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ khán giả nhận định ca khúc này có nội dung bổ báng Phật giáo, xúc phạm đến những người tu hành khi một vị cao tăng lại vướng vào trần tục với tình cảm nữ nhi thiên hạ, để rồi đau khổ dằn vặt thầm trách Phật “độ ta không độ nàng”.

Hình ảnh minh họa cho ca khúc "Độ ta không độ nàng"

Hình ảnh minh họa cho ca khúc "Độ ta không độ nàng"

Là ca sĩ, nhạc sĩ và cũng là Phật tử từ lâu nên ca sĩ Sỹ Luân cho rằng ca từ của “Độ ta không độ nàng” không thống nhất.

“Tôi không rõ ca từ gốc tiếng Hoa của ca khúc này như nào nhưng bản Việt thì quả thực ca từ hơi trái ngược nhau về nghĩa, không thống nhất. Lời ca vừa là sự thức tỉnh, vì nhà sư này nhờ ánh sáng Phật pháp mà được bình an nhưng lại vừa trách móc vì sao Đức Phật không độ nàng?” - Sỹ Luân đánh giá.

Nam nhạc sĩ cũng nhấn mạnh: “Điều đáng nói ca từ trong bản dịch đi ngược tinh thần Phật học mà người Việt theo đuổi lâu nay: bi lụy quá trong tình yêu và sự bế tắc, không lối thoát.

Ngoài ra, có những từ ngữ Phật giáo “tránh” và ca từ không nên đưa vào như từ “máu” hay “Phật ở trên cao quá”, …Đôi khi người dịch vô tình hoặc cố ý hư cấu vấn đề thêm ghê gớm để dư luận có cái bàn tán, xôn xao”.

Từ sau biến cố cuộc sống, Sỹ Luân tìm đến cửa Phật

Nhưng ở một khía cạnh khác, nam ca sĩ lại cho rằng cũng nên nhìn ca khúc này ở khía cạnh tích cực và một mối duyên Phật pháp. Vì đây là nhạc phim cách đây đã 2 năm bỗng dưng lại nổi trở lại.

“Tất nhiên cũng như bất kỳ sản phẩm nghệ thuật, sau khi ra đời sẽ có nhiều ý kiến khen chê, phê phán nhưng nhìn tích cực thì một lần nữa Phật học lại được toàn xã hội chú ý. Có vấn đề này người ta mới tìm đến kinh sách xem ý nghĩa đúng sai. Như thế vô tình ánh sáng Phật pháp lại chảy vào tim mỗi người một lần nữa. Nên dù “Độ ta không độ nàng” có thế nào thì chúng ta hãy nên đơn giản nhìn nhận đó như một ca khúc nhạc phim. Hãy nhẹ nhàng mọi thứ vì Phật giáo là từ bi vô ngã” - Sỹ Luân nhấn mạnh.

Sau những tranh cãi về bài hát “Độ ta không độ nàng”, ca sĩ Phương Thanh đã thu âm ca khúc với ca từ hoàn toàn ngược lại mang tên “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng”. Đây là phần lời do chính nhà sư soạn lời và gửi cho ca sĩ Phương Thanh thu âm. Bản thu âm đang nhận được nhiều sự quan tâm của các phật tử và những người yêu đạo Phật.

Phương Thanh ra bản thu "sửa sai" cho ca khúc "Độ ta không độ nàng"

Về sự “đi ngược” dòng chảy dư luận, Sỹ Luân đánh giá cao bản sửa lời của đàn chị. Nam ca sĩ cho biết: “Đây là bản chỉnh sửa ca từ rất hay, có ý nghĩa và chính xác với tinh thần Phật pháp. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận một điều rằng nếu ngay từ đầu đã viết một ca khúc “chuẩn”, một tác phẩm âm nhạc đơn giản thì hoàn toàn khó thu hút được dư luận. Mà phải có uẩn khúc kiểu “vì sao độ ta không độ nàng” cơ?”

Ngọc Mai

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/ca-si-sy-luan-do-ta-khong-do-nang-ca-tu-khong-thong-nhat-20190615125514692.htm